Trong số các hãng game có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản, Nihon Falcom có lẽ là cái tên ít được biết đến hơn cả tại thị trường quốc tế - dù cho những tựa game của hãng này đều sở hữu chất lượng rất cao. Một phần nguyên nhân đến từ việc một trong những sub-series game hay nhất của hãng là Kiseki (còn được biết đến ở thị trường quốc tế là Trails series) cũng đồng thời nổi tiếng bởi khối lượng “chữ nghĩa” khổng lồ - khiến cho việc chuyển ngữ những tựa game lớn của Falcom đều hết sức tốn công tốn sức. Mãi đến tận năm 2011, tức gần 7 năm sau khi Sora no Kiseki FC ra mắt tại Nhật, tựa game này mới được ra mắt tại thị trường quốc tế dưới cái tên Trails in the Sky FC.
Kể từ đó, lần lượt các tựa game tiếp theo của dòng game Kiseki tiếp tục được "xuất ngoại", và đều thu được những phản hồi hết sức tích cực của người chơi (đánh giá trung bình trên Steam của các tựa game thuộc Kiseki series luôn ở mức trên 90% với xếp hạng Overwhelmingly Positive). Và mới đây, phần thứ 3 của arc Erebonia là Sen no Kiseki 3 cũng đã chính thức cập bến PC tại thị trường bên ngoài Nhật Bản, dưới cái tên Trails of Cold Steel 3.
Trails of Cold Steel 3 diễn ra vào khoảng 1 năm rưỡi sau sự kiện nội chiến Erebonia của phần 2. Nhân vật chính Rean Schwarzer lúc này đã trở thành giảng viên của học viện quân sự Thors, và như một sự trùng hợp, cậu lại một lần nữa trở thành thành viên của lớp VII - nhưng lần này dưới tư cách giáo viên chủ nhiệm. Tham gia vào lớp học của Rean là ba người học trò mới: Juna Crawford - cô gái đến từ thành phố Crossbell (nơi diễn ra các sự kiện trong Trails from Zero và Trails to Azure), Kurt Vander - con trai của gia đình Vander, một gia đình chuyên chịu trách nhiệm bảo vệ cho các thành viên trong hoàng tộc tại Erebonia, và Altina Orion - một thành viên đến từ cục tình báo.
Cold Steel 3 một lần nữa đưa người chơi trở về với bối cảnh trường học của phần 1, nhưng lần này là dưới góc nhìn của một người thầy chứ không phải của một học sinh như lúc trước. Chính sự thay đổi này giúp ích rất nhiều trong việc khắc họa rõ nét sự trưởng thành của Rean so với hai phần trước, khi mà bên cạnh trách nhiệm của một Awakener với tương lai của Erebonia, cậu còn có thêm trách nhiệm của một người thầy đối với học trò của mình.
Mặt khác, bối cảnh trường học cũng khiến cho tổng thể kết cấu của Trails of Cold Steel 3 trở nên tương đối giống với phần 1, với hầu hết các chương diễn ra theo mạch "trường học - thực địa - đánh Boss". Tuy nhiên, rất may là Cold Steel 3 đã tránh được điểm yếu lớn nhất của phần 1 (vốn bị nhiều người chơi chê là có phần hơi lê thê ở nửa đầu) bằng cách phân bố thời lượng giữa các mạch truyện trong từng chương hết sức hợp lý, đan xen với việc cài cắm rất nhiều chi tiết quan trọng trong cốt truyện tổng, từ đó dẫn dắt cảm xúc người chơi đến với trường đoạn cao trào ở chương cuối cùng.
Là một dòng game RPG nặng về mặt cốt truyện, dòng game Kiseki nói chung, cũng như Trails of Cold Steel 3 nói riêng, mang tới cho người chơi trải nghiệm về một thế giới cực kỳ sống động tại lục địa Zemuria (bối cảnh chính của toàn bộ dòng game). Không chỉ có dàn nhân vật chính, mà ngay cả các nhân vật siêu phụ như những NPC bạn gặp trên đường cũng đều có những câu chuyện của riêng mình - và những câu chuyện của họ cũng sẽ phát triển theo những diễn biến chính diễn ra trong game. Chính điều này đã tạo nên một sức hấp dẫn hết sức đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng dòng game Kiseki mới có, khi mà chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả các nhân vật xuất hiện - dù lớn, dù nhỏ - đều là một phần quan trọng trong thế giới mà Falcom đã tạo ra. Trong thế giới ấy, mọi xung đột không chỉ đơn thuần diễn ra giữa cái thiện và cái ác, mà có rất nhiều lực lượng khác nhau đứng giật dây mọi thứ từ phía sau hậu trường, với những ý đồ, mục tiêu khác nhau.
Tất nhiên, việc sở hữu một cốt truyện hết sức khổng lồ được đầu tư vô cùng kỹ lưỡng (Cold Steel 3 là phần thứ 3 của arc Erebonia, và là phần thứ 8 trong cốt truyện tổng của cả dòng game) cũng khiến cho dòng game Kiseki và đặc biệt là Trails of Cold Steel 3 trở thành một nỗi "ác mộng" đối với các nhà phát hành khi muốn thực hiện công cuộc chuyển ngữ để mang chúng ra thị trường quốc tế. Phiên bản tiếng Nhật của Cold Steel 3, chỉ tính riêng phần cốt truyện, đã dài tới hơn 1,6 triệu từ, và nếu để đem ra so sánh thì bản tiếng Nhật của cuốn tiểu thuyết Rừng Na Uy của nhà văn Haruki Murakami cũng chỉ dài khoảng 120 nghìn từ mà thôi.
Chính vì lý do này mà việc NIS America trở thành nhà phát hành của Trails of Cold Steel 3 thay cho XSEED đã từng khiến rất nhiều fan của dòng game này cảm thấy nghi ngại - nhất là sau "thảm họa dịch thuật" ở một tựa game khác của Falcom là Ys VIII: Lacrimosa of Dana. Rất may, chất lượng dịch thuật của Trails of Cold Steel 3 ở mức tương đối tốt, nhờ sự đóng góp không nhỏ của một số thành viên thuộc nhóm dịch Cold Steel 1 và 2 cho dự án này.
Như đã nói ở trên, việc dòng game Kiseki sở hữu một cốt truyện lớn xuyên suốt nhiều phiên bản game là một điểm hết sức đặc sắc thu hút một lượng không nhỏ fan trung thành - nhưng đồng thời nó cũng lại là rào cản những người chơi mới muốn tiếp cận dòng game. Vì lý do này, ngoài menu chính của Trails of Cold Steel 3 còn có riêng một mục Pre-Story để tóm tắt diễn biến những gì xảy ra ở phần 1 và 2, cũng như giới thiệu thêm về các nhân vật cũ và những thuật ngữ được sử dụng ở trong game.
Theo như lời mà NISA và cả chủ tịch Falcom Toshihiro Kondo khẳng định, những người chơi mới hoàn toàn có thể bắt đầu tiếp cận với thế giới của dòng game Kiseki thông qua Cold Steel 3. Tuy nhiên, cá nhân người viết vẫn cảm thấy rằng, việc khởi đầu với Trails of Cold Steel 3 cũng giống như bạn xem một bộ phim bắt đầu từ season 2 vậy, vẫn có thể xem được, nhưng chắc chắn trải nghiệm sẽ không thể nào trọn vẹn được như những người đã theo dõi từ đầu.
Còn đối với những người đã theo dõi hành trình hơn 16 năm của dòng game Kiseki, Trails of Cold Steel 3 thực sự là một "bữa tiệc" với sự xuất hiện của rất nhiều các nhân vật quen thuộc - không chỉ từ hai phần Cold Steel trước, mà còn từ cả Trails in the Sky và Trails from Zero/Trails to Azure nữa. Những nhân vật "người cũ" này không đơn thuần xuất hiện trong game chỉ với vai trò Cameo để fan-service, mà họ thậm chí còn đóng những vai trò quan trọng để đẩy cốt truyện của Trails of Cold Steel 3 tiến về phía trước.
Trails of Cold Steel 3 không sở hữu đồ họa quá sức bắt mắt so với những tựa game cùng thể loại khác trên thị trường, nếu không muốn nói là nằm ở "chiếu dưới" so với các hãng game lớn khác của xứ sở mặt trời mọc. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh của Cold Steel 3 - so với những người tiền nhiệm của mình trong dòng game Kiseki - vẫn có những tiến bộ rõ rệt. Ngay từ khâu thiết kế nhân vật cũng đã có nhiều chi tiết được thay đổi nhằm thể hiện rõ sự trưởng thành sau khoảng thời gian một năm rưỡi giữa phần 2 và 3. Cùng với đó, các địa danh trong game cũng được đầu tư kỹ lưỡng về mặt thiết kế, từ đó làm nổi bật những điểm đặc trưng riêng so với các vùng đất khác.
Là một tựa game nặng về kể chuyện, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng gameplay của Trails of Cold Steel 3 không nhận được sự đầu tư xứng đáng. Về cơ bản, hệ thống chiến đấu theo lượt của cả dòng game vẫn được giữ nguyên, nhưng ở Cold Steel 3, Falcom đã giới thiệu thêm tới game thủ nhiều sự đổi mới. Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là việc thay đổi hệ thống Ring-Command vốn đã xuất hiện từ Trails in the Sky. Thay vì phải dùng hai nút lên xuống để lựa chọn lệnh thao tác cho nhân vật như trước, trong Cold Steel 3, mỗi lệnh sẽ được gán riêng cho một nút điều khiển, từ đó giúp đẩy tốc độ chiến đấu của game nhanh hơn nhiều so với các phần trước đó.
Cùng với đó, Falcom cũng giới thiệu tới người chơi tính năng chiến đấu mới mang tên Brave Order tại phiên bản này. Giờ đây, điểm BP không chỉ được dùng để kích hoạt các đòn tấn công "hội đồng" như trong phần trước nữa, mà người chơi còn có thể sử dụng chúng để kích hoạt các buff có lợi ở đầu mỗi lượt. Chẳng hạn như Brave Order "Raging Fire" của Rean khi kích hoạt sẽ giúp cả party tăng 20% sát thương đánh ra trong vòng 6 lượt tiếp theo. Việc tính toán và sử dụng hợp lý các Order sẽ giúp ích rất nhiều cho người chơi trong chiến đấu, đặc biệt ở những độ khó cao hơn như Hard hay Nightmare.
Ngoài 4 độ khó quen thuộc là Easy, Normal, Hard và Nightmare, Trails of Cold Steel 3 còn cung cấp cho người chơi thêm chế độ Very Easy, dành cho những người chỉ muốn tận hưởng cốt truyện mà không muốn phải động não khi chiến đấu. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, độ khó của Cold Steel 3 được đánh giá là dễ hơn nhiều so với những phần game trước đó. Tất nhiên, Falcom có thể giải thích đơn giản rằng các nhân vật của chúng ta ở phần 3 đã mạnh hơn trước đây rất nhiều, nhưng thực sự là hệ thống Brave Order ở phần này rất mạnh, thậm chí của một số nhân vật còn có thể coi là mạnh đến mức "phá game". Và trên thực tế, trong phần Cold Steel 4 hiện mới chỉ được ra mắt tại thị trường Nhật Bản, hệ thống Order đã bị nerf xuống rất nhiều để có thể cân bằng lại game.
Bên cạnh những thay đổi về mặt gameplay, phiên bản tiếng Anh của Cold Steel 3 còn được tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ khác vốn rất được người chơi hoan nghênh trong bản Port sang PC của Cold Steel 1 và 2. Trong số đó có thể kể đến chế độ Turbo giúp tăng tốc độ của game lên cao hơn - và người chơi có thể tùy ý bật/tắt chế độ này chỉ với một nút bấm - rất phù hợp nếu như bạn không muốn tốn quá nhiều thời gian chạy từ nơi này sang nơi khác. Cùng với chế độ Turbo là chế độ tự động chiến đấu, rất phù hợp để sử dụng ở độ khó Very Easy của game.
Giống như Cold Steel 1 và 2, phiên bản PC của Cold Steel 3 lại một lần nữa được port bởi bàn tay "thần thánh" của Durante - vốn là cái tên hết sức nổi tiếng trong làng mod game - và chất lượng bản PC port của Cold Steel 3 cũng xuất sắc hệt như hai người tiền nhiệm. Ngoài việc tối ưu mã nguồn game để có thể chạy mượt được ở cả những chiếc máy tính rất yếu, Durante cũng mang tới cho người chơi rất nhiều lựa chọn để có thể tùy chỉnh chất lượng đồ họa theo ý muốn của mình.
Âm nhạc có lẽ là một trong những điểm ấn tượng nhất trong các tựa game do Falcom sản xuất, và Trails of Cold Steel 3 cũng không phải là ngoại lệ. Các bản OST trong game đều rất hợp với không khí mà game muốn truyền tải đến với người chơi. Những bài nhạc đáng chú ý trong danh sách OST của game có thể kể đến như Start Line, Step Ahead, Einhell Small Fortress, hay Spiral of Erebos - mà nếu bạn tò mò có thể nghe thử trên YouTube hoặc Spotify.
Nhìn chung, tổng thời lượng của Cold Steel 3 rơi vào khoảng 80 - 120 tiếng, tùy thuộc vào việc bạn có bỏ thêm thời gian để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ phụ trong game hay không. Và với việc phần cuối của Erebonia Arc là Trails of Cold Steel 4: The End of Saga đã được ra mắt tại thị trường Nhật Bản cũng như sẽ có bản Tiếng Anh vào tháng 8 năm nay, hành trình của Rean Schwarzer cùng các học trò của mình không dừng lại ở cuối phần 3 mà vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Nếu bạn là fan của thể loại RPG, muốn tìm đến một dòng game với cốt truyện rộng lớn và hấp dẫn, thì đây là một dòng game rất đáng để thử qua. Còn nếu bạn giống như tôi, đã dõi theo hành trình trên lục địa Zemuria từ những phần đầu tiên, thì tôi có thể tự tin mà khẳng định rằng: Trails of Cold Steel 3 chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel III hiện có trên PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Độc giả có phản hồi có thể gửi về mail hoangletuanminh@gamek.vn
Điểm cộng:
- Cốt truyện hấp dẫn.
- Quy mô xây dựng thế giới và nhân vật thuộc hàng khủng nhất so với tất cả các game RPG khác trên thị trường.
- OST ấn tượng.
- Bản PC được port với chất lượng rất cao.
Điểm trừ:
- Đồ họa không thực sự bắt mắt so với các tựa game cùng thể loại khác trên thị trường.
- Buộc phải chơi đủ các phần game trước để có được trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Đánh giá: 8.5/10