Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, con gái của vua được gọi là công chúa, là cành vàng lá ngọc, thân phận cao quý, người người vây quanh. Cho dù có xuất giá, thì công chúa cũng có ảnh hưởng và địa vị nhất định trong gia đình chồng. Kể cả trên cương vị người chồng, phò mã cũng cần nhún nhường vợ vài phần.
Thế nhưng Thanh triều lại có một vị công chúa, sau khi kết hôn bị phò mã đá chết. Cô công chúa đó là chính là con gái thứ 5 của vị vua nổi tiếng Khang Hi.
Vậy sau khi biết chuyện, Khang Hi đế đã phản ứng thế nào với phò mã đắc tội giết con gái mình?
NGƯỜI CON GÁI THỨ NĂM CỦA KHANG HI
Con gái thứ năm của vua Khang Hi là Hòa Thạc Đoan Tĩnh công chúa, có mẹ là Bố Quý nhân Triệu Giai thi.
Đoan Tĩnh công chúa từ nhỏ đã xinh xắn đáng yêu, thông minh lanh lợi. Lớn lên không chỉ tinh thông thơ văn mà còn biết cả cưỡi ngựa bắn cung.
Có thể nói đây là một công chúa tuyệt sắc, văn võ song toàn, nên rất được Khang Hi yêu thương. Năm 19 tuổi, cô được vua cha phong là Hòa Thạc Đoan Tĩnh Công chúa, tháng 10 năm đó gả cho Cát Nhĩ Tang, con trai thứ 2 của quận vương Mông Cổ Đỗ Lăng.
Mặc dù công chúa Đoan Tĩnh được gả cho một người tốt, nhưng đó lại không phải là ý trung nhân của nàng. Tương truyền, công chúa khi còn sống trong cung đã yêu chàng thị vệ bên cạnh Khang Hi là Ngạch Nhĩ Đồ.
Hiển nhiên, sự cách biệt thân phận giữa họ quá lớn, chắc chắn không thể đến với nhau.
Khi công chúa biết vua cha sẽ gả mình đi Mông Cổ, dù trong lòng trăm bề không muốn, nhưng nàng hiểu rõ sinh ra trong gia đình hoàng thất, chuyện hôn nhân đại sự mấy ai được tự mình quyết định.
Đoan Tĩnh công chúa không còn cách nào khác, đành chấp nhận chiếu chỉ, nhưng có đưa ra một lời thỉnh cầu với Khang Hi: Để Ngạch Nhĩ Đồ hộ tống tới Mông Cổ hầu hạ công chúa.
Con gái vì triều đình mà gả tới Mông Cổ xa xôi, trong lòng Khang Hi ít nhiều cũng thấy mất mát, không nỡ lòng, bèn đồng ý thỉnh cầu của công chúa.
Nhìn dung mạo xinh đẹp của công chúa, Cát Nhĩ Tang vô cùng yêu mến, phục tùng răm rắp, chăm sóc từng li từng tí.
Dần dần, công chúa cũng nảy nở tình cảm với Cát Nhĩ Tang, hạ sinh một trai, một gái. Hơn nữa, bên cạnh công chúa còn còn Ngạch Nhĩ Đồ kề cận, nỗi nhớ cha mẹ và kinh thành cũng nhờ đó mà vơi dần, ngày tháng cứ thế trôi qua êm đẹp.
BI KỊCH ẬP ĐẾN
Nhưng không biết từ đâu những lời đồn thổi về mối quan hệ giữa công chúa và Ngạch Nhĩ Đồ lan truyền trên vùng thảo nguyên. Cát Nhĩ Tang bên ngoài tuy thô lỗ, cục cằn nhưng lại hết lòng yêu thương công chúa, vì thế vị phò mã hết sức cẩn trọng suy xét chuyện lần này.
Một lần, Cát Nhĩ Tang giả bộ đi xa, sau đó đột nhiên quay về giữa đường, không ngờ chứng kiến cảnh tượng công chúa và Ngạch Nhĩ Đồ ngả vào nhau bên chén rượu tâm tình.
Cát Nhĩ Tang giấu không nổi cơn giận dữ dồn nén, hùng hục lao tới, một nhát dao đâm chết Ngạch Nhĩ Đồ.
Công chúa chạy tới ngăn liền bị chồng đạp vào ngực. Công chúa vốn được "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa", cơ thể yếu ớt không chịu nổi cú đánh trời giáng của chồng, thổ huyết qua đời ngay tại chỗ.
Cát Nhĩ Tang cũng lặng người ngay sau hành động của mình. Khang Hi biết tin cô con gái yêu qua đời, vô cùng sốc, đau khổ, tức tốc phái người điều tra chân tướng vụ việc.
Cuối cùng, Cát Nhĩ Tang bị tước bỏ chức vị, định tội và bắt giam, trở thành người duy nhất trong số 9 người con rể của Khang Hi chết trong ngục sau khi bị kết tội, người trong gia tộc đều bị liên lụy.