Phòng dịch Covid-19: Nước rửa tay khô không an toàn với trẻ trong những trường hợp nào?

zknight | 09-03-2020 - 13:43 PM

(Tổ Quốc) - Tại Mỹ, chỉ 4 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận tới gần 6,000 trường hợp trẻ dưới 12 tuổi uống nước rửa tay khô.

Giữ vệ sinh tay, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc nước rửa tay khô chứa cồn là một trong những biện pháp tốt nhất mà mọi người cần làm lúc này để phòng tránh dịch bệnh Covid-19.

Hiện tại ở một số chung cư và khu vực sinh hoạt công cộng đã trang bị nước rửa tay khô dành cho người dân sử dụng. Một số bậc phụ huynh cũng rục rịch mua nước rửa tay khô cho con em mình đem tới trường sử dụng.

Nhưng liệu nước rửa tay khô có an toàn với trẻ hay không? Và nó chỉ nên được sử dụng trong tình huống nào?

Phòng dịch Covid-19: Nước rửa tay khô không an toàn với trẻ trong những trường hợp nào? - Ảnh 1.

Nước rửa tay khô không an toàn với trẻ trong những trường hợp nào?

Thành phần chính của nước rửa tay khô là các hợp chất gốc cồn có tác dụng bất hoạt virus và vi khuẩn. Ví dụ như ethanol, isopropanol, n -propanol hoặc kết hợp hai trong số các hợp chất trên.

Cồn tác dụng vào vi sinh vật, phá vỡ lớp vỏ bọc bên ngoài của chúng. Đối với virus corona mới gây ra dịch Covid-19, các hợp chất gốc cồn này sẽ hòa tan lớp vỏ bọc nhân của virus, khiến nó mất đi các thụ thể gai và bị bất hoạt (không thể lây nhiễm sang tế bào vật chủ).

Nghiên cứu cho thấy các hoạt chất gốc cồn đạt được hiệu quả tốt nhất ở nồng độ ethanol là từ 60% đến 85%, isopropanol là từ 60% đến 80%, n -propanol là từ 60% đến 80%.

Ngoài ra, vì cồn có thể làm khô tay, các nhà sản xuất thường cho thêm một số thành phần dưỡng ẩm da như glycerin và Fragrance để tạo mùi hương. Để diệt một số loại vi khuẩn cứng đầu như Staphylococcus aureus, một số loại nước rửa tay sẽ được bổ sung thành phần kháng khuẩn như benzalkonium chloride.

*Tham khảo bài viết của Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn về công dụng của nước rửa tay khô tại đây.

Các thành phần trên đều được đánh giá là an toàn trong ngưỡng sử dụng trên da tay, ngay cả với trẻ em khi liếm phải. Nhưng bạn cần tuyệt đối lưu ý không để trẻ uống trực tiếp nước rửa tay khô vì nó có thể gây ra ngộ độc cồn hoặc benzalkonium chloride.

Ngưỡng gây độc của benzalkonium chloride là 266 mg/kg. Đối với nồng độ của sản phẩm thông thường, nó tương đương với 225 ml/kg. Nhưng ngộ độc cồn có thể xảy ra sớm hơn, khi trẻ uống chúng.

Nghiên cứu cho thấy uống 30 ml cồn đã có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Và các sản phẩm nước rửa tay khô chứa cồn có mùi hương thường đặc biệt hấp dẫn chúng. Tại Mỹ, chỉ 4 tháng đầu năm 2019 đã ghi nhận tới gần 6,000 trường hợp trẻ dưới 12 tuổi uống nước rửa tay khô.

Các triệu chứng của nhiễm độc cồn mà các bậc phụ huynh cần lưu ý bao gồm: buồn nôn, lú lẫn, nôn, lờ đờ, buồn ngủ, suy hô hấp. Tốt nhất, nước rửa tay khô chỉ nên được sử dụng cho trẻ dưới sự giám sát của người lớn. Và các sản phẩm này nên để xa tầm tay trẻ em, nếu các con chưa ý thức được việc không thể uống chúng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo nước rửa tay khô không thể thay thế cho việc rửa tay với xà phòng và nước sạch trong một số trường hợp. Đó là khi trên tay có các vết bẩn rõ rệt, nhìn thấy bằng mắt thường.

Chẳng hạn như trẻ thường nghịch bẩn và dính bùn đất, dầu mỡ trên tay. Lúc này, rửa tay với xà phòng là ưu tiên số một. Các loại nước rửa tay chứa cồn cũng không hiệu quả nếu tay của trẻ dính chất nhờn, chẳng hạn như đờm dãi.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý dặn dò con em mình trong những trường hợp này, bắt buộc phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

Một lưu ý cuối cùng, vì nước rửa tay khô có chứa nồng độ cồn cao, bạn không nên để chúng gần lửa hoặc các khu vực có nhiệt độ cao để đề phòng hỏa hoạn.

* Để kiểm tra xem mình đã dặn dò con đủ kiến thức và thực hành rửa tay và vệ sinh tay đúng trong dịch Covid-19 hay chưa, hãy cùng làm bài trắc nghiệm ngắn dưới đây:

Phòng dịch Covid-19: Nước rửa tay khô không an toàn với trẻ trong những trường hợp nào? - Ảnh 4.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM