Mảng bán lẻ và bán sỉ của PNJ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh Covid-19. Kết quả kinh doanh Quý 1/2020 của đơn vị này ghi nhận tăng trưởng 5% doanh thu và -4% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ.
Tính riêng tháng 3, doanh thu bán lẻ giảm 10% do cách ly xã hội và đóng cửa hàng tạm thời. Doanh thu vàng miếng tăng tới 75% trong tháng 3, tuy nhiên mảng này có biên lợi nhuận rất mỏng, do đó lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giảm tới 34% trong tháng.
Chấp hành chỉ thị của Chính phủ về việc đóng các cửa hàng kinh doanh hàng hoá và dịch vụ không thiết yếu, PNJ đóng cửa 85% số cửa hàng từ tuần cuối cùng của tháng 3, trong đó tất cả các cửa hàng tại TPHCM và Hà Nội (đóng góp 55% tổng doanh thu) đóng cửa toàn bộ.
Điều này ảnh hưởng rất lớn lên lợi nhuận, khi 90% lợi nhuận gộp của công ty đến từ mảng bán lẻ trang sức, phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết.
Trong Quý 1/2020, biên lợi nhuận gộp giảm 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ và biên lợi nhuận ròng giảm 80 điểm cơ bản. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh kém khả quan trong tháng 3 khi doanh thu mảng bán lẻ, vốn đóng góp chủ đạo vào lợi nhuận, sụt giảm mạnh.
Mặt khác, dù doanh thu vàng miếng tăng mạnh, mặt hàng này có biên lãi rất mỏng.
VDSC cho biết, PNJ đã đưa ra 5 giải pháp ứng phó trong đại dịch, gồm:
- Cắt giảm chi phí: Lương ban lãnh đạo cắt giảm 50%, cấp quản lý và nhân viên nghỉ không lương 2 ngày/tuần.
Bên cạnh đó, thương lượng lại giá thuê. Trong chia sẻ mới nhất, PNJ cho biết hiện đã có 40% chủ nhà đồng ý giảm tiền thuê nhà từ 15% - 100%.
"Do lợi nhuận từ bán lẻ trang sức bị ảnh hưởng mạnh, cắt giảm chi phí là cứu cánh duy nhất cho lợi nhuận của PNJ", VDSC nhận định.
- Cơ cấu lại hàng tồn kho: Chuyển sang một cơ cấu hàng tồn kho tập trung vào vàng miếng và trang sức có hàm lượng vàng cao. Nhờ vào đặc tính thanh khoản cao, vàng miếng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo dòng tiền hoạt động. Do vàng miếng có thể được bán cả qua kênh B2C và B2B, việc đóng cửa hàng không quá đáng lo ngại. Lượng tiền mặt của PNJ đã tăng 4 lần kể từ cuối 2019, lên khoảng 400 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất của công ty đang tạm dừng nhận đơn hàng mới.
- Cơ cấu lại kỳ hạn vay và lãi vay ngân hàng: PNJ hiện phụ thuộc chủ yếu vào vay ngắn hạn để tài trợ vốn lưu động, với các khoản vay lãi suất từ 6% đến 7%.
- Đẩy mạnh kênh online: Trong Quý 1/2020, doanh thu online tăng 137% so với cùng kỳ năm. Tính riêng tháng 3, doanh thu online tăng tới 164% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, doanh thu online chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu nên không thể bù đắp đáng kể vào doanh thu bị mất tại cửa hàng.
- Tập trung cho R&D: Đây là thời điểm để công ty gia tăng năng lực sản xuất và phát triển nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để tung ra khi dịch bệnh kết thúc.
PNJ đang chuẩn bị triển khai 2 dòng hàng mới: Trang sức vàng Ý và platinum, đây là 2 dòng hàng đang được nhập khẩu từ nước ngoài.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, trước đây PNJ đặt kế hoạch tăng trưởng 12% doanh thu và 13% lợi nhuận sau thuế, với 31 cửa hàng mở mới trong năm 2020. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay, kế hoạch kinh doanh trên là khó khả thi. Công ty đang cân nhắc lại kế hoạch mới cũng như kế hoạch ESOP và sẽ công bố trong đại hội đồng cổ đông tới đây. Công ty cho biết sẽ cố gắng duy trì cổ tức tiền mặt tỷ lệ 18%, VDSC cho biết.
VDSC nhận định: Dịch bệnh đang gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của PNJ khi mảng bán lẻ trang sức chịu ảnh hưởng nặng nề từ giãn cách xã hội và đóng cửa hàng. Ngay cả khi dịch bệnh qua đi, thu nhập khả dụng của người tiêu dùng bị ảnh hưởng cũng tác động xấu đến chi tiêu trang sức và thị trường này sẽ cần thời gian để có thể phục hồi.
"Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực trong dài hạn đối với PNJ: vị thế đầu ngành tuyệt đối trong ngành trang sức và tiềm năng từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng là rất dồi dào", VDSC nêu quan điểm.