Lửa Ấm - một dự án truyền hình khắc hoạ hình ảnh vô cùng đẹp của những người hùng chiến đấu với lửa và Thần Chết để mang lại sự an toàn cho người dân, nhưng lại đầy tì vết vì những lỗi logic không đáng có.
Lửa Ấm vốn đang miêu tả hình ảnh rất đẹp của những người làm nghề hoạt động vì cộng đồng. Tiếc sao, những lỗi sạn chỉ khiến người xem vô tình gắn liền những hình ảnh đẹp đó với những lỗi sai kiến thức, những quyết định thiếu logic của các nhân vật, vô tình khiến hình ảnh đẹp bị "bớt đẹp". Xét cho cùng, phim vẫn nỗ lực khắc hoạ hình ảnh người y bác sĩ - lính cứu hoả, đó là một cố gắng đáng ghi nhận. Nhưng những hạt sạn dưới đây hơi đáng tiếc, lại khó có thể bỏ qua.
1. Bác sĩ Thuỷ phát âm từ ngữ loạn xạ, sai tỷ lệ dịch truyền: Từ phần trăm nói thành phần nghìn
Trong những tập đầu tiên, đài từ của bác sĩ Thuỷ (Thuý Hằng) gặp rất nhiều phê bình của người xem. Trong đó, đỉnh điểm là khi cô nàng bác sĩ dày dạn kinh nghiệm nhất khoa cấp cứu này nói sai liều lượng dịch truyền và bị khán giả phát hiện. Câu thoại của Thuỷ là "Truyền 0,9 phần nghìn natriclorua cho bệnh nhân" là sai. Tỷ lệ phần nghìn là con số vô cùng nhỏ, thường được dùng để đo lượng vi chất có trong những vật có thể tích khổng lồ. Đại dương là một ví dụ. Độ mặn trung bình của đại dương là khoảng hay 35 phần nghìn. Tức nếu muốn chia nhỏ ra cho dễ hình dùng phải tách từng lít trong tổng thể tích của toàn bộ biển cả ra để suy ra con số 35g. Lỗi sai đài từ của Thuý Hằng thay đổi liều lượng nước muối dẫn truyền từ nhỏ xuống còn siêu nhỏ, chỉ còn cỡ 1 - 2 giọt nước.
Bác sĩ Thuỷ đọc sai liều lượng thuốc
Lỗi sai bị khán giả phát hiện và chỉ trích
2. Lỗi phục trang và kiến thức y tế: Bác sĩ Thuỷ đeo khẩu trang kéo lệch
Bộ Y Tế từng phát hành hướng dẫn đeo khẩu trang an toàn, trong đó khuyến cáo không được kéo khẩu trang xuống cằm vì vùng cổ là nơi lưu trữ vi khuẩn. Việc kéo khẩu trang xuống cằm xong kéo lên lại sẽ dễ khiến vi khuẩn từ cổ, theo lớp vải, lên lại mũi và miệng. Đặc biệt với bác sĩ phòng cấp cứu, người tiếp xúc với đủ mọi thể loại bệnh lại dễ gặp chuyện này hơn. Thế nhưng chính bác sĩ Thuỷ lại... kéo khẩu trang xuống cằm khi đang chẩn đoán cho bệnh nhân.
Không được kéo khẩu trang xuống cằm
Và khuyến cáo của ĐH Y Dược
Một khán giả làm ngành y từng chỉ ra rằng lỗi trên của bác sĩ Thuỷ sẽ gây ra lây nhiễm chéo. Tức là bác sĩ Thuỷ tiếp xúc với đủ mọi bệnh khác nhau, tự lây cho chính mình rồi sau đó lại lôi khẩu trang xuống cằm, lây cho người khác. Khá tai hại đấy!
3. Lỗi dàn dựng, điều phối phục trang: Hộ lý không được bóp bóng oxi, vị trí đứng bóp cũng sai
Một vị khán giả làm ngành y chỉ ra rằng vị trí đứng bóp bóng của người hộ lý trong phòng cấp cứu là sai. Quy trình là hộ lý không được bóp bóng mà phải là bác sĩ. Vị trí bóp bóng trợ thở không thể đứng ngay đầu bệnh nhân mà phải đứng kế bên. Người đứng ở sau đầu bệnh nhân sẽ có nhiệm vụ giữ miếng úp sát vào miệng người bệnh, để không khí không bị thoát ra ngoài.
Khán giả ngành y góp ý về lỗi trong quy trình cấp cứu
Vị hộ lý đứng bóp sai cách
Rõ ràng là nếu người hộ lý trong Lửa Ấm chỉ đứng bóp một mình, không khí sẽ thoát ra ngoài hết và thành quả là bệnh nhân vẫn bị thiếu khí thở. Tình trạng bệnh nhân sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không tồi tệ hơn. Đặc biệt là hình dạng quả bóng trợ thở trong Lửa Ấm cũng khá khó hiểu, không giống loại bóng thường dùng.
Bóng cắm vào miệng bệnh nhân
Trong khi thường dùng bóng úp
4. Lỗi kiến thức kịch bản tai hại: Phơi nhiễm HIV xong là "chết"?
Ngày 24/11, TS Lã Thị Lan, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), cho biết tập 36, 37 của bộ phim Lửa Ấm đang phát trên VTV1 đang tuyên truyền những lỗi "sai rất trầm trọng" về HIV/AIDS.
Cụ thể, tập thể bác sĩ bệnh viện tiếp nhận một ca dương tính với HIV/AIDS xong liền quay qua nói với hai chiến sĩ PCCC phụ trách đưa bệnh nhân nhập viện rằng họ bị phơi nhiễm với HIV và cần bị cách ly hai ngày.
TS Lã Thị Lan nhận xét: "Đó là cách tuyên truyền sai, bởi vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV/AIDS là bị phơi nhiễm. Việc tuyên truyền sai có thể khiến nhiều người không dám cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông nữa". Theo cảnh phim, sau khi chìa ra kết quả của bệnh nhân dương tính với HIV, các bác sĩ trao đổi với nhau và cho rằng nữ bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân đã bị phơi nhiễm HIV nên phải cách ly hai ngày để phòng chống lây nhiễm HIV ra ngoài cộng đồng.
TS Lã Thị Lan cũng nhận xét thêm về cảnh phim cô bác sĩ tưởng phơi nhiễm HIV xong là "chết đến nơi" nên vội vã nhắn tin cho con lần cuối. "Phơi nhiễm HIV không gây chết người và có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay, hay người nghiện nhiễm HIV sau khi được lấy máu, giật xilanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ, đều không bị nhiễm HIV.
Việc phim cho nhân vật có dấu hiệu bị phơi nhiễm đi cách ly là sai rất nghiêm trọng, có thể khiến người xem hiểu lầm và sợ bệnh HIV quá mức cần thiết.
Những thông tin về phơi nhiễm được tuyên truyền rất nhiều, là kiến thức căn bản về bệnh này. Vậy mà người làm phim lại để lọt lỗi sai như vậy trong một bộ phim chiếu giờ vàng khiến chúng tôi thấy rất lo", TS Lã Thị Lan nhấn mạnh.
Hai anh lính cứu hoả tự dưng bị cách ly lãng xẹt
Bà Lã Thị Lan, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội)
5. Quyết định thiếu logic của đội trưởng Minh khiến khán giả bất bình
Cái chết của anh lính cứu hoả tên Tiến (Tô Dũng) từ những tập 41 - 42 trở đi khiến khán giả vô cùng bất bình. Chủ yếu là vì quyết định đầy lỗ hổng logic của Minh (Trương Minh Quốc Thái) - đội trưởng đội cứu hoả. Anh cử Tiến vào một vụ tai nạn đã xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn (xe hơi bắt đầu bùng tia lửa điện) trong tình trạng không có đồ bảo hộ. Xung quanh cả một đội quân PCCC đầy đủ quần áo bảo hộ nhưng người Minh cử vào nguy hiểm là một anh lính mặc thường phục. Cho dù là Tiến đầy đủ nghiệp vụ nhất nhưng về căn bản anh không được trang bị an toàn. Đó là sai quy trình giải cứu. Điều làm khán giả "cấn" nhất sau cái chết của Tiến, đó là anh liều mình để giải cứu một hũ tro cốt. Kết quả chúng ta có được gì? Cộng thêm của Tiến nữa là... hai hũ tro cốt?
Anh muốn liều mình lao vào xe để lấy hũ tro cốt của con
Dàn lính tráng có mặt đầy đủ tại hiện trường đứng không làm gì
Khâu phân phối và kết nối kịch bản diễn ra ở chi tiết này khá vô lý. Đáng lẽ, Minh phải đưa ra một quyết định mang tính an toàn hơn. Đó là đo lường tình hình xung quanh, phát hiện nguy cơ và từ đó ứng biến. Quyết định đánh liều làm tổn thất mạng sống cấp dưới của Minh quá thiếu thuyết phục, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của người lính cứu hoả. Đặc biệt hơn là khiến cái chết của Tiến không còn đẹp nữa.
Hình ảnh những người hy sinh cả mạng sống để cứu người như bác sĩ, lính cứu hoả vốn là một bức tranh đẹp. Để tôn vinh những tấm gương ấy, cần tập trung và làm chỉn chu đến từng chi tiết công việc của hai khối ngành. Không cần quá phóng đại làm gì, vì chỉ cần hoàn thành một nhiệm vụ là người bác sĩ, lính cứu hoả đã có một chiến công rất đẹp đẽ rồi. Trường hợp của Lửa Ấm lại khác. Phim dạo này bị sa đà vào cuộc sống cá nhân của Minh và Thuỷ. Hai gương mặt đại diện cho những ngành nghề cao quý nhất xã hội, suốt ngày đương đầu với vấn đề tiểu tam, giật chồng, ngoại tình, mẹ chồng - nàng dâu v.v... Đồng ý là ai cũng phải có cuộc đời riêng, nhưng Lửa Ấm vẫn nên bám sát mục đích vốn rất đẹp của mình thay vì bị cuốn theo drama gia đình. Như thế thì phim mới có thể gặt hái được nhiều thành công hơn.
Lửa Ấm lên sóng vào 21h thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV1.
Nguồn ảnh: VTV