Trong khi hầu hết mọi người sẽ tìm cách để tránh càng xa càng tốt tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, W. Ian Lipkin lại lặng lẽ bay đến đó. Như một thói quen, vị giáo sư dịch tễ tại Đại học Columbia Mailman cũng từng bay tới Ả Rập Saudi vào năm 2012 để điều tra các trường hợp đầu tiên nhiễm hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Và cũng chính ông ấy đã có mặt ở Trung Quốc giữa đại dịch SARS năm 2003, để tìm hiểu điều gì đang thực sự xảy ra ở phía bên kia Thái Bình Dương.
Lần này, Lipkin sẽ ở lại Trung Quốc một tuần. Ông dự định sẽ tìm gặp những quan chức và nhà nghiên cứu y tế cộng đồng, những người "đủ trình độ và đủ chân thành" theo cách mà Lipkin mô tả.
Ông nghĩ đó là những người mình có thể hợp tác để tìm hiểu về dịch Covid-19, để thảo luận những cách ngăn chặn sự lây lan chóng mặt của nó và rút ra những bài học cho sau này.
Phỏng vấn "thợ săn virus", nhà dịch tễ học người Mỹ đi vào giữa tâm dịch Covid-19.
Sau chuyến đi của mình trở về Mỹ, Lipkin đang tự cách ly tại nhà 14 ngày. Ông phải đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày và báo cáo số liệu với trường đại học. Lipkin nói ngay khi thời gian cách ly để theo dõi ủ bệnh kết thúc, ông ấy sẽ quay trở lại Trung Quốc để làm tiếp công việc còn dang dở
Scientific American đã phỏng vấn Lipkin để hỏi về chuyến đi và những dự định của ông vào lúc này.
SA: Ông đã đặt những kỳ vọng gì vào chuyến đi vừa rồi?
Lipkin: Khi đi vào trong một vùng dịch bùng phát, tôi thực sự coi nó như một cơ hội: Bạn sẽ đến đó; bạn đánh giá tình hình. Và bạn sẽ đi bộ xung quanh như trong CSI (một bộ phim truyền hình về chủ đề pháp y) và cố gắng phát hiện bất cứ điều gì bạn có thể thấy về nguồn gốc của dịch bệnh.
Nhưng chính xác thì ông đang tìm kiếm điều gì?
Bạn sẽ cố gắng tìm ra một người, trong số những người mà bạn gặp, một người thực sự có hiểu biết và sự chân thành, một người chân thành nhưng không hề diễn kịch trong hoàn cảnh thách thức và thiếu thốn nguồn lực của họ. Bạn cũng sẽ cố gắng hiểu một chút về vòng cung lãnh đạo, những người có khả năng tác động lên những gì bạn muốn.
Trong khi hầu hết mọi người sẽ tìm cách để tránh càng xa càng tốt tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc, W. Ian Lipkin lại lặng lẽ bay đến đó.
Một số câu hỏi quan trọng mà ông và các chuyên gia đang trực tiếp làm việc ở đó muốn cố gắng giải đáp?
Đó là việc làm thế nào để đánh giá xem ai đó có bị nhiễm hay không? Việc sàng lọc dựa trên thân nhiệt có giá trị tới đâu? Làm thế nào để bạn đảm bảo rằng bạn đã kiểm soát được tình hình - vì vậy nếu có ai đó nói với bạn rằng họ âm tính hoặc dương tính [với virus], bạn biết điều đó có nghĩa như thế nào?
Làm thế nào để bạn đưa ra quyết định chọn lựa những xét nghiệm để tìm hiểu xem ai đó có đang bị nhiễm hay là không? Virus tồn tại bao lâu trên một bề mặt? Mọi người đã bị lây bệnh như thế nào? Truyền máu trong trường hợp này có an toàn hay không?
Các biện pháp bảo vệ cá nhân (khẩu trang, đồ bảo hộ) có an toàn hay không? Liệu bạn sẽ có đủ nguồn cung cấp chúng? Nếu cả xã hội ngưng trệ, làm thế nào để bạn có được nguồn thực phẩm?
Đó thực sự là những vấn đề quan trọng, và chúng đã được đặt ra.
Ông đã dành cả tuần ở Bắc Kinh và Quảng Châu, một thành phố ở một tỉnh chịu ảnh hưởng lớn thứ hai trong dịch Covid-19. Nhưng ông đã không tới Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát. Tại sao vậy?
Tôi đã không đến bất kỳ bệnh viện nào ở Trung Quốc và không đặt chân vào Vũ Hán, bởi vì nếu tôi làm vậy, tôi sợ rằng mình sẽ không thể quay trở lại. Tôi đã đi xa hết mức có thể, trong ngưỡng mà khi tới đó thì tôi vẫn được phép quay trở lại Hoa Kỳ.
*Cập nhật những tin tức mới nhất về dịch Covid-19 tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.
Tôi đã đi xa hết mức có thể, trong ngưỡng mà khi tới đó thì tôi vẫn được phép quay trở lại Hoa Kỳ.
Ông có liên lạc với các quan chức Hoa Kỳ khi ở đó không?
Cơ bản ngày nào tôi cũng gọi cho các đồng nghiệp của mình [tại Viện sức khỏe quốc gia và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ], kể cho họ những gì tôi đang tìm hiểu.
Tôi đã nhận được những thông tin chính xác hơn các cơ quan ở Mỹ về số lượng ca nhiễm, về những gì chúng ta đã biết và chưa biết trong dịch bệnh này, và tôi biết được cả những ai đang làm gì.
Các đồng nghiệp của ông không thể đến Trung Quốc, như ông đã từng đến?
Tôi có uy tín vượt trội, và tôi có thể đi bất cứ nơi nào tôi muốn. Nhưng có thể trở lại hay không thì không chắc.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy tê tê - một loài thú ăn kiến có nguy cơ tuyệt chủng - có thể chính là động vật truyền virus sang cho con người tại một ngôi chợ ở Vũ Hán. Liệu ở thời điểm này, việc tìm ra loài vật nào là trung gian truyền bệnh giữa người và dơi - một loài nổi tiếng là bể chứa virus corona - có còn quan trọng hay không?
Tôi không nghĩ rằng hiện còn có nhiều người ăn tê tê, nhưng một số phụ nữ ở Trung Quốc nghĩ rằng nó rất tốt cho bạn nếu bạn đang cho con bú. Và những người đang mắc nhiều bệnh mạn tính cũng nghĩ rằng tê tê tốt cho sức khỏe của họ.
Trên thực tế, nếu chúng ta có thể thuyết phục mọi người rằng có một loài động vật hoang dã là nguồn gốc lây truyền virus, và họ không còn gì để nghi ngờ điều đó, thì hai lợi ích sẽ xuất hiện: Tôi đã đọc được ở đâu đó khẳng định tới 70% rằng tê tê là loài mang virus. Nếu đúng, thì điều đó rất tốt cho những chú tê tê - nó khiến mọi người nghĩ rằng không nên ăn tê tê nữa.
Và điều đó cũng củng cố một quan điểm, điều mà tôi đã nói với bất kỳ ai tôi từng gặp ở Trung Quốc: “Nhìn xem, các ngài, tôi đã nói với các ngài điều này từ năm 2003, 2004 và 2005, năm nào tôi cũng nói đi nói lại. Chúng ta không thể để những thị trường động vật hoang dã như thế tồn tại”.
Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta sẽ có được một cú hích. Đợt bùng phát dịch bệnh này có thể là điều kiện cho phép chúng tôi bày tỏ quan điểm một cách dứt khoát, bởi chính phủ Trung Quốc đã thấy được cái giá đắt mà họ phải trả.
Từ những gì ông đã thấy, ông có nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc đang xử lý tốt cuộc khủng hoảng này, cũng như có thể đoán được những gì họ sắp làm tới đây? Liệu chúng ta có thể tránh được một thảm họa?
Có những người Trung Quốc đang làm việc rất tốt - rất tận tâm. Tôi tự hỏi mình, nếu có một ổ dịch như thế này xảy ra ở Hoa Kỳ, liệu trong số chúng ta sẽ có bao nhiêu người chịu làm việc suốt ngày đêm? Tôi không biết. Tôi hy vọng chúng ta không bao giờ phải trả lời câu hỏi đó.
Nhưng cũng có những dấu hiệu cảnh báo sớm đã bị xem nhẹ.
Nhà dịch tễ học người Mỹ Ian Lipkin được mệnh danh là "thợ săn virus"
Ông đã từng đến Quảng Châu nhiều lần trước đây. Cảm giác lần này có khác hay không?
Quảng Châu bây giờ không còn đẹp nao lòng nữa. Thành phố về cơ bản trống trơn. Không có một ai trên đường phố. Mọi người đều đeo khẩu trang. Hầu như mọi thứ đều im bặt. Nếu bạn muốn đặt bàn trong một nhà hàng đang mở, không có khó khăn gì nữa, chẳng phải chờ đợi như trước.
Ông có sợ mình sẽ nhiễm virus không?
Tôi phải nói rằng bản thân tôi không hề chủ quan. Tôi có lo điều đó. Nhưng bạn có thể biến nỗi sợ thành lợi thế của mình. Nỗi sợ giúp bạn nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh và cẩn thận hơn về những gì bạn làm, từ đó giảm thiểu những rủi ro cho bản thân.
Ông đã áp dụng những biện pháp phòng ngừa nào khi ở Trung Quốc?
Tôi rửa tay thường xuyên và tôi đeo một cái khẩu trang - đó thực sự là tất cả những gì tôi có thể làm. Tôi có khẩu trang N95. Tôi mang chúng sang từ Mỹ. Và tất nhiên, tôi đã để lại một số cho các đồng nghiệp ở Trung Quốc, quốc gia đang thiếu chúng.
Tôi thường xuyên đeo găng tay, không phải loại găng tay phẫu thuật mà là găng tay da khi tôi đi xe điện, trong nhiều tình huống khác và ở sân bay. Đó chỉ là một biện pháp thận trọng. Tôi cũng đeo găng tay khi đi tàu điện ngầm ở New York.
Đâu là những bài học mà chúng ta có thể rút ra cho những dịch bệnh sau này, nếu có?
Chúng ta nên sớm đánh giá cao những bất thường xảy ra trong lĩnh vực dịch tễ, trước khi có thứ gì đó bùng phát. Tôi đã cố gắng kết nối các chương trình hợp tác quốc tế để chủ động giải quyết các vấn đề này.
Ý tưởng là sẽ có một nhóm các nhà nghiên cứu sẵn sàng cam kết chia sẻ tài nguyên, chia sẻ dữ liệu và đăng kết quả lên một trang web, để khi phát hiện ra các bệnh truyền nhiễm, mọi người sẽ tìm cách xác định rủi ro và nói:
“A, đây là một cái gì đó chúng ta có thể giải quyết. Chúng ta có thể làm gì bây giờ? Nó sẽ trông như thế nào?”
Tôi đang cố gắng gây quỹ tài trợ cho chương trình này, nó rất, rất khó khăn. Nhưng đây là điều tôi nghĩ mình sẽ làm để giúp cho thế giới trở nên an toàn hơn.
Tham khảo Scientificamerican