Tranh cổ từ trước đến nay vẫn luôn mang theo một giá trị vượt thời gian cả về phương diện hội hoạ lẫn phương diện lịch sử.
Ở thời nhà Tống, để thể hiện rằng hoàng thất vô cùng gần gũi với người dân, hồ Kim Minh của hoàng tộc sẽ mở cửa cho người dân ra vào tham quan từ ngày đầu tiên của tháng ba đến ngày thứ 8 của tháng 4 hàng năm. Trong khoảng thời gian này, một cuộc thi đua thuyền sẽ được tổ chức.
Kim Minh Trì Cánh Tiêu đồ. Hình ảnh: Baidu
Dựa trên khung cảnh này, danh hoạ nức tiếng Trương Trạch Đoan triều Tống đã vẽ một bức tranh nổi tiếng tên là "Kim Minh Trì Cánh Tiêu đồ".
Bức họa tái hiện một cách sinh động lễ hội thuyền rồng vào ngày thứ năm của tháng 5 âm lịch, hoàng đế Tống Thái Tông đích thân đến hồ Kim Minh để thưởng thức cuộc thi đua thuyền cùng với người dân.
Ngoài giá trị nghệ thuật được lưu truyền, bức tranh cổ còn cho hậu thế được chiêm ngưỡng kiến trúc cung điện và thuyền rồng thời bấy giờ. Điều đáng bất ngờ hơn cả là khi phóng to bức tranh 10 lần, ở góc phải của bức tranh, người xem đã nhìn thấy tinh hoa trong ngành công nghiệp đóng tàu của con người - đó là bến đỗ tàu cạn hay còn gọi là cảng cạn.
Thoạt nhìn nó giống như một ngôi nhà lớn có ba gian, gian ở giữa cao và hai bên thấp. Gian ở giữa là nơi neo đậu thuyền rồng, hai bên gian có thể được sử dụng làm công trình phụ hoặc làm kho chứa.
Vào đầu thời nhà Tống, quan lại phía Nam đã dâng tặng một chiếc thuyền rồng lớn dài 20 trượng, có lầu cung điện và nơi nghỉ ngơi dành riêng cho hoàng đế.
Sau nhiều năm sử dụng, phần đáy tàu bị mục nát, hoàng đế ra lệnh sửa lại tàu nhưng phần hư hỏng nằm dưới mặt nước nên không thể thực thi được.
Cảng cạn thuở sơ khai thời nhà Tống. Hình ảnh: Baijiahao
Lúc này, một viên thái giám tên là Hoàng Hoài Tín đã nảy ra ý tưởng đào một cái rãnh có thể chứa một chiếc thuyền rồng ở phía bắc của hồ Kim Minh. Trong cái rãnh đó dựng lên một đường ray, đưa thuyền rồng vào sau đó thả neo, rồi thoát nước trong hồ đi.
Lúc này đáy thuyền hoàn toàn lộ ra ngoài và những người thợ có thể sửa chữa các bộ phận đã mục nát. Sau khi thuyền rồng được bảo dưỡng thì lại dẫn nước vào rãnh, tháo các đường ray và kéo thuyền ra.
Hình ảnh chi tiết kỹ thuật của rãnh cảng cạn thời nhà Tống. Hình ảnh: Baijiahao
Mặc dù thái giám Hoàng Hoài Tín không phải là người nổi tiếng trong lịch sử, nhưng từ những ghi chép rải rác trong các tư liệu, ông là một chuyên gia về kỹ thuật thủy lợi và đưa nhà Tống trở thành nơi có thể chế tạo, xây dựng và sử dụng cảng cạn đầu tiên trên thế giới nhờ trí tuệ xuất sắc của con người.
Cảng cạn là một công trình thủy lực quan trọng được sử dụng để đóng và sửa chữa tàu thuyền. Thuở sơ khai do tàu thuyền thường có kích thước nhỏ, kết cấu đơn giản nên không cần đến cảng cạn nhưng với sự phát triển của công nghệ đóng tàu, các con tàu ngày càng lớn và phức tạp hơn về kết cấu và cảng cạn ra đời.
Cảng cạn thời hiện đại. Hình ảnh: Baijiahao
Nước Anh là cường quốc hàng hải kỳ cựu, thống trị đại dương hàng trăm năm, nhưng phải đến năm 1495, vua Henry VII của Anh mới ra lệnh xây dựng bến tàu đầu tiên ở Portsmouth, đây cũng là bến tàu đầu tiên ở châu Âu và thế giới, theo ghi chép lịch sử.
Nhưng nếu xét theo bức tranh cổ của hoạ sĩ Trương Trạch Đoan thì cảng cạn và kỹ thuật của nó xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 10 của triều đại Bắc Tống (960-1127), tức là đã đi trước châu Âu hơn 400 năm.
Tất nhiên, những bức tranh cổ vẫn chưa được coi là một ghi chép lịch sử chính thức bởi những nét vẽ trong đó hoàn toàn chỉ là những ý tưởng vu vơ dưới góc nhìn của hoạ sĩ lúc bấy giờ.