Mới đây, Reuters đăng tải bài viết có tiêu đề: "Analysis: Stick or twist*? Azerbaijan looks to drive home Nagorno-Karabakh gains" (Phân tích: Canh bạc lớn? Azerbaijan tìm kiếm lợi ích trên thế thắng ở Nagorno-Karabakh) của các tác giả Robin Paxton và Gabrielle Tétrault-Farber.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là một dự đoán về diễn biến và kết quả của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh vẫn đang tiếp diễn, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Azebaijan đứng trước "canh bạc lớn"?
Thông điệp của Tổng thống Cộng hòa Artsakh tự xưng Arayik Harutyunyan vào ngày 30/10 chứa đựng một lời thú nhận đáng giật mình: Quân lính đối thủ chỉ cách đô thị lớn thứ hai ở Nagorno-Karabakh có 5 km.
Được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã chiếm thế thượng phong trong cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong vòng hơn 25 năm qua ở Nam Caucasus.
Chỉ trong hơn một tháng, họ đã chiếm lại phần lớn đất đai trong và xung quanh Nagorno-Karabakh mà họ đã để mất vào tay đối phương vào những năm 1990.
Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ bình luận: "Rõ ràng đây là cuộc chiến một chiều, của Azerbaijan. Vị thế của Armenia rất bấp bênh".
Hình minh họa (Nguồn: Sputnik Armenia/Cộng hòa Artsakh tự xưng).
Baku đang đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn, đó là tiếp tục đà tiến quân về thị trấn biểu tượng Shushi (Shushi) để chuẩn bị cho trận đánh quyết định, thủ phủ Stepanakert của khu vực hay tiếp tục nỗ lực cắt đứt các hành lang hậu cần của Armenia.
Với 4 lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ, các nhà phân tích đặt rất ít kỳ vọng vào các cuộc đàm phán trong tương lai nhưng vẫn cho rằng có thể tồn tại lựa chọn thứ ba.
Đó là Azerbaijan lựa chọn củng cố các lợi thế về quân sự và quay trở lại bàn đàm phán với vị thế mạnh mẽ hơn. Đây có thể là động thái thông minh nhất khi mùa đông đang đến.
Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng những chiến thắng liên tiếp của Quân đội Azerbaijan ở Karabakh làm phức tạp thêm các nỗ lực quốc tế nhằm làm trung gian một thỏa thuận hòa bình có tính chất lâu dài.
Cảnh quay từ máy bay không người lái (UAV) của phía Armenia với tuyên bố tiêu diệt sinh lực địch gần Shushi hôm 4/11.
"Dấu chấm hết" của CH Artsakh tự xưng đang đến gần?
Lực lượng Armenia đang kiểm soát Nagorno-Karabakh và 7 khu vực khác được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan xung quanh nó đang bị uy hiếp.
Thị trấn Shushi có tầm quan trọng về văn hóa và chiến lược cho cả hai phía do nó chỉ cách Stepanakert 15 km về phía nam.
Neil Melvin, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) ở London, bình luận: "Nếu Azerbaijan tái chiếm nó (Shushi), Stepanakert sẽ giống như một Sarajevo**".
Tuy nhiên, từ quan điểm quân sự, các nhà phân tích cho rằng một chiến thuật tốt hơn và gây ra ít thương vong hơn cho Azerbaijan sẽ là tiến công theo hướng tây bắc để cắt đứt tuyến đường tiếp tế quan trọng nối Armenia và Nagorno-Karabakh qua cái gọi là "hành lang Lachin".
Cựu đại tá quân đội Nga và là biên tập viên của một tạp chí quân sự, ông Viktor Murakhovsky cho biết: "Nếu (hành lang) Lachin bị chiếm, đó sẽ là một thành công chiến lược đối với Azerbaijan và một thảm họa đối với lực lượng phòng thủ Nagorno-Karabakh.
Đối với Armenia, họ sẽ không thể cung cấp thực phẩm, nhiên liệu cho người dân ở đó. Trong viễn cảnh này, sự sụp đổ của Nagorno-Karabakh sẽ là chỉ là vấn đề thời gian".
Bản đồ chiến sự Nagorno-Karabakh ngày 4/11 cho thấy vùng giao tranh bao phủ "hành lang Lachin", Shushi và Kharikand.
Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ?
Khi cuộc Chiến tranh Nagorno-Karabakh (từ 1988 đến 1994) kết thúc, khoảng 30.000 người đã thiệt mạng và người Armenia đã giành được quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh chiếm tới 13,6% lãnh thổ Azerbaijan.
Phần lớn vùng đất này đã được Quân đội Azerbaijan tái chiếm trong các cuộc giao tranh kể từ ngày 27/9, có thể lên tới 15% diện tích khu vực Cộng hòa Artsakh tự xưng kiểm soát trước đó.
Theo nhà phân tích Kofman, những vùng đất này phía Armenia sẽ "không có cách nào để lấy lại".
Cuộc xung đột bùng phát khi các cường quốc đã đóng vai trò trung gian cho hai phía trong quá khứ là Nga, Pháp và Mỹ bị phân tâm bởi đại dịch Covid-19, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và một loạt cuộc khủng hoảng khác trên thế giới.
Thay đổi lớn nhất lúc này nếu so với những năm 1990 là ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực từng là một phần lãnh thổ Liên bang Xô viết.
Alex Melikishvili, một nhà phân tích nghiên cứu chính tại IHS Markit Country Risk, cho biết: "Sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho Azerbaijan là điều khiến chiến sự lần này khác hẳn về chất so với tất cả các cuộc đụng độ trước đó".
Ông Melikishvili cũng nhấn mạnh rằng sự hiện diện của các tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ tại một sân bay quân sự ở Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan, "thể hiện một xác nhận hữu hình rằng cán cân địa chính trị ở Nam Caucasus đã thay đổi".
Không ảnh cho thấy tiêm kích F-16 và vận tải cơ Thổ Nhĩ Kỳ tại Sân bay quân sự Ganja, Azerbaijan (Nguồn: The Drive/Planet Labs).
Kết luận
Với nền kinh tế mạnh mẽ nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, Azerbaijan hiện đang sở hữu hỏa lực vượt trội so với đối thủ Armenia.
Chỉ trong tháng 9/2020, họ đã mua các trang thiết bị quân sự trị giá 77 triệu USD từ Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các loại máy bay không người lái (UAV), thứ đã mang lại cho họ ưu thế quân sự không thể phủ nhận trong xung đột.
Nhà phân tích người Nga Dmitry Oreshkin cho biết: "Tiền bạc chứ không phải con người đang gây chiến.
Người Armenia có những vũ khí cổ điển từ thời Liên Xô trong khi Azerbaijan đang mua xe tăng và máy bay không người lái hiện đại nhất."
Ở vị thế này, Azerbaijan có rất ít động lực để đàm phán ngừng bắn nếu họ không được đáp ứng điều khoản tiên quyết đó là các lực lượng vũ trang Armenia rút khỏi Nagorno-Karabakh.
Hiệp ước quân sự giữa Moscow và Yeveran cũng không phải là "cứu cánh" do nó chỉ mở rộng đến lãnh thổ Armenia không gồm khu vực xung đột hiện tại.
Một video tuyên truyền của phía Azerbaijan về chiến thắng ở Nagorno-Karabakh.
Vào tháng 10/2020, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã thừa nhận với Reuters rằng chỉ sự thay đổi trong lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể khiến Azerbaijan ngừng hành động quân sự.
Tuy nhiên, Azerbaijan vẫn có khả năng bị thiệt hại nặng khi đối thủ của họ tiến hành phản công dọc theo các đường tiếp tế qua các lãnh thổ mà họ mới giành được ở phía nam Nagorno-Karabakh, nơi địa hình tương đối bằng phẳng và không có dân cư.
Nếu tiếp tục tiến xa hơn về phía bắc, cuộc chiến sẽ diễn ra trên những ngọn núi nơi lực lượng Armenia có ưu thế nhất định và chắc chắn sẽ khó khăn hơn.
Nhà phân tích Kofman kết luận: "Cuối cùng thì sẽ có một cuộc dàn xếp, nhưng dàn xếp đó sẽ cần phải được thực hiện giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ (phía Armenia) phải chấp nhận không thể trở lại hiện trạng từng diễn ra trong 30 năm qua ".
* Stick or twist là thuật ngữ bắt nguồn từ trò chơi bài tây Blackjack. "Stick" miêu tả việc lựa chọn giữ lại các lá bài đang có, hoặc người chơi có thể mạo hiểm để thêm các lá bài mới bằng "twist" và có cơ hội thắng lớn hơn.
** Sarajevo: Thuật ngữ miêu tả Cuộc bao vây Sarajevo, thủ đô Bosnia và Herzegovina trong gần 4 năm (từ 4/1992 đến 2/1996).
Đây là cuộc bao vây dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại, gấp 3 lần so với Trận Stalingrad, hơn 1 năm so với Trận Leningrad và hơn 9 tháng so với Cuộc bao vây Deir Ezzor, Syria.
Một phóng sự về tang lễ của các binh sĩ Azerbaijan thiệt mạng trong xung đột Nagorno-Karabakh (Nguồn: Nakhijevan TV).