1. Phương pháp "8 phía đều là kẻ địch"
Tô Thức, một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống có một phương pháp đọc sách mang tên "8 phía đều là địch". Vì sao lại có tên gọi như này?
Không biết bạn có từng có kinh nghiệm đánh nhau ngoài đường hay chưa, hoặc là nếu ngày còn đi học, có người hẹn bạn nói bạn tan học thì đừng có về luôn rồi đứng ngoài cổng trường đợi bạn. Khi bạn đeo cặp sách đi ra ngoài cổng trưởng, 3,4, 7,8 thiếu niên không đứng đắn, mặt hằm hằm bao vây bạn, lúc này bạn phải làm sao? Bạn chạy cũng không thoát, bạn đánh lại cũng không đánh được hết, vậy thì lựa chọn đúng đắn nhất lúc này là gì? Đó là cứ tóm bừa lấy một người trong số đó mà đánh, bất kể những người còn lại có đánh bạn bao nhiêu, bạn cứ đánh cậu ta, đánh cho tới khi cậu ta đứng ra đánh mấy đứa còn lại hộ bạn. Vì sao? Vì lúc ấy cậu nhóc ấy sẽ rất tức giận, "vì sao người khác đánh cậu, còn cậu lại chỉ đánh tôi", làm vậy sẽ giúp bạn bớt bị ăn đòn, mặc dù chưa chắc phương pháp này đã là lựa chọn tuyệt đối.
Phương pháp đọc sách của Tô Thức cũng như vậy, vì sao gọi là "8 phía đều là kẻ địch", ý muốn nói là "dù có bao nhiêu con đường, tôi cũng sẽ chỉ đi một con thôi", bất kể có bao nhiêu sách trên đời, tôi cũng chỉ đọc một quyển. Tô Thức nói, "thư phú như nhập hải, bách hóa giai hữu", ý muốn nói trên đời có quá nhiều sách, cũng giống như báu vật dưới biển vậy, bạt ngàn vô biên. "Nhân chi tinh lực, bất năng kiêm thu tận thủ", sức lực của con người là có hạn, không thể đọc hết mọi quyển sách trên đời, vậy thì phải làm sao? "đản đắc kì sở dục cầu giả dã", trước tiên hãy đặt ra cho mình một mục tiêu, rồi đọc theo mục tiêu ấy.
Tiếng Anh có một câu ngạn ngữ, nói rằng nếu bạn không biết mình phải cập bến nào, vậy thì mọi hướng gió đều là gió nghịch với bạn, thực ra cũng là đạo lý này.
2. Đọc sách và hiện thực hóa
Đọc sách là bước đầu tiên giúp chúng ta tiếp cận với ước mơ, nhưng giữa đọc sách và ước mơ, vẫn còn cách nhau một khoảng cách. Mã Bách Dung (một tiểu thuyết gia, chuyên mục và blogger người Trung Quốc. Vào năm 2010, anh đã giành giải thưởng Văn học Nhân dân, một trong những danh hiệu uy tín nhất của Trung Quốc. Truyện ngắn "Thành phố im lặng" của anh được dịch sang tiếng Anh bởi nhà văn khoa học viễn tưởng Ken Liu) từng chia sẻ rằng có một câu chuyện để lại ấn tượng rất sâu sắc trong anh, nó cho thấy được ích lợi của việc đọc sách với bản thân anh, và với cả công việc thực tế.
"Năm 2014, tôi thực hiện một chuyến du lịch tự lái từ Thành Đô, Tứ Xuyên đến Tây An, Thiểm Tây, dọc theo tuyến đường Bắc phạt nổi tiếng của Gia Cát Lượng.
Vì sao tôi lại lựa chọn cung đường này, bởi lẽ tôi muốn xác nhận một vài tài liệu liên quan tới Tam Quốc mà tôi đã từng đọc, tôi muốn xem xem Gia Cát Lượng đã đi qua những đồi những núi những con sông nào. Tôi hi vọng có thể đem những thứ mình từng đọc chuyển hóa sang hiện tại, chuyển hóa sang những thứ thực tế, những thứ mà chúng ta trông thấy được. Đi được một vòng lớn, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là ở Hán Trung.
Từ phần mộ của Gia Cát Lượng nhìn ra một vòng, ngẩng lên là thấy núi Định Quân, trèo lên nửa con núi rồi nhìn xuống, tôi bỗng nhiên ngộ ra được điều mà mình từng băn khoăn khi đọc Tam Quốc.
Lúc trước khi đọc "Tam Quốc Chí", trong đó có một đoạn kể như này, trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có một tình tiết, Gia Cát Lượng bệnh mất ở Ngũ Trượng Nguyên, trước lúc lâm chung ông nói hãy chôn mình ở núi Định Quân, không giải thích là vì sao. Núi Định Quân là nơi Hoàng Trung trảm Hạ Hầu Uyên, nó liên quan gì tới Gia Cát Lượng?
Cho tới khi tôi đứng trên núi Định Quân rồi nhìn xuống, tôi bỗng nhiên đã ngộ ra được nhiều điều. Đứng trên núi Định Quân nhìn xuống, địa thế của cả vùng Miễn huyện là vô cùng bằng phẳng. Đứng ở đây, bạn có thể bao quát được nơi mà khi xưa Gia Cát Lượng luyện binh, tích trữ lương thảo, chế tạo binh khí và cả nơi làm việc của ông, nơi mà Gia Cát Lượng chuẩn bị công tác cho chuyến Bắc phạt vô cùng tâm huyết của mình. Cho tới khi mất, ông vẫn luôn đau đáu về công cuộc Bắc phạt này, ông hi vọng người kế nhiệm mình có thể tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả này. Vì vậy, muốn chôn ở núi Định Quân, là bởi ông không yên tâm, là bởi ở đây, ông vẫn có thể nhìn thấy tâm huyết của mình suốt hai mươi mấy năm…
Vốn dĩ tôi rất thích Gia Cát Lượng, bởi lẽ ông vô cùng mưu lược, vô cùng thông minh, nhưng khi đứng ở núi Định Quân, lý do mà tôi thích Gia Cát Lượng đã thay đổi, cái sự đau đáu, nhiệt huyết, kiên trì tới cùng của ông là thứ mà không phải cuốn sách nào cũng có thể lột tả được, chỉ khi bạn tới đó, chỉ khi đứng ở núi Định Quân, bạn mới có thể lĩnh ngộ được điều này.
Cá nhân tôi cho rằng đây chính là khoảng cách giữa đọc sách và ước mơ, bạn phải đi trải nghiệm, bạn phải bắt tay vào làm, bạn phải đi cảm nhận những câu chữ ở trong sách một cách thực tế, khi ấy bạn mới chạm tới được mục đích của mình."
Đây cũng chính là sự thú vị của việc đọc sách, sau khi đọc sách, chúng ta có thể đi kiểm chứng nó trong thực tế, đi quan sát, đi trải nghiệm, sau khi trải nghiệm xong, thứ mà chúng ta thu lại được là sự vỡ lẽ, sự lĩnh ngộ và những trải nghiệm sâu sắc hơn. Thực ra, thứ khó nhất vẫn luôn là quá trình từ đọc tới thực tế.
Cũng giống như khi bạn tra tư liệu xong, nhiều khi bạn cũng có thể dùng những thứ mà bạn đã đọc được áp dụng vào công việc, vào việc viết lách hay vào cả ngôn ngữ của mình.
Câu chuyện về Tào Tháo và Viên Thiệu có lẽ đã quá quen thuộc với các fan của bộ truyện "Tam Quốc diễn nghĩa", ở trong đó có một đoạn giữa khi mà Lưu Bị tạo phản ở Từ Châu, hoặc có thể nói là khởi binh, Tào Tháo đem quân đi Từ Châu đánh, lúc này sào huyệt của Tào Tháo có thể nói là trống rỗng, cùng lúc đó, có người khuyên Viên Thiệu tranh thủ lúc này đem quân đi đánh Hứa Xương, một lần chiếm trọn Hứa đô, cả thiên hạ rồi sẽ là của họ Viên. Nhưng Viên Thiệu khi ấy lại nói con nhỏ đang bị bệnh nên không đi.
Mọi người đều biết là sau đó Tào Tháo đã đánh bại Viên Thiệu. Cá nhân tôi sau khi đọc xong đoạn này, suy nghĩ đầu tiên là "sao Viên Thiệu ngốc nghếch vậy, sao có thể vì một chuyện cỏn con như vậy mà làm lỡ chuyện lớn". Sau này khi có con rồi, có lần con tôi khi ấy 3 tuổi bị bệnh nặng, phải tiêm. Con không tiêm được ở tay, chỉ có thể tiêm chỗ da đầu, trông vô cùng đáng thương. Khi đó ôm con trong bệnh viện, cả người tôi nóng như lửa đốt, không muốn làm gì, cũng không muốn nghĩ tới chuyện gì hay nói chuyện với ai, chỉ nghĩ tới con, giờ chỉ cần con khỏi, con khỏe mạnh thôi.
Bỗng nhiên tôi ngộ ra, không phải là Viên Thiệu làm sai hay ngốc nghếch, Viên Thiệu có cái lý của Viên Thiệu, khi đó, trách nhiệm của một người làm cha lớn lao hơn trách nhiệm của một người làm chính trị, vì vậy, ông thà là bỏ lỡ mất cơ hội đánh bại Tào Tháo, cũng muốn ở bên cạnh con.
Vì trải nghiệm không giống, nên sau khi tiết tấu làm việc của bạn có sự thay đổi, đọc sách hay cảm ngộ cũng sẽ có sự thay đổi theo. Góc độc bạn nghiền ngẫm từng câu chữ trong sách cũng sẽ không còn giống như trước kia.
Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét tới việc đọc sách trên các ứng dụng trên điện thoại di động. Chẳng hạn như đợt tôi đi công tác tỉnh, tôi có cầm theo một cuốn sách khá dày, nhưng kết quả là chỉ trong 2 ngày tôi đã đọc xong cuốn sách ấy, 2 ngày còn lại vào thời gian rảnh không biết phải làm gì, tôi lên tìm kiếm ứng dụng đọc sách đọc để giết thời gian và nhận ra rằng nó rất tiện lợi. Đừng chỉ cứ bảo thủ phải kiên trì đọc sách giấy, trong một vài trường hợp, các ứng dụng đọc sách vừa tiết kiệm thời gia lại vừa rất tiện lợi, rất đáng để cân nhắc.