Theo RBTH, Mặt trận phía Đông của Thế chiến II được miêu tả vô cùng khắc nghiệt.
Để bảo toàn thể lực và tinh thần trong những điều kiện như vậy là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với những người lính.
Lãnh đạo các quốc gia tham chiến nhận thức rõ vấn đề và đã tìm ra mọi phương tiện để giúp cho binh lính luôn ở trạng thái tốt nhất.
Vì vậy, những người lính Đức đã nâng cao tinh thần bằng schnapps – một loại rượu mùi hoa quả. Wehrmacht cũng sử dụng viên Pervitin. Loại thuốc này, dựa trên methamphetamine, có tác dụng kích thích mạnh lên hệ thần kinh trung ương, gây bùng nổ năng lượng và giảm nhu cầu ngủ và ăn.
Trong Hồng quân, vấn đề căng thẳng đã được giải quyết theo cách tương tự, cụ thể là thông qua thức uống nổi tiếng nhất của Nga - vodka.
100 gram
Truyền thống cho binh lính uống rượu để tăng "can đảm" đã có trong quân đội Nga từ thời cổ đại. Ngay từ thế kỷ 18, binh lính được thưởng thức ba ly "rượu bánh mì" một tuần trong các hoạt động chiến đấu.
Năm 1908, sau thất bại của Nga trong cuộc chiến chống Nhật Bản, nước này đã quyết định ngừng hoạt động cung cấp rượu và ba mươi năm sau, Bộ Quốc phòng ban hành sắc lệnh "Cấm say rượu trong Hồng quân", theo đó những người say sưa có thể bị sa thải khỏi lực lượng vũ trang và thậm chí bị đưa ra xét xử.
Truyền thống rượu trở lại trong quân đội trong cuộc chiến chống Phần Lan. Vào tháng 1/1940, Tư lệnh Bộ Quốc phòng Voroshilov đề nghị cấp 100 gram vodka và 50 gram salo (mỡ lợn) mỗi ngày cho binh lính và chỉ huy để giữ ấm trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt.
Các tổ lái xe tăng được nhân đôi khẩu phần rượu vodka, trong khi các phi công thường nhận rượu cognac.
Kiểm soát căng thẳng
Khi cuộc chiến chống lại người Phần Lan kết thúc, phân phối rượu cho quân đội đã bị dừng lại, nhưng trong một năm rưỡi, lệnh này đã được khôi phục.
Vào ngày 22/8/1941, sắc lệnh của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước theo số 562 quy định phân phối hàng ngày 40% rượu vodka cho những người lính tiền tuyến (những người đối đầu trực tiếp với kẻ thù) với số lượng 100 gram (ml) mỗi người.
Một mệnh lệnh khác được ban hành ba ngày sau đó cũng tuyên bố các phi công của Lực lượng Phòng không Hồng quân, cũng như các nhân viên kỹ thuật phục vụ các sân bay dã chiến, phải được được cung cấp rượu vodka.
Tất nhiên, sáng kiến này của giới lãnh đạo quân sự được đưa ra bởi những lý do hoàn toàn khác so với trong cuộc xung đột Liên Xô-Phần Lan.
Việc uống rượu thường xuyên được cho là để giúp những người lính đối phó với những căng thẳng mà họ phải trải qua trong giai đoạn đầu khó khăn nhất của thế chiến Hai.
Ngoài ra, rượu mạnh với nồng độ cồn cao nhanh chóng được phân hủy trong cơ thể con người, chuyển hóa thành một lượng năng lượng đáng kể và cho phép bổ sung nhanh chóng sức lực đã mất.
"Không có rượu thì không thể đánh bại được… cái lạnh" , Thượng úy Fedor Ilchenko, người đã bắt Thống chế Friedrich Paulus ở Stalingrad, cho biết.
"Mặt trận 100 gram trở nên quý giá hơn đạn pháo và cứu binh sĩ khỏi tê cóng, vì họ đã trải qua nhiều đêm trên cánh đồng trống".
Tuy nhiên, không phải tất cả binh lính đều cần uống rượu thường xuyên. "Trong những năm đầu tiên, tôi đổi nó lấy đường", xạ thủ máy bay Mikhail Larin nhớ lại.
Trung sĩ Cảnh vệ Georgy Veliaminov tuyên bố: "Chúng tôi, những người trẻ tuổi, không quan tâm lắm đến sự hiện diện hay vắng mặt của 100 gram. chúng tôi quan tâm hơn đến bữa ăn".
Thói quen xấu
Các quy tắc và tiêu chuẩn phân phối vodka liên tục thay đổi. Từ tháng 5/1942, rượu chỉ được cung cấp cho binh sĩ của các đơn vị đã xuất sắc trong trận chiến. Vì vậy, tỷ lệ đã được nâng lên 200 gram (ml). Những người lính tiền tuyến còn lại chỉ được uống vào những ngày lễ.
Vào tháng 11 cùng năm, 100 gram truyền thống quay trở lại, nhưng chỉ được phát cho binh lính và sĩ quan trực tiếp tham gia vào các hoạt động quân sự. Quân nhân dự bị và nhân viên của dịch vụ hậu phương chỉ được cung cấp 50 gram.
Không phải mọi nơi quân nhân đều được cung cấp rượu vodka. Ví dụ, đối với quân đội Liên Xô bảo vệ Caucasus, chất kích thích này đã được thay thế bằng các loại rượu địa phương.
Sau Ngày Chiến thắng, "100 gram vodka" đã bị hủy bỏ trong Hồng quân. Tuy nhiên, không phải tất cả những người trở về sau chiến tranh đều bỏ được thói quen uống rượu hàng ngày.