Họ có thể mang dáng hình khác với những gì Hollywood vẫn mô tả nhiều chục năm nay, họ có thể không du hành tới Trái Đất trên những đĩa bay khổng lồ, nhưng ít nhất, theo tính toán mới của các nhà khoa học, họ có tồn tại. Các chuyên gia ước tính trong thiên hà ta đang sống, phải hơn 30 nền văn minh có khả năng liên lạc với nhau.
Nhóm nghiên cứu nói rằng kết quả của phép tính mới không chỉ nêu lên tỷ lệ sự sống ngoài Trái Đất tồn tại, mà còn cho ta thấy chính tương lai nhân loại cũng như vị thế của con người trong Vũ trụ rộng lớn.
“Tôi nghĩ kết quả nghiên cứu mới mới cực kỳ quan trọng và thú vị vô cùng, bởi lẽ đây là lần đầu tiên ta có con số ước tính số lượng những nền văn minh có trí tuệ, có khả năng liên lạc và đang tồn tại, ta có thể kết nối với họ và rồi khẳng định rằng có sự sống ngoài kia - trả lời cho thắc mắc chưa có lời giải đáp suốt nhiều ngàn năm”, Christopher Conselice, giáo sư vật lý thiên văn công tác tại Đại học Nottingham và đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Năm 1961, nhà thiên văn học Frank Drake luận ra phương trình toán học, về sau được đặt theo tên ông là “phương trình Drake”, chỉ ra 7 yếu tố cho phép ta ước tính được lượng nền văn minh ngoài hành tinh. Tuy nhiên, không phải đại lượng nào trong số đó cũng ra kết quả.
Vế trái, đó là con số biểu hiện số lượng trung bình xuất hiện sự kiện gây ra nguồn gốc sự sống trên một hành tinh, trong một khoảng thời gian (t).
Sự kiện có thể chỉ đơn giản là một tế bào sống được hình thành, hay những chuỗi sự kiện riêng biệt trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, và kết quả của nó sẽ là một hình thể sự sống.
Vế phải, với thứ tự từ trái sang phải, gồm những yếu tố:
- Số lượng "nền móng xây dựng sự sống" (như nguyên tử, phân tử) để có thể có được sự sống trên một hành tinh.
- Số nghịch đảo của số "nền móng" trung bình kia để có thể tạo nên sự sống (như là vi khuẩn).
- Số lượng "nền móng" kia có thể sử dụng để xây được thành một cá thể sống (những nguyên tử, phân tử tự do, không bị bó buộc hay giam giữ bằng cách này hay cách khác).
- Khả năng xuất hiện của một sự kiện với mỗi một số lượng "nền móng xây dựng" cần thiết trong một đơn vị thời gian.
- Độ dài thời gian.
“Phương trình Drake ước tính có khoảng từ không cho tới vài tỷ nền văn minh - nó như công cụ để ta suy nghĩ về vấn đề [tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái Đất] hơn là cho ra một kết quả nhất định”, giáo sư Conselice cho hay.
Trong nghiên cứu mới, anh Conselice và cộng sự viết báo cáo chỉ rõ cách thức cải tiến phương trình Drake, đưa vào đó dữ liệu và các ước lượng mới để cho ra con số ước tính.
“Về cơ bản, chúng tôi đưa giả định rằng sự sống sẽ hình thành trên các hành tinh giống Trái Đất khác cũng như cách chúng đã xuất hiện nơi đây, vậy nên trong vài tỷ năm, sự sống sẽ tự động hình thành như một phần của hoạt động tiến hóa”, giáo sư Conselice nhận định.
Ước tính này có tên Nguyên tắc Sinh vật học Vũ trụ tuân theo học thuyết của Copernicus; khi các điều kiện cần hiện diện đầy đủ, nguyên tắc này cũng hợp lý chẳng khác gì các phản ứng hóa học. “Nếu nhìn nhận sự sống ngoài hành tinh bằng con mắt khoa học, chứ không phải sự hình thành ngẫu nhiên hay cần những cách thức đặc biệt mới có được, ta sẽ có được lượng nền văn minh nhiều như vậy đó”, vị đồng tác giả nghiên cứu nói.
Anh thêm rằng dù đây mới chỉ là giả thuyết mang tính suy đoán, anh tin sự sống ngoài hành tinh cũng ít nhiều mang dáng dấp con người, nên ta sẽ chẳng quá ngạc nhiên khi lần đầu tiên chứng kiến họ.
Trong Dải Ngân hà, có rất nhiều hành tinh giống Trái Đất mang tiềm năng hỗ trợ được sự sống.
Dựa trên những ước tính khắt khe và chọn lọc nhất, dựa trên việc sự sống hình thành trên Trái Đất vào khoảng giữa 4,5 và 5,5 tỷ năm sau khi ngôi sao trung tâm hình thành, thì có khoảng từ 4 cho tới 211 nền văn minh trong Dải Ngân hà có khả năng liên lạc với nhau; các nhà khoa học cho rằng con số khả thi nhất là 36, hiện “quanh ta” đang có 36 nền văn minh như thế.
Đội ngũ nói thêm rằng nền văn minh của chúng ta phải sống sót ít nhất 6.120 năm nữa để thiết lập được đường liên lạc hai chiều. “Họ sẽ ở xa chúng ta lắm - tính toán của chúng tôi chỉ ra nơi gần nhất cũng cách Trái Đất 17.000 năm ánh sáng. Nếu ta phát hiện ra nơi gần hơn, thì đó sẽ là dấu hiệu tốt cho thấy vòng đời của một nền văn minh có khả năng liên lạc phải hơn một cho tới vài trăm năm, và một nền văn minh có trí tuệ sẽ kéo dài được vài ngàn hay vài triệu năm. Ta càng phát hiện ra nhiều nền văn minh gần Trái Đất, khả năng ta duy trì được lâu dài càng cao”.
Giáo sư Oliver Shorttle, một chuyên gia về hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời tới từ Đại học Cambridge, nói rằng phương trình mới kia vẫn còn nhiều những yếu tố chưa được khẳng định, ví dụ như cách thức sự sống trên Trái Đất hình thành hay số lượng hành tinh tương tự Trái Đất có thể hỗ trợ sự sống.
Giáo sư Patricia Sanchez-Baracaldo, chuyên gia về cách thức Trái Đất hỗ trợ sự sống, hiện đang công tác tại Đại học Bristol, lại vui vẻ đón nhận kết quả nghiên cứu mới. Tuy nhiên vẫn nhấn mạnh vào việc còn nhiều những yếu tố khác hỗ trợ cho sự hình thành của dạng sống phức tạp mà chưa hiện hữu trong phương trình, ví dụ như quang hợp.
Giáo sư Andrew Coates, công tác tại Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard trực thuộc Đại học London, cho rằng ước tính “36 nền văn minh” kia của giáo sư Conselice và cộng sự là hợp lý, tuy nhiên hành trình đi tìm sự sống ngoài Trái Đất trong tương lai gần sẽ diễn ra “quanh nhà” ta thôi.
“Ước tính mới cho ra kết quả rất thú vị, nhưng ta không thể thử độ chính xác của nó với các công nghệ hiện hành. Trong lúc đó, các nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi liệu ta có cô đơn trong Vũ trụ sẽ bao gồm việc nghiên cứu những thiên thể ngay trong Hệ Mặt Trời, ví dụ như sứ mệnh nghiên cứu bề mặt Sao Hỏa năm 2022, các sứ mệnh tương lai lên Europa, Enceladus hay Titan [các mặt trăng quay quanh Sao Mộc và Sao Thổ]. Đây quả là thời điểm đáng chú ý của hành trình đi tìm sự sống ngoài Trái Đất”.
Tham khảo Guardian