Người xưa không có máy ảnh, máy quay phim nên họ chỉ có thể ghi lại những gì muốn bày tỏ bằng giấy bút. Trong trường hợp này, một bức tranh cũng đủ để kể một câu chuyện hay truyền tải một thông điệp, và những câu chuyện trong những bức tranh cổ thường vô cùng ý nghĩa và rất thú vị.
Thời kỳ phong kiến Trung Quốc, tranh cổ động và thư pháp là những hình thức hội họa phổ biến nhất. Những tác phẩm này không chỉ được lưu giữ tại đất nước tỷ dân mà còn lưu lạc tại nhiều quốc gia khác. Ngày này, Bảo tàng Nghệ thuật Boston (Mỹ) cũng đang trưng bày một bức tranh cổ được vẽ vào thời nhà Tống tức khoảng 1.200 năm trước.
Bức họa "Trang tịnh sĩ nữ đồ" 1.200 tuổi. Hình ảnh: Sohu
Bức tranh này có tên là "Trang tịnh sĩ nữ đồ" của họa sĩ Tô Hán Thần có chiều dài 25,2 cm, chiều rộng 26,7 cm. Bức tranh vẽ hình ảnh một mỹ nữ thời nhà Tống đang ngồi trang điểm trước gương.
Nội dung đơn giản chỉ có hai cô gái trong khuê các, nét mặt của họ phảng phất vẻ u buồn phong trần của người xưa. Ở góc trên bên trái của bức tranh, một vài bông hoa đào giống như sắp tàn, điểm thêm một vài cây tân trúc nhỏ và hoa thủy tiên để làm nổi bật tâm trạng của nhân vật.
Thoạt nhìn, bức tranh chỉ như đang miêu tả khung cảnh thiếu nữ khuê các bình thường với màu sắc nhẹ nhàng làm toát lên vẻ đẹp dịu dàng, mềm mại của thiếu nữ xưa. Nó cũng góp phần thể hiện nét tao nhã đặc trưng của phụ nữ thời kỳ đầu nhà Tống.
Thế nhưng khi phóng to bức tranh thì không ít người phải rợn tóc gáy vì những chi tiết kỳ quái mà cho đến bây giờ, hậu thế vẫn chưa thể giải thích được. Nhiều cư dân mạng còn cho rằng bức tranh này không hề đơn giản, nó có vẻ ma quái y như câu chuyện của "Liêu Trai chí dị" vậy.
Rất nhiều cư dân mạng phát hiện ra một chi tiết vô cùng phi thực tế trong bức "Trang tịnh sĩ nữ đồ" này. Đó là sự chênh lệch quá rõ ràng về tỷ lệ khuôn mặt của thiếu nữ đang ngồi trang điểm và khuôn mặt phản chiếu trong gương.
Chi tiết kỳ quái trong bức tranh Trang tịnh sĩ nữ đồ. Hình ảnh: Sohu
Thiếu nữ ngồi trang điểm tương đối gầy gò nhưng cái đầu phản chiếu trong gương lại to hơn gấp đôi, trông hết sức bất thường.
Từ góc độ của chiếc gương và các chi tiết trong bức tranh, có vẻ như còn có một khuôn mặt khác xuất hiện trên chiếc ghế mà người thiếu nữ đang ngồi. Thậm chí có người còn suy đoán rằng cơ thể của thiếu nữ đang ngồi thực chất là một ma nữ đang thao túng.
Hơn nữa, trên chiếc bàn trang điểm còn có một tấm vải nhỏ màu trắng khiến người xem không thể không nghĩ đến phần truyện "Họa bì" trong "Liêu Trai chí dị".
Không chỉ có vậy mà hậu thế còn soi ra được khoảng cách mà người hầu gái đứng phía sau lưng cô gái đang ngồi trang điểm là khá xa, điều này không phù hợp chút nào với mối quan hệ giữa chủ và nha hoàn thân cận lúc bấy giờ.
Tấm vải trắng đáng ngờ trong bức tranh cổ. Hình ảnh: Sohu
Vì vậy, không ít người còn khẳng định rằng đằng sau bức tranh này thực chất đang kể một câu chuyện ma quái khủng khiếp, bởi nó giống với một số cảnh trong bộ truyện "Họa bì". Người thiếu nữ đang ngồi soi gương trong bức tranh thực tế chỉ là một miếng da người thế nên trong gương khuôn mặt mới to gấp đôi như vậy.
Nếu thực sự đúng như lối suy đoán của hậu thế thì bức "Trang tịnh sĩ nữ đồ" này không hề đơn giản và mỗi nét u buồn trong tranh đều có ẩn ý muốn phác họa cái vẻ ma quái ghê rợn bên trong nó.