Phần 1: Ác quỷ mèo trong văn hóa dân gian Nhật Bản
Trên thế giới, không có một dân tộc nào có niềm yêu thích với loài mèo nhiều như Nhật Bản. Chúng ta có thể thấy mèo xuất hiện ở mọi nơi trong đời sống tinh thần của người Nhật: Từ mèo máy Doraemon, mèo Hello Kitty đến các quán café mèo, mèo điện từ, mèo Thần Tài…
Tuy nhiên, ít ai biết được rằng mèo đã từng là một loài động vật biểu tượng cho những điều kinh dị trong văn hóa Nhật.
Sự xuất hiện của loài mèo tại Nhật Bản
Mèo đã xuất hiện trong rất nhiều tài liệu ghi chép và lịch sử của Nhật Bản song các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm loài mèo có mặt tại các đảo của Nhật Bản. Quan điểm nhận được nhiều sự ủng hộ là loài mèo đã đến Nhật Bản từ "con đường tơ lụa" từ Ai Cập đến Trung Quốc, Hàn Quốc và qua Nhật Bản bằng đường thủy.
Ban đầu, mèo rất quý hiếm và được trao đổi như các món hàng và quà tặng. Sau đó, mèo được nhân giống và tăng lên nhanh chóng về mặt số lượng, đến thế kỷ XII, mèo đã có mặt trên khắp các hòn đảo của Nhật.
Giống mèo đuôi ngắn mắt xanh của Nhật (Ảnh: Internet)
Bắt đầu các thuyết kinh dị về mèo
"Mèo già hóa cáo", "truyền thuyết cáo chín đuôi" – đó là quan niệm của nhiều quốc gia châu Á, xuất phát từ thực tế nhiều loài động vật sống cạnh con người trong một thời gian dài bắt đầu hiểu và học hỏi nhiều hành vi của con người. Người Nhật Bản cũng vậy.
Từ lâu, họ cho rằng khi mọi vật sống quá lâu thì sẽ dần có sức mạnh kỳ lạ. Điều này vô cùng phù hợp với loài mèo vì chúng có khả năng di chuyển không tiếng động, khả năng co giãn thân thể để chui qua các lỗ nhỏ (xương vai của mèo là xương dọc), mắt phát sáng vào ban đêm… Từ đó, các câu chuyện kinh dị về mèo bắt đầu xuất hiện.
Hai truyền thuyết nổi tiếng nhất là mèo yêu tinh Bakeneko và Nekomata.
Mèo yêu tinh Bakeneko đội khăn ăn nhảy múa bằng hai chân (Ảnh: Ancient Origins)
Bakeneko thường được dịch là mèo quái vật, mèo ma hay mèo yêu tinh. Truyền thuyết về Bakeneko nói rằng ban đầu chúng chính là yōkai (những sinh vật siêu nhiên) có hình dáng mèo, sau đó theo thời gian, khi già đi, chúng bắt đầu thay đổi, đi bằng hai chân, có kích thước như con người, thay đổi hình dáng và có thể nói giọng con người.
Thông thường, Bakeneko sẽ biến thành hình dạng chủ nhân của mình hoặc những người khác, đôi lúc chúng còn vui mừng tới mức đội khăn ăn lên đầu và nhảy múa.
Bakeneko còn có khả năng gọi lửa, chúng thường dùng đuôi của mình để phóng hỏa, điều khiển người chết hay nguyền rủa, thậm chí giết chết chủ cũ của mình.
Yêu tinh mèo (Ảnh: Ancient Origins)
Nếu như Bakeneko được cho là có thể hiền lành và độc ác, thì Nekomata chính là một thể yêu tinh thực thụ. Truyền thuyết về Nekomata cũng giống như Bakeneko, đều là những con mèo nhà đi bằng hai chân khi về già, nhưng điểm khác biệt là chúng có nhiều khả năng cao siêu hơn, chúng nói tiếng người rất thành thạo, có hai đuôi, thường xuyên gây ra các vụ hỗn loạn và hỏa hoạn.
Chúng thậm chí còn sống thành từng bầy nhỏ trên núi, bắt người làm nô lệ cho chúng, hay giết người nếu bị xâm phạm chỗ ở.
Những truyền thuyết về các yêu tinh mèo phát triển mạnh từ thời kỳ Edo (thế kỷ XVII) khi mà sự phát triển mạnh của kinh tế và các thành thị đã dẫn tới sự bùng nổ của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật như nhà hát kịch, geisha...
Thời điểm đó, mèo bắt đầu xuất hiện khắp mọi nơi trên phố, chúng thường đi lang thang và lục lọi ăn các thức ăn thừa từ các quán ăn.
Tranh vẽ cảnh một Nekomata đang hiện nguyên hình yêu tinh mèo và tấn công con người của họa sĩ Utagawa Kunisada (1847) (Ảnh: Internet)
Các nhà nghiên cứu cho rằng các truyền thuyết mèo yêu tinh xuất phát từ việc người dân Nhật Bản thời đó thường dùng dầu cá để thắp sáng, những con mèo hay liếm trộm dầu cá vào ban đêm, bóng của chúng đổ lên những bức tường trông to lớn và ghê rợn như những hình người.
Những câu chuyện này được đưa vào các tiết mục biểu diễn trong các sân khấu kịch. Truyền thuyết nổi tiếng nhất về yêu tinh mèo thời Edo là chuyện geisha Bakeneko.
(Còn nữa )