Rầm rộ nhượng quyền trong F&B, bà Nguyễn Phi Vân chỉ ra 4 lầm tưởng cơ bản, khi startup nào cũng muốn ‘đánh nhanh thắng nhanh’

T.D | 08-10-2020 - 13:46 PM

(Tổ Quốc) - Thực tế tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền xong, 1-2 năm sau cũng không quan tâm đối tác của mình làm ăn như thế nào, thậm chí chủ nhượng quyền chưa một lần đến tận nơi để xem. Nếu mô hình thất bại trong tương lai thì cũng không phải điều ngạc nhiên, chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết trong bối cảnh các thị trường Bắc Mỹ, Tây Âu gần như đã bão hòa thì từ năm 2009, ngày càng có nhiều thương hiệu nhượng quyền đổ bộ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, với đặc tính dân số trẻ, lại dễ đón nhận và chuộng những thương hiệu lớn, nhượng quyền đã trở thành một ngành hot, được nhiều người Việt quan tâm. Bà Vân dự đoán trong 3 năm tới, F&B vẫn là ngành chiếm số đông trong thị trường nhượng quyền tại Việt Nam. Đặc biệt, không chỉ thương hiệu lớn từ nước ngoài mà chính các doanh nghiệp Việt chuyên về F&B sẽ sử dụng hình thức nhượng quyền để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nhượng quyền là con đường khởi nghiệp nhanh nhất?

Chia sẻ tại chương trình “Sức bật sáng tạo & khởi nghiệp”, vị chuyên ra cho biết giới nhượng quyền thường truyền tai nhau tỷ lệ 80/20. Rõ hơn, nếu đi mua nhượng quyền thì có 80% thành công, 20% thất bại.

“Tuy nhiên, là một người đã làm trong ngành này ở nhiều góc độ khác nhau, vừa là người đi mua nhượng quyền, vừa đi bán nhượng quyền và triển khai cho các thương hiệu, con số này hoàn toàn không đúng. Con số Phi Vân đưa ra là 50/50”, bà Vân cho biết.

Mô hình chỉ là nền tảng khởi đầu, nếu chính nhà đầu tư hay chủ doanh nghiệp không có chiến lược phát triển chính mình, không có năng lực thì vẫn có nhiều khả năng thất bại.

Đồng thời, vị chuyên gia cho biết sau thời gian khủng hoảng vừa qua, có thể nhận thấy những mô hình trẻ hơn, có công nghệ và khả năng linh hoạt, có thể chuyển đổi vừa offline vừa online hay các mô hình thương mại điện tử, dịch vụ giao đến tận nhà,... sẽ là điểm sáng của ngành.

Những lầm tưởng nghiêm trọng khi nhượng quyền

Rầm rộ nhượng quyền trong F&B, bà Nguyễn Phi Vân chỉ ra 4 lầm tưởng cơ bản, khi startup nào cũng muốn ‘đánh nhanh thắng nhanh’ - Ảnh 1.

Các startup nhượng quyền chưa có sự quản trị sâu sát với đối tác như các ông lớn. Ảnh minh họa.

Dù đang trở thành xu hướng và phát triển rầm rộ, các bạn trẻ tại Việt Nam vẫn còn mắc những lầm tưởng rất cơ bản.

Thứ nhất, không hiểu hết về cách xây dựng nền tảng, “quá nhanh quá nguy hiểm”.

“Người làm startup mà lúc nào cũng muốn nhanh, kinh doanh nhanh, mang tiền về nhanh. Có khi họ bất chấp, không quan tâm việc phải hỗ trợ cho đối tác như thế nào", vị chuyên gia bày tỏ.

Thứ hai, vì không hiểu sâu sắc về nhượng quyền nên chưa có sự quản trị sâu sát với đối tác. Bà Phi Vân cho biết thực tế tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều thương hiệu nhượng quyền xong, 1-2 năm sau cũng không quan tâm đối tác của mình làm ăn như thế nào, nhân viên hay tình hình tài chính ra sao. Thậm chí, chủ nhượng quyền chưa một lần đến tận nơi để xem. Vì thế, nếu mô hình thất bại trong tương lai thì cũng không phải điều ngạc nhiên.

Thứ ba, các bạn trẻ đang nghĩ quá đơn giản về nhượng quyền, cho rằng đây là một cách để kiếm tiền nhanh.

“Nhượng quyền nếu được sử dụng đúng sẽ là một cách để xây dựng giá trị thương hiệu rất tốt. Bởi vì mình sử dụng nguồn tiền của xã hội để xây chuỗi, từ đó việc đánh giá giá trị thương hiệu sẽ tăng lên rất nhanh.

Các bạn phải hiểu rằng lợi ích cuối cùng nằm ở giá trị thương hiệu chứ không nằm ở việc thu được bao nhiêu tiền từ đối tác của mình. Chính sự hiểu sai này khiến các bạn không tập trung đúng vào việc xây dựng sự bền vững cho chuỗi.”

Một cách hiểu sai nghiêm trọng khác, “người đi bán nhượng quyền phải chịu trách nhiệm mọi thứ”, người đi mua nhượng quyền chỉ cần bỏ tiền ra. Thực tế, đây là sự cộng tác có trách nhiệm giữa hai bên.

Cụ thể, doanh nghiệp nhượng quyền phải tập trung vào xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình, nền tảng quản trị. Trong khi đó, người mua nhượng quyền phải tập trung vào quản trị vận hành, nhân sự hàng ngày và tìm cách phát triển kinh doanh cho chính chi nhánh của mình. Mỗi bên đều có mức độ trách nhiệm ngang nhau, nếu ai không làm đúng thì sẽ dẫn đến rủi ro, mâu thuẫn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM