Dow Jones tăng 1.293,96 điểm, tương đương 5,1%, lên 26.703,32 điểm, ghi nhận phiên giao dịch tích cực nhất kể từ tháng 3/2009. Đây cũng là mức tăng điểm lớn nhất từ trước đến nay đối với chỉ số này. S&P 500 tăng 4,6% - ghi nhận phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 26/12/2018 - đóng cửa ở mức 3.090,23 điểm. Nasdaq Composite cũng có ngày tốt nhất kể từ năm 2018, tăng 4,5% lên 8.952,1 điểm.
Cổ phiếu Apple đã dẫn đầu đà tăng của Dow Jones, với mức tăng 9,3%. Merck và Walmart lần lượt tăng 6,3% và 7,6%. Cổ phiếu nhóm tiện ích, công nghệ, mặt hàng tiêu dùng và bất động sản đều tăng hơn 5%, dẫn đầu đà tăng của S&P 500.
Các chỉ số lớn đồng loạt hồi phục sau 1 tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2008 và "thoát" khỏi vùng điều chỉnh.
Diễn biến của Dow Jones trong những phiên vừa qua.
Theo báo cáo được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố hôm 29/2, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 giảm mạnh xuống chỉ còn 35,7 điểm, so với mức 50 điểm của tháng trước và thấp hơn đáng kể so với mức dự báo trung bình của các chuyên gia kinh tế. Ngoài ra, số liệu của Mỹ cũng không hề khả quan. Chỉ số sản xuất ISM trong tháng 2 cũng giảm xuống mức 50,1 - thấp nhất kể từ cuối năm 2019, dù ước tính là 50,8 điểm.
Lo ngại về tác động của coronavirus đối với lợi nhuận doanh nghiệp và nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các lựa chọn thay thế an toàn hơn cho cổ phiếu, đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Vào tối Chủ nhật, lần đầu tiên trái phiếu 10 năm phá vỡ mốc 1,04%, sau đó giao dịch quanh mức 1,14%.
Dẫu vậy, số liệu kinh tế không khả quan cũng không khiến tâm lý nhà đầu tư lung lay, khi kỳ vọng đối với động thái nới lỏng chính sách từ các NHTW tăng lên. Công cụ FedWatch của CME Group cho thấy nhà đầu tư đã dự đoán 100% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất với 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Kỳ vọng đối với lần cắt giảm lãi suất khác trong tháng 4 là khoảng 70%.