Sáng 2/12, sau nửa tháng tạm hoãn, TAND Cấp cao tại TP HCM tiếp tục mở lại phiên tòa phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đây là lần thứ tư phiên tòa được mở, HĐXX quyết định xử kín.
Bà Thảo là nguyên đơn, có hai người đại diện là ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và Hoàng Anh Tuấn; 5 luật sư bảo vệ là Lê Thành Kính, Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Thị Hồng Trang, Phạm Công Hùng và Lê Thị Kim Liên.
Đại diện cho bị đơn là bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và luật sư Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông là các luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Minh Tâm.
7h15, ông Vũ được luật sư Trương Thị Hoà đón tại cổng và nhanh chóng di chuyển lên phòng xử án. Khoảng 15 phút sau, bà Thảo thần sắc tươi tỉnh có mặt tại tòa cùng trợ lý và nhanh chóng di chuyển lên phòng xử án.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa.
Trước giờ bắt đầu phiên xử, các luật sư của bà Thảo đã gửi đơn, đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM thay đổi thành phần Hội đồng xét xử. Theo bà Thảo, Hội đồng xét xử gồm 3 người thì có 2 thẩm phán từng giải quyết các vụ việc liên quan đến bà, và đều không chấp nhận kháng cáo của bà.
Vì thế, nguyên đơn đề nghị được thay đổi 2 thành viên trong Hội đồng xét xử này là thẩm phán Phan Đức Phương và Nguyễn Hữu Ba (chủ toạ), phân công thẩm phán khác tiến hành tố tụng. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Ba được phân công là chủ tọa phiên phúc thẩm ly hôn.
Sau đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX cân nhắc. Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng yêu cầu của nguyên đơn không có căn cứ nên không chấp nhận. Khoảng 9h, bản án bắt đầu được công bố.
Hồi cuối tháng 3, TAND TP HCM tuyên cho bà Thảo li hôn ông Vũ, ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm.
Đối với tài sản còn lại, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu.
Bà Thảo không chấp nhận, cho rằng tòa "thiên vị ông Vũ", kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, xin được đoàn tụ với chồng. Phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỉ lệ ông 70%, bà Thảo 30%. VKS cũng có kháng nghị chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến tòa.
Sau 3 lần liên tiếp vắng mặt tại phiên phúc thẩm, bà đề nghị được xử kín rồi chuyển sang yêu cầu xử công khai. Còn ông Vũ đề nghị tòa xử kín, với lí do để đảm bảo bí mật kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến tâm lí các con.
Bên cạnh đó, bà Thảo còn có gửi đơn tố giác đến Cơ quan điều tra - VKSND Tối cao, tố thẩm phán Nguyễn Văn Xuân (chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án do cơ quan này thụ lí số 499/2015/TLST-HNGĐ ngày 17/11/2015.
Cụ thể, bà Thảo chỉ ra thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã "tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên tại công ty Trung Nguyên International Ptd Ltd (Singapore) ra khỏi vụ án li hôn, thành một vụ án khác", dù trước đó Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đề nghị đưa công ty vào khối tài sản chung, để phân chia trong vụ án li hôn.
Hôm 18/11, Hội đồng xét xử đã phải vào tận bệnh viện để xem xét tình trạng sức khỏe của bà Thảo, vì nguyên đơn vắng mặt với lí do nhập viện.
Qua xác minh, sức khỏe của bà vẫn có thể tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định phiên ly hôn kéo dài nhiều ngày, nên quyết định tạm hoãn để bà Thảo có thời gian ổn định sức khỏe.
Bà Thảo và ông Vũ kết hôn hơn 20 năm trước, có 4 con chung. Cả hai cùng xây dựng và phát triển Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu cà phê Việt được biết đến trên toàn cầu. Tuy nhiên sau thời gian dài xảy ra nhiều mâu thuẫn, năm 2015 bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, hồi cuối tháng 3, TAND TP HCM tuyên cho bà Thảo ly hôn ông Vũ, ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về việc chia bất động sản, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm.
Đối với tài sản còn lại, tòa tuyên ông Vũ được sở hữu 60%, bà Thảo 40%. Ông Vũ được nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu. Theo tòa xét công sức đóng góp, ông Vũ có công lớn hơn và việc hai người cùng điều hành công ty dễ dẫn đến xung đột nên bà Thảo phải rời công ty.
Bà Thảo không chấp nhận, cho rằng tòa "quá bất công" với mẹ con bà nên kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm, rút đơn ly hôn và xin được đoàn tụ với chồng. Phía ông Vũ cũng kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm chia phần tài sản chưa thỏa thuận được theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%.
VKS cũng có kháng nghị dài 16 trang chỉ ra nhiều vi phạm của tòa sơ thẩm đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án.