"Nên đi bộ bao nhiêu bước mỗi ngày là tốt nhất?" Đây là câu hỏi mà mọi người đã đặt ra trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một thời gian dài, chúng ta thường xuyên nghe tới con số đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Tuy nhiên, theo JAMA Network Open công bố, 7.000 bước là con số tiêu chuẩn nhất dành cho người trưởng thành, đặc biệt là người ở độ tuổi trung niên.
Các chuyên gia đã bắt đầu theo dõi khoảng 2.110 người tham gia từ 38 đến 50 tuổi trong khoảng thời gian trung bình gần 11 năm. Qua đó, họ nhận thấy sự sụt giảm rõ rệt nhất về nguy cơ tử vong sớm (đến từ nhiều nguyên nhân cụ thể) xung quanh ngưỡng đi bộ 7.000 bước.
Nghiên cứu cũng cho rằng, đây là con số lý tưởng nhất. Nhưng nếu không đạt được, bạn chỉ cần duy trì đà cải thiện của mình qua mỗi giai đoạn cũng có thể tạo ra sự khác biệt về sức khỏe.
Các lợi ích thống kê khác của việc tăng thêm số bước chân mỗi ngày đem tới là không đáng kể. đối với mọi người Điều này có nghĩa, mặc dù việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày không gây hại gì, song cũng không giúp gia tăng hiệu quả sức khỏe, làm giảm thêm nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng: Đi bộ 7.000 bước mỗi ngày có thể giảm nguy cơ tử vong sớm, tác dụng không khác gì so với đi bộ 10.000 bước. Ảnh: Shutterstock
Giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard, I-Min Lee là một nhà nghiên cứu về hoạt động thể chất. Theo bà, “đi bộ 10.000 bước mỗi ngày” chỉ là một con số trở nên phổ biến nhờ quá trình marketing.
Mục tiêu này bắt đầu phổ biến tại Nhật vào thập niên 1960. Khi đó, một nhà sản xuất đồng hồ đã “nhắm” tới tâm lý quan tâm sức khỏe và thể thao của người dân. Họ sản xuất một sản phẩm đồng hồ đếm bước chân.
Đồng hồ này được đặt tên theo các kí tự tiếng Nhật liên tưởng tới hình ảnh một người đàn ông đang đi bộ, và đếm được con số 10.000. Kể từ đó, đi bộ 10.000 bước mỗi ngày trở thành “tiêu chuẩn vàng” in sâu vào tiềm thức của nhiều người và phổ biến cho tới hiện nay.
Thực tế, theo khoa học, con số này không đem lại tác dụng “thần thánh” như mọi người vẫn nghĩ. Trong một nghiên cứu năm 2019 của Giáo sư Lee, khoảng 7.500 bước chân mỗi ngày là số lượng tiêu chuẩn để làm giảm nguy cơ tử vong ở mỗi người.
Cụ thể, ở những phụ nữ trong độ tuổi 70, những người có thể đi bộ khoảng 4.400 bước mỗi ngày có thể giảm 40% nguy cơ chết sớm so với người chỉ đi 2.700 bước hoặc ít hơn. Nguy cơ tử vong cũng tiếp tục giảm thêm nữa ở những phụ nữ đi được hơn 5.000 - 7.500 bước mỗi ngày. Sau khi vượt ngưỡng này, nguy cơ tử vong không có dấu hiệu giảm thêm một cách rõ rệt.
Tiến sĩ Nicole Spartano, trợ lý giáo sư nghiên cứu tại Trường Y Đại học Boston cho biết: Nhiều người có quan niệm sai lầm về các hoạt động thể dục thể thao. Họ cho rằng vận động cường độ cao như chạy bộ, đạp xe… mới là tập luyện.
Thế nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện thể chất để tham gia các bài tập cường độ cao trong thời gian dài. Việc thiết lập một ngưỡng tiêu chuẩn trong đi bộ sẽ giúp nhóm người này có một mục tiêu phấn đấu rõ rệt hơn. Mọi người cũng có thể vận động nhẹ nhàng mà cải thiện được nền tảng sức khỏe.
Spartano nói: “Điều quan trọng nhất khi đặt mục tiêu là giúp mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện được. Cho dù không đạt được số bước lý tưởng, chỉ cần di chuyển nhiều hơn, hạn chế ngồi lâu một chỗ, họ cũng đã góp phần giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính. Làm ít vẫn tốt hơn là không làm gì.”
Theo ước tính gần đây, tại Mỹ, Canada và một vài quốc gia phương Tây khác, hầu hết người trưởng thành trung bình đi ít hơn 5.000 bước mỗi ngày. Rất hiếm người có thể đạt tới việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày.
Giáo sư Lee chia sẻ, công việc và sinh hoạt hàng ngày khiến mỗi người trung bình di chuyển khoảng 5.000 bước mỗi ngày, nếu tập luyện thêm từ 2.000 tới 3.000 bước nữa sẽ giúp chúng ta đạt được mốc 7.000 tới 8.000 bước một ngày, một con số lý tưởng.
Trợ lý giáo sư Amanda Paluch của Đại học Massachusetts Amherst, người cùng tham gia vào nghiên cứu, cũng khuyến khích mọi người chia nhỏ mục tiêu để hoàn thành.
“Nếu bạn đang ở mức 3.000, hãy cố gắng lên 4.000. Nếu bạn đang ở mức 4.000, hãy cố gắng lên 5.000,” Paluch nói. “Chỉ cần không ngừng cải thiện, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi tích cực trong sức khỏe của mình. Sau đó, có thể tìm ra thời lượng và con số vận động phù hợp nhất với bản thân.”
*Theo SCMP