Đối với thế hệ cuối 9x - đầu 10x, tô tượng là một trong những trò chơi gắn liền với ký ức của tuổi thơ. Thế nhưng khi công nghệ ngày càng phát triển, phong trào tô tượng dần trở nên nhạt nhòa và ít được quan tâm. Số lượng trẻ em biết tới trò chơi này cũng không còn nhiều.
Nào ngờ trong khoảng 1 tháng trở lại đây, tô tượng bỗng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ. Phong trào này bất ngờ hot trở lại sau khi trở thành trào lưu trên mạng xã hội.
Vừa đi “bắt trend”, vừa tranh thủ tìm về tuổi thơ
Ghi nhận trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/05, nhiều sạp tô tượng bên trong các công viên, nhà sách hay khu vui chơi trong trung tâm thương mại luôn trong tình trạng kín chỗ.
Vào khoảng 3 giờ chiều trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (03/05), tại công viên Thống Nhất (Hà Nội) có rất đông các bạn trẻ tới đây tô tượng.
Tại một quầy tô tượng, các bức tượng được bán đồng giá 40.000 đồng/tượng, đa dạng cả về mẫu mã và kích thước. Để phục vụ kịp thời, quầy phải chia ra làm 2 tủ, mỗi bên có một người đứng bán. Khách hàng sau khi mua tượng sẽ ra lấy màu và cọ bút. Tuy nhiên, lượng khách quá đông trong khi bàn ghế có hạn, nhiều bạn trẻ phải ra ghế đá ngồi, hoặc ngồi luôn ở bậc thềm của một chòi nghỉ gần đó.
Theo lời của một người bán hàng, lượng khách bắt đầu đông vào đầu giờ chiều, chủ yếu là các bạn học sinh và thanh thiếu niên.
Người dân thường đi tập tại đây cho biết, sạp tượng này thuộc khu vui chơi của công viên. Trước đây chỉ có các cháu bé được bố mẹ đưa tới để chơi dịp cuối tuần, nhưng thời gian gần đây lượng khách tăng vọt, chủ yếu là người trẻ tuổi.
Cách đó không xa, một vài sạp tô tượng cũng đón một lượng khách đáng kể
Lê Vân (18 tuổi, ở Cầu Giấy) chia sẻ: “Xem các clip và ảnh thấy mọi người đi tô tượng kiểu kinh dị, hài hài nên mình rất thích. Nhân dịp nghỉ lễ mình tranh thủ rủ bạn bè tới đây tô tượng. Mặc dù gần nhà có công viên Cầu Giấy, nhưng vì bạn bè gần công viên Thống Nhất hơn vừa tranh thủ tụ tập, vừa tận dụng cơ hội đi tìm lại tuổi thơ.”
Cũng mong muốn “bắt trend”, Tú Anh (20 tuổi) cho biết cô và em gái đã đi hơn 10km để tới công viên Thống Nhất tô tượng. Tô tượng giúp cả 2 xả stress, cũng như gắn kết tình chị em hơn. Tuy nhiên, mức giá 40.000 đồng có phần hơi cao so với thông thường.
Nhiều bạn trẻ cũng nhận thấy mức giá tô tượng tại công viên có cao hơn so với các nhà sách, khu vui chơi. Tuy nhiên, đổi lại là không gian rộng lớn và trong lành nên đa số đều cho rằng mức giá này vẫn có thể chấp nhận được. Một số bạn dự định sẽ tiếp tục quay lại đây nếu có thời gian, nhưng cũng có vài người chia sẻ mình chỉ tới trải nghiệm thử một lần và không có ý định đi chơi tiếp lần hai.
Một điểm đến thu hút các bạn trẻ tới tô tượng khác là dãy nhà sách Đinh Lễ nằm trên phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Liên tiếp những ngày nghỉ lễ, nơi đây ghi nhận lượng lớn khách tới trải nghiệm. Giá bán một bức tượng tại đây cũng có sự chênh lệch so với công viên Thống Nhất, dao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/cái tùy mẫu mã và kích cỡ.
Ghi nhận vào khoảng 18h30 -19h cùng ngày, lượng khách không quá đông so với các ngày lễ trước đó.
Một chủ sạp tượng đầu phố Đinh Lễ cho biết: “Tôi bán ở đây từ lâu rồi. Kể từ khi phong trào tô tượng nổi lên lượng khách cũng tăng lên đáng kể. Mấy cửa hàng ở phía dưới thấy vậy cũng tranh thủ nhập tượng để bán.”
Cũng theo người này, rất khó để tính xem một ngày bán được bao nhiêu bức tượng. Nhiều khi khan hàng nên không kịp nhập hàng mới, vì thế mẫu mã cũng ít hơn.
Tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều bất cập
Việc “hồi sinh” phong trào tô tượng được xem là tín hiệu tích cực trong cuộc sống hiện tại. Với sức hút của công nghệ, việc các bạn trẻ tìm tới trò chơi tuổi thơ để giải trí là điều đáng hoan nghênh.
Ngồi nghỉ chân tại khu vui chơi ở công viên Thống Nhất, ông Lê Tuấn (56 tuổi, ở Kim Hoa) chia sẻ mặc dù biết rằng phong trào này chỉ nổi lên trong một thời gian ngắn, thế nhưng đây cũng là điều đáng mừng bởi giới trẻ sẽ bớt quan tâm đến công nghệ. Bên cạnh đó, công viên cũng thu hút đông đảo lượng khách tới đây vui chơi, giải trí.
“Trước đây chủ yếu chỉ có người dân tới để tập thể dục, thi thoảng cuối tuần mới có vài gia đình đưa con em tới chơi. Nhưng giờ thì khác rồi. Lượng khách đông gấp 5, gấp 10 lần. Giới trẻ tới sinh hoạt câu lạc bộ, uống cà phê, đi đạp vịt,... Người Hà Nội đang thiếu chỗ chơi. Được thế này là phấn khởi rồi!”, ông Tuấn nói thêm.
Tuy nhiên, cũng nhiều phụ huynh cho biết nhiều người trẻ đổ xô đi tô tượng khiến họ không thoải mái. Chị Vân sinh sống ở Cầu Giấy cho biết: “Mình đưa con đi ra công viên Cầu Giấy chơi mà đông quá, không có chỗ để ngồi. Tự nhiên toàn các anh các chị tô tượng, trong khi đấy là trò dành cho trẻ con. Có thể dùng thời gian đó để tham gia các hoạt động khác hay hơn.”
Hay cô Hoa (56 tuổi, ở Khâm Thiên) cho biết cứ cuối tuần lại hay cho các cháu tới đây tô. Trước đây, mức giá 30k/tượng thì nay đã lên 40k/tượng. Nhà đông cháu nên mua nhiều cũng tốn kém hơn.
Cũng ghi nhận tại công viên Thống Nhất, xung quanh các quầy tô tượng có nhiều bức tượng bị đập vỡ. Các mảnh vỡ trải đầy đường đi và bãi cỏ, tạo nên khung cảnh nhếch nhác cho công viên,cũng như vô cùng nguy hiểm nếu có trẻ em đi qua.
Các mảnh tượng vỡ trải đầy đường đi và bãi cỏ