Thông tin về "bài thuốc chữa Covid-19" trong thời điểm hiện tại luôn nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Chính vì thế mà trên MHX xuất hiện không ít những bài đăng với mục đích câu like. Điểm chung của những bài viết này là thường được đăng tải bởi những chủ tài khoản không rõ kiến thức về y học, mọi thông tin đều chưa được kiểm chứng... Và rồi có rất nhiều người vì thiếu hiểu biết mà nghe theo. Dẫn đến phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Mới đây, trên mạng lại tiếp tục xôn xao thông tin về một thứ rau được cho là "có công dụng phòng và điều trị COVID-19" được một chủ tài khoản Facebook chia sẻ - đó là rau má. Theo người viết phân tích: "Khi người bệnh sốt tức là virus đã thâm nhập vào cơ thể, chúng tiết ra chất độc để phá hoại cơ thể. Nếu uống nước rau má kịp thời thì do tính chất giải độc mạnh, nước rau má sẽ đào thải độc tố của virus ra khỏi cơ thể. Nếu bệnh nhân uống nước rau má thì sẽ giảm nguy cơ đông máu trong cơ thể".
Ngoài ra, người này cũng chỉ ra các tác dụng thần thánh khác của rau má bao gồm: Thanh lọc cơ thể, hỗ trợ hệ tuần hoàn, tăng cường hoạt động hệ tuần hoàn, lợi tiểu, kích thích việc thải độc tố...
Vậy sự thực rau má có thật sự thần thánh như đang được đồn thổi?
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): "Rau má là một vị thuốc nam. Vị đắng, hơi ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng, chống độc, lợi tiểu.
Trong Đông y, rau má thường mang tính chất giải nhiệt, chứ còn dùng mỗi rau má để chữa được COVID-19 hay làm giảm nguy cơ đông máu thì rất khó. COVID-19 là căn bệnh thường xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau, đôi khi mỗi bệnh nhân lại có một kiểu tiến triển bệnh khác. Hơn nữa, các bài thuốc trong Đông y đều cần sự kết hợp chính xác của nhiều vị thuốc. Do đó nếu dùng rau má để chữa COVID-19 thì không có căn cứ".
Lương y Sáng cho biết, rau má dù tốt nhưng không hoàn toàn lành tính. Nếu nhiều người lạm dụng để phòng và chữa COVID-19 thì có thể gây ra những tác hại khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe.
"Việc dùng quá nhiều rau má sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó khiến lượng cholesterol cũng tăng, dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đặc biệt, người bị tiểu đường càng không nên ăn nhiều rau má", lương y Sáng nói.
Ngoài ra, việc lạm dụng nước rau má để giải nhiệt cũng có thể gây nhức đầu, thậm chí mất ý thức thoáng qua. Phụ nữ đang mang thai nên tránh ăn rau má bởi các chất cho trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai cho chị em, vô cùng nguy hiểm. Phụ nữ sử dụng lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Do vậy lương y Sáng khuyên với chị em đang mong muốn có con thì nên hạn chế sử dụng nước rau má.
Những món ăn, thức uống, bài thuốc từ rau má do lương y Bùi Đắc Sáng hướng dẫn
1. Nước giải khát bổ dưỡng, nước sinh tố
Cách làm: Dùng rau má sạch, xay lấy nước cốt hòa nước dừa xiêm, uống hỗn hợp này sẽ thấy tác dụng.
2. Giải nhiệt, trị nóng sốt, kinh phong, lở ngứa, mụn nhọt
Cách làm: Giã rau má lấy nước uống và xoa, đắp ngoài.
3. Chữa bụng xốn xáo, nóng ruột, nhiệt uất sinh nóng rét qua lại, đau bụng dưới, chán ăn
Cách làm: Dùng 1 nắm rau má, đem đi sắc uống.
4. Chữa cảm sốt, khát nước, nhức đầu, da nóng, kém ăn, nổi mẩn ngứa
Cách làm: Chuẩn bị 1 nắm rau má, 1 nắm rau sam, 30g sắn dây. Đem đi giã, cho thêm nước sôi, chắt lấy nước uống hoặc sắc uống.
5. Giải ngộ độc (nấm độc, thạch tín…)
Cách làm: Giã nát 250g rau má và 250g rau muống, hòa nước sôi, chắt lấy nước uống.
6. Chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, niệu huyết…
Cách làm: Lấy 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, 15g trắc bá diệp đi sao cháy, sắc làm thuốc uống.
7. Trị ho, tiểu buốt, tiểu rắt
Cách làm: Lấy nắm rau má tươi. Đem đi giã lấy dịch tươi uống hoặc sắc uống.
8. Trị khí hư bạch đới, đau bụng kinh
Cách làm: Lấy rau má khô, tán bột, uống 2 thìa cà phê vào mỗi buổi sáng.
9. Làm thuốc lợi sữa
Cách làm: Ăn rau má tươi, hoặc luộc ăn và uống nước.