Khi đại dịch mới bắt đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng kinh tế sẽ phục hồi hình chữ V trong một thời gian ngắn. Chỉ cần hai tháng nỗ lực hết mình và bỏ ra một khoản tiền đủ lớn, nền kinh tế sẽ lại phát triển tiếp nối phần bị khựng lại.
Thực tế thì bây giờ đã là tháng 7, và việc nền kinh tế phục hồi hình chữ V giờ đây có lẽ chỉ là một điều mơ tưởng. Đúng hơn là nền kinh tế hậu đại dịch đang ‘xanh xao vì thiếu máu’, không chỉ ở những quốc gia thất bại trong việc xử lý đại dịch (điển hình như Hoa Kỳ), mà ngay cả ở những quốc gia đã làm tròn bổn phận, thể hiện tốt trong việc xử lý đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo đến cuối năm 2021, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ nhỉnh hơn một chút so với cuối năm 2019, và nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu thì vẫn sẽ thấp hơn khoảng 4%.
Triển vọng của nền kinh tế hiện tại sẽ có thể được xem xét trên hai cấp độ.
Kinh tế học vĩ mô cho chúng ta biết rằng chi tiêu sẽ giảm, lý do bởi việc cân đối tài chính trong các hộ gia đình và các doanh nghiệp giảm sút, hàng loạt vụ phá sản sẽ phá hủy vốn tổ chức, vốn thông tin cùng với việc củng cố phòng ngừa sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ do hệ quả của đại dịch và những chính sách đối phó đại dịch không mang tính chắc chắn.
Đồng thời, kinh tế học vi mô giúp chúng ta nhận ra rằng virus giống như một loại "thuế" đối với những công việc liên quan đến sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Vì vậy, những mô hình sản xuất – tiêu thụ sẽ thay đổi nhanh chóng, từ đó mang lại sự chuyển đổi cơ cấu rộng hơn.
Qua những lý thuyết và lịch sử kinh tế, chúng ta đều biết rằng chỉ một mình thị trường sẽ khó phù hợp để quản lý cả quá trình chuyển đổi như vậy, đặc biệt nếu xem xét đến sự thay đổi đột ngột đã xảy ra. Việc chuyển đổi nhân viên hàng không trở thành kỹ thuật viên của Zoom sẽ không phải là một việc dễ dàng, và ngay cả khi nó khả thi, thì những lĩnh vực đang mở rộng hiện tại yêu cầu ít công sức và nhiều kỹ năng hơn các ngành truyền thống.
Chúng ta cũng biết rằng việc mở rộng cấu trúc có xu hướng tạo ra hiệu ứng Keynes, hay các nhà kinh tế còn gọi là hiệu ứng thu nhập và thay thế. Ngay cả khi kinh tế số mở rộng, kinh tế truyền thống sẽ thiệt hại.
Thêm vào đó, đại dịch nổ ra sẽ gây ra tác động thứ ba: bất bình đẳng gia tăng. Lý do đơn giản là thiết bị máy móc không bi ảnh hưởng bởi đại dịch, chúng sẽ có lợi thế hơn so với người lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sử dụng lao động phổ thông. Hơn nữa, những người có thu nhập thấp phải dành phần lớn thu nhập của họ cho hàng hóa cơ bản, ngược lại với những người đứng đầu chuỗi thu nhập, do vậy gia tăng bất bình đẳng sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Ngoài những vấn đề kể trên, còn hai vấn đề khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn. Thứ nhất, mặc dù chính sách tiền tệ có thể giúp một vài công ty giải quyết khả năng thanh khoản tạm thời – như trong cuộc Đại suy thoái năm 2008-09 – thì hiện tại những chính sách này không thể khắc phục những vấn đề về khả năng thanh khoản, cũng như không thể kích thích nền kinh tế khi lãi suất gần như bằng không.
Hơn nữa, ở một số quốc gia như Hòa Kỳ và một số quốc gia khác, sự phản đối của đảng Cộng hòa đối với các khoản thâm hụt và mức nợ gia tăng sẽ cản trở những biện pháp kích thích tài khóa cần thiết. Rõ ràng là họ đã rất vui mừng khi các tỷ phú và các tập đoàn được cắt giảm thuế vào năm 2017, bảo lãnh cho Phố Wall vào năm 2008, và những ‘gã khổng lồ’ được trợ giúp trong năm nay. Tuy nhiên, việc gia tăng bảo hiểm thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe và trợ cấp cho những người dễ bị tổn thương từ nền kinh tế nhất lại là một vấn đề khác.
Những ưu tiên ngắn hạn đã được hoạch định cụ thể ngay từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất là vấn đề sức khỏe cần phải được giải quyết ngay lập tức (chẳng hạn như việc đảm bảo cung cấp đầy đủ thiết bị bảo vệ cá nhân và sức chứa của bệnh viện), bởi không một nền kinh tế nào có thể hồi phục khi virus vẫn còn diễn ra. Đồng thời, việc đưa ra những chính sách để bảo vệ những người cần thiết nhất, cung cấp thanh khoản để ngăn chặn những vụ phá sản không cần thiết và duy trì cầu nối giữa người lao động và công ty là điều quan trọng để đảm bảo việc khôi phục lại nền kinh tế khi thời điểm thích hợp.
Nhưng ngay cả khi đã đề ra những vấn đề thiết yếu này trong chương trình nghị sự thì chúng ta vẫn gặp phải khó khăn khi đưa ra quyết định.
Chúng ta không thể bảo lãnh cho những doanh nghiệp – điển hình như các đại lý bán lẻ - những trường hợp mà đã yếu thế trước cả khi khủng hoảng diễn ra; làm như vậy chỉ đơn thuần là tạo ra những "zombies" (những doanh nghiệp vật vờ, lay lắt) mà thôi, và sẽ chỉ hạn chế sự năng động và tăng trưởng.
Chúng ta cũng không thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp mắc nợ quá lớn để họ có khả năng vượt qua bất kỳ cú sốc nào. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ để hỗ trợ thị trường trái phiếu rủi ro cao với những kênh mua tài sản chắc chắn gần như là một sai lầm. Thật vậy, đây là một ví dụ điển hình khi rủi ro về mặt đạo đức thực sự là một mối quan tâm đáng lo ngại; Chính phủ không nên bảo vệ những doanh nghiệp khỏi những vướng mắc mà chính họ tạo ra.
Có vẻ như COVID-19 sẽ còn diễn biến lâu dài, chúng ta nên dành thời gian để đảm bảo rằng chi tiêu đến đúng các ưu tiên được đặt ra. Khi đại dịch xảy ra, xã hội Mỹ đã bị đe dọa bởi sự bất bình đẳng về chủng tộc và kinh tế, tiêu chuẩn về sức khỏe giảm sút, và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bị tàn phá.
Giờ đây, chi tiêu của chính phủ đang được nới lỏng trên diện rộng, công chúng có quyền yêu cầu những doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ có trách nhiệm phải đóng góp cho công bằng xã hội và chủng tộc, cải thiện sức khỏe và chuyển sang nền kinh tế xanh, dựa vào nên kinh tế tri thức. Những giá trị này được phản ánh không chỉ trong cách phân bổ tiền công, mà còn trong những điều kiện được đặt ra cho người nhận.