S-300 lần đầu tiên khai hỏa vào F-16 Israel: Vì sao Syria nhận được "cái gật đầu" của Nga?

Hoài Giang | 17-05-2022 - 10:08 AM

(Tổ Quốc) - Truyền thông Israel mới đây đã xác nhận rằng S-300 Syria đã lần đầu tiên khai hỏa nhằm vào máy bay Israel.

S-300 Syria đã được phép khai hỏa vào F-16 Israel!

Ít giờ trước, phóng viên Alon Ben-David của kênh truyền hình Israel Channel 13 đã tiết lộ một thông tin chấn động: Các khẩu đội S-300 do Nga sản xuất đã lần đầu tiên khai hỏa vào tiêm kích F-16 Israel.

Vụ việc xảy ra sau cuộc tập kích của Không quân Israel (IAF) vào các mục tiêu gần thành phố Masyaf, phía tây bắc Syria hôm 13/5 được cho là bằng chứng rõ ràng đầu tiên về việc S-300 Syria thực chiến kể từ khi Moscow tuyên bố trang bị nó cho Damascus vào năm 2018.

Theo một tuyên bố từ Trung tâm hòa giải Syria của Quân đội Nga, các tiêm kích F-16 Israel đã bắn 22 tên lửa nhằm vào một "trung tâm nghiên cứu khoa học của Syria" ở thành phố Masyaf và cảng Baniyas.

Như thường lệ, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã không lập tức đưa ra bình luận về cuộc không kích. Tuy nhiên Tel Aviv hiện vẫn đang tiếp tục duy trì cái gọi là "War-between-wars" (chiến tranh giữa các cuộc chiến) nhằm vào "các mục tiêu Iran" ở Syria.

S-300 lần đầu tiên khai hỏa vào F-16 Israel: Vì sao Syria nhận được cái gật đầu của Nga? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: The War Zone).

Hiện vẫn chưa rõ ai là người đã vận hành hệ thống S-300 ở Syria.

Nhưng có một điều có thể khẳng định rằng trước vụ việc, tất cả các hệ thống S-300 và S-400 của Nga ở Syria (bao gồm ở Căn cứ Hải quân Tartus và Căn cứ Không quân Khmeimim gần Latakia) đều chưa từng khai hỏa vào các máy bay Israel.

Theo các nhà phân tích của trang tin The War Zone, nhiều khả năng người Nga đã kiểm soát - hoặc chí ít là chấp thuận - việc lực lượng phòng không Syria phóng tên lửa từ các khẩu đội S-300 nói trên.

Nga đã chuyển giao một số lượng không xác định S-300 cho Damascus vào năm 2018 sau sự cố một trinh sát cơ Il-20 của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) bị phòng không Syria bắn hạ - với trách nhiệm được cho là do tiêm kích Israel "núp bóng".

Sau thông báo nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hệ thống S-300 ở Syria có tầm bắn tối đa 200 km - tương đương với biến thể xuất khẩu S-300 PMU-2.

Tầm bắn nói trên cho phép các tổ hợp S-300 PMU-2 được đặt gần thủ đô Damascus của Syria bao phủ không phận Israel và Lebanon - nơi máy bay Israel thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào Syria - cũng như một phần Địa Trung Hải.

S-300 lần đầu tiên khai hỏa vào F-16 Israel: Vì sao Syria nhận được cái gật đầu của Nga? - Ảnh 3.

Một hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: Bộ quốc phòng Nga).

Vì sao Syria nhận được "cái gật đầu" từ Nga?

Theo kênh truyền hình Channel 13 của Israel, một điểm đáng lưu ý khác trong vụ việc là mặc dù tên lửa của S-300 đã được bắn về phía F-16 Israel nhưng nó không thực sự gây ra mối đe dọa - chủ yếu là do đầu dò radar của tên lửa không ở trong chế độ khóa mục tiêu.

Các nhà phân tích của The War Zone cho rằng hiện có 3 giả thuyết liên quan tới thực tế này.

Đầu tiên là tên lửa của S-300 đã được sử dụng để "bắn đón đầu" - điều không hiếm ở Syria.

Thứ hai là đầu dò mục tiêu của tên lửa đã bị các hệ thống chế áp điện tử của máy bay Israel khắc chế.

Và thứ ba là có thể bên khai hỏa không thực sự muốn bắn rơi máy bay Israel mà thay vào đó là gửi đi một "cảnh báo".

S-300 lần đầu tiên khai hỏa vào F-16 Israel: Vì sao Syria nhận được cái gật đầu của Nga? - Ảnh 5.

Một tiêm kích F-16I "Sufa" của IDF.

Cần lưu ý rằng giữa Nga và Israel đã có một cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến các cuộc không kích ở Syria kể từ năm 2015.

Tel Aviv được cho là sẽ gửi cảnh báo trước với Nga về các cuộc tập kích và ít nhất là cho đến gần đây các tổ hợp phòng không hiện đại như S-300 được Nga kiểm soát sẽ không được sử dụng để tấn công máy bay Israel.

Có thể thấy điều đó đã thay đổi sau vụ việc hôm 13/5.

The War Zone lưu ý rằng có "sự trùng hợp không hề nhẹ" giữa thời điểm vụ việc diễn ra với việc Tel Aviv bất ngờ có một số thay đổi chính sách được cho là trung lập của mình với tình hình ở Ukraine - bao gồm cung cấp vũ khí cho Kiev.

Trang tin quân sự cũng nhấn mạnh rằng mặc dù hiện đại nhưng tiêm kích F-16 của Israel cũng đã từng bị phòng không Syria bắn rơi vào năm 2018 và nếu điều này xảy ra một lần nữa - nó chắc chắn sẽ khiến tình hình ở Syria leo thang lên "một nấc thang mới".

S-300 của Nga hoạt động như thế nào?

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM