Phồng tôm, một món ăn vặt quen thuộc và đầy thú vị, đã trở thành hình ảnh gắn bó với tuổi thơ của biết bao người. Cái giòn giòn, cái mặn mặn cùng hương vị đặc trưng đã khiến cho phồng tôm trở thành lựa chọn không thể thiếu trong các cuộc tụ họp bạn bè hay những buổi picnic. Tuy nhiên, dù ngon đến đâu thì nếu chỉ chiên và ăn mãi cũng sẽ dẫn đến cảm giác nhàm chán. Nhưng bạn đã bao giờ nghĩ đến việc biến tấu món phồng tôm truyền thống này chưa? Hãy thử tưởng tượng, khi những miếng phồng tôm giòn rụm được mang đi làm bánh canh, chúng sẽ biến hóa như thế nào?
Trong không gian bếp nhỏ của mỗi gia đình hoặc đối với những người độc thân, người bận rộn, việc chế biến những món ăn nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo sự ngon miệng luôn được ưu tiên hàng đầu. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã quyết định thực hiện một cuộc thử nghiệm nhỏ: Sử dụng phồng tôm, một nguyên liệu quen thuộc với hầu hết mọi người, để chế biến bánh canh - một món ăn truyền thống của người Việt. Điều đặc biệt ở đây là phồng tôm không chỉ là món ăn vặt giải trí mà còn có thể trở thành nguyên liệu chính cho một bữa ăn "chính đáng".
Với mong muốn tận dụng tối đa thời gian và công sức, chúng tôi đã bắt tay vào thực hiện món ăn này mà không cần phải qua quá nhiều bước phức tạp. Quả thực, kết quả thu được đã hoàn toàn vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi.
Cảm quan ban đầu
Trọng lượng vừa phải, hợp lý cho một lần dùng
Chúng tôi đã chọn loại phồng tôm mực Sa Giang có trọng lượng 200g. Cỏ vẻ trọng lượng này khá phù hợp cho hai người ăn, nếu một người ăn trong một lần nấu chỉ cần sử dụng 100g bánh phồng là được. Bên ngoài sẽ được bọc một lớp bìa như hình, mặt sau có hướng dẫn sử dụng chi tiết. Về thiết kế thì cũng không có gì đặc sắc nhưng có đầu tư hai lớp bao bì. Việc đóng gói như này cũng tiện lợi khi mang đi xa.
Theo hướng dẫn sử dụng, phồng tôm có thể chiên bằng dầu hoặc nướng bằng lò vi sóng tiện dụng. Với cách này, phồng tôm giòn, nở đều, có thể làm món ăn vặt trực tiếp hoặc ăn kèm các món xúc như phồng tôm xúc hến, xúc chim câu băm,...
Chất lượng bánh phồng tôm: Dày vừa phải, chắc tay, dậy mùi thơm
Về ngoại hình bánh phồng: Ngoài lớp bìa, bên trong bánh phồng được đóng gói bằng nilon dày, mỗi chiếc bánh phồng dày vừa phải, cầm chắc tay và không bị vụn. Điều đặc biệt khiến chúng tôi cảm thấy ưng ý ngay từ lúc đầu là bánh phồng thơm, dậy mùi hành, tỏi, tiêu, ớt và cả mực.
Giá cả: 20.100 đồng tại siêu thị Winmart
Trên thị trường, hiện loại bánh phồng tôm mực trọng lượng 200g được bán với giá 24.000 đồng (có thể thay đổi tùy khu vực), giá cho loại này mua tại siêu thị được niêm yết là 20.100 đồng.
So với các loại phồng tôm khác, chúng tôi không có đánh giá nhiều về giá. Nhìn chung, giá các loại phồng tôm cũng dao động từ 15.000 đồng đến 18.000 đồng cho định lượng tương tự, tuy nhiên giá thành này có xứng đáng không, chúng ta hãy cùng đến với hương vị xem thế nào nhé.
Phồng tôm nấu bánh canh có hương vị thế nào?
Theo hướng dẫn in trên bao bì, để nấu súp phồng tôm bạn có thể cần luộc từ 3 đến 5 phút cho 100g bánh. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể bạn phải cần thời gian lâu hơn. Điều chúng tôi đánh giá cao là sau khi luộc, miếng bánh vẫn dai và không bị nát. Nhưng không vì thế mà bạn luộc bánh quá lâu, nếu luộc lâu thì bánh nào cũng sẽ nát không giữ được vị dai ngon vừa đủ. Lưu ý nên đổ nhiều nước để bánh phồng khi nở mềm không bị dính đáy nồi/chảo, bạn nên đảo chúng một vài lần để đảm bảo chúng nở đều.
Về phần nước dùng, bạn có thể sử dụng tùy thích và topping đi kèm cũng vậy. Trong lần thử này, chúng tôi chỉ sử dụng nguyên liệu đơn giản gồm thịt lợn băm, tôm nõn, viên thả lẩu trứng cá, hành tím băm, hành lá, rau mùi, mùi tàu.
Sau phi khi thơm hành tím băm cho thơm, đổ thịt lợn băm và tôm vào đảo đều, nêm vào đó một chút hạt nêm cho vừa miệng. Chế thêm nước nóng đủ dùng. Khi sôi trở lại thì thả viên trứng cá, nấu thêm một chút thì cho bánh phồng tôm đã luộc vào, đảo đều. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Trên thực tế, bánh phồng tôm này có vị khá đậm đà nên bạn không cần nêm quá nhiều muối.
Những miếng phồng tôm, khi hòa quyện cùng với nước dùng đậm đà và sợi bánh canh mềm mại, đã tạo nên một hương vị hoàn toàn mới lạ và hấp dẫn. Độ dai của bánh phồng vẫn còn, thơm ngon và không bị nát. Hơn nữa, vì bánh phồng được nêm nếm vừa miệng nên ăn dậy được mùi thơm của tiêu, ớt. Chính vì thế, điều này làm cho bát bánh canh hơi the the, ăn khá hấp dẫn.
Thực ra, trong lần thử này, chúng tôi cũng không mong đợi gì nhiều vì bánh phồng khi mềm ngậm nước cũng dễ bị trương, nát ăn không ngon lại ngấy. Tuy nhiên, với thời gian khuyến cáo, bánh phồng khi nấu bánh canh thịt bằm rất dễ ăn. Trong những ngày bận rộn, nấu nhanh một bát bánh canh này cũng đủ hấp dẫn, ngoài ra, nấu ăn sáng cũng rất tiện.
Tuy nhiên, không phải loại phồng tôm nào cũng phù hợp để nấu bánh canh. Lưu ý quan trọng khi chọn mua phồng tôm là phải chọn những loại có chất lượng tốt, không bị mềm nhũn sau khi nấu. Phồng tôm tốt sẽ giữ được độ giòn lâu và không bị tan nát khi gặp nước, qua đó đảm bảo được cảm giác ngon miệng cho món ăn. Hãy tìm mua những loại phồng tôm có độ dày vừa phải, không quá mỏng cũng không quá dày, và khi chạm vào có cảm giác cứng cáp, không bị ẩm ướt.
Trong lần tới, chúng tôi sẽ thử nghiệm thêm loại phồng tôm khác để tìm thêm loại nấu súp/bánh canh ngon để cùng chia sẻ với các bạn.
Nhìn chung, loại phồng tôm mực này khi mang nấu bánh canh, trên thang điểm 10, chúng tôi đánh giá khoảng 9/10.
*Đánh giá hương vị dựa theo khẩu vị của người viết.