Thực đơn ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng đến sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Mỗi giai đoạn, trẻ cần được cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng, bao gồm: thức ăn, trái cây, rau, ngũ cốc... Việc nghiên cứu và lựa chọn đồ ăn cho bé trong thời điểm này cần đảm bảo giá trị dinh dưỡng đồng thời giúp con ăn ngon miệng hơn, cảm thấy hứng thú với các món ăn.
Vào giai đoạn giao mùa, trẻ cần được bổ sung nhiều nước, trái cây, rau củ. Và một trong những loại trái cây có rất nhiều công dụng mà không phải bố mẹ nào cũng biết chính là trái na. Quả na là nguồn cung cấp dồi dào các chất khoáng và vitamin cần thiết cho các chức năng của cơ thể. Trong 1 quả na có chứa các loại vitamin như A, C, B1, B2, B3… và rất giàu kali, mangan, magie, canxi, sắt, phốt pho, vị béo, protein… Do đó, cho bé dùng quả na thường xuyên sẽ rất tốt.
Trái na có lợi ích gì với trẻ nhỏ?
- Cung cấp năng lượng: Na có chứa nhiều chất đường nên cung cấp năng lượng tốt cho cơ thể trẻ. Quả na cũng rất phù hợp trở thành bữa phụ để bổ sung dưỡng chất cho con.
- Hỗ trợ tăng thị lực: Quả na có chứa vitamin C, A, B2 và riboflavin giúp ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do dẫn đến các bệnh về mắt, giúp trẻ có một đôi mắt sáng và khỏe mạnh hơn.
- Tăng sức đề kháng: Một số chất chống oxy hóa trong quả na như polyphenol, asimicin và bullatacin… có thể giúp bé phòng chống các bệnh ung thư, sốt rét và nhiễm giun. Vitamin C trong quả na còn giúp cơ thể trẻ tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.
Khi nào có thể cho bé ăn na?
Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, khoảng 6-7 tháng, mẹ đã có thể cho con tiếp xúc thử với na. Ban đầu mẹ nên tách hạt, xay hoặc nghiền nhuyễn để con làm quen trước. Giai đoạn này là lúc bé tập ăn, việc được thử các món mới sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của con được làm quen với các món đa dạng. Trái cây như na cũng là một lựa chọn rất tốt.
Một số lưu ý quan trọng khi cho bé ăn na
- Hạt của quả na có chứa độc. Để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên bỏ hạt ra khỏi quả na.
- Không nên cho bé ăn na quá sớm, tốt nhất là trên 6 tháng mới bắt đầu cho con thử.
- Nên để cho na chín rồi mới ăn, quả na chưa chín sẽ có vị chát, khó ăn khiến bé không thích và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con.
- Không nên ăn quá nhiều na trong một ngày, đặc biệt là bé thừa cân bởi na có chứa nhiều đường và năng lượng.
- Ăn quả na trực tiếp là hiệu quả nhất, chỉ cần bỏ vỏ và hạt, dằm nhỏ ra để trẻ sử dụng. Ngoài ra, mẹ cũng có thể làm sinh tố cùng sữa tươi cho con ăn dặm.
Một số món ăn cho trẻ với na
1. Sinh tố na
- Quả na mua về mẹ rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn rồi lột vỏ, tách hạt lấy múi cho vào bát. Sữa mẹ cũng cho vào bát đợi xay luôn mẹ nhé.
- Mẹ mở nắp máy xay, cho phần thịt na đã sơ chế vào, cho thêm 150ml sữa mẹ vào, đậy nắp rồi xay ở chế độ cao nhất. Xay khoảng 4 phút, thấy thịt na nhuyễn ra thì mẹ mở nắp, cho nốt 100ml sữa mẹ và thêm 20g sữa đặc cho dậy vị, dùng thìa khuấy đều hỗn hợp. Sau đó mẹ xay thêm 2-3 phút nữa ở chế độ thấp nhé.
- Thành quả thu được mẹ cho vào cốc hoặc bát để bé nếm thử.
2. Sinh tố na chuối kết hợp
- Na chín mua về mẹ rửa với nước sạch, để ráo. Sau đó mẹ lột vỏ na, tách hạt lấy thịt, cho vào bát chờ xay. Quả chuối mẹ cắt lấy khoảng 1/4, cắt nhỏ ra từng miếng cỡ ngón tay cái rồi bỏ vào bát cùng na luôn.
- Mẹ cho na và chuối vào máy xay, thêm 10ml nước và 1/4 muỗng cà phê muối, bật máy xay ở chế độ lớn nhất rồi xay trong khoảng 3-4 phút cho hỗn hợp mịn ra.
- Thấy na và chuối đã được xay mịn, mẹ mở nắp, cho thêm 30ml sữa tươi vào, xay ở chế độ nhỏ thêm 1-2 phút nữa để hỗn hợp đều và dậy vị hơn.
- Mẹ tắt máy, cho sinh tố vào ly hoặc bát để bé yêu thưởng thức.
3. Sinh tố na bơ kết hợp
- Na và bơ sau khi mua về mẹ rửa sạch, để ráo. Kế đến mẹ lột vỏ na, lấy thịt tách hạt cho vào bát. Bơ mẹ cũng gọt vỏ, bỏ hạt, thịt bơ mẹ cắt thành miếng nhỏ cỡ 20g rồi cho vào bát cùng phần thịt na.
- Mẹ cho na và bơ vào máy xay, cho thêm 10ml nước vào, bật máy xay ở chế độ mạnh nhất, xay đều trong 3-4 phút cho nhuyễn mịn rồi tắt máy.
- Mẹ cho tiếp 30ml sữa tươi và 1/4 muỗng cà phê muối vào, dùng thìa khuấy đều lên, sau đó bật máy xay nhẹ thêm 2-3 phút nữa cho hòa quyện.