Ngồi trên giường bệnh khoa Ngoại Tiết niệu, BV Thống Nhất, chú Trần Đức (70 tuổi) vui mừng cho biết sau 6 ngày phẫu thuật, ông Trần A (98 tuổi, cha chú Đức) đã hoàn toàn khỏe mạnh và được bác sĩ cho xuất viện.
Theo chú Đức, ông A phát hiện bệnh u tuyến tiền liệt trong khoảng 1 năm nay nhưng triệu chứng nhẹ. Đến khi ông A không đi tiểu được, nôn ói, bàng quang phình to gia đình mới đưa ông vào bệnh viện để cấp cứu.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, nhận thấy đây là một ca bệnh lớn tuổi, có bệnh lý nền tiểu đường và có biểu hiện của thiếu máu cơ tim, BS.CK2 Nguyễn Bá Hiệp – Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BV Thống Nhất quyết định tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp laser, bóc toàn bộ khối u, sau đó dùng máy xay hút ra ngoài.
Theo BS. Hiệp, phương pháp này có nhiều ưu thế, sau khi mổ xong bệnh nhân sẽ không bị hội chứng nội soi. Với cơ địa của ông A đã 98 tuổi, khi phẫu thuật xong ông không bị mệt, ngày thứ 2 đã có thể rút ống thông tiểu và sinh hoạt bình thường.
"Nếu như ở phương pháp cắt rốn nội soi với bệnh nhân 98 tuổi thì sức khỏe không cho phép, mà nếu không làm được thì hệ lụy là bệnh nhân đi tiểu qua đường bụng, phải mở bàng quang qua da và đi tiểu qua đường bụng suốt đời. Điều này khiến bệnh nhân mặc cảm và phải cần thêm một người ở bên để chăm sóc", BS.CK2 Nguyễn Bá Hiệp nói.
BS. Hiệp cũng cho biết phương pháp phẫu thuật u tuyến tiền liệt bằng laser hiện đã được thực hiện cho khoảng 1.600 bệnh nhân trên toàn quốc. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền, việc cân nhắc sử dụng phương pháp phẫu thuật rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Với căn bệnh u tuyến tiền liệt, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BV Thống Nhất cho biết đây là căn bệnh thường xuất hiện ở bệnh nhân nam trên 60 tuổi, liên quan đến nội tiết tố nam. Triệu chứng của bệnh điển hình là việc đi tiểu đêm rất nhiều, từ 5-7 lần/đêm. Mỗi khi đi tiểu, bệnh nhân phải rặn và khởi động, sau khi tiểu xong có cảm giác còn nước tiểu. Nếu không tiến hành điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn sẽ gây bí tiểu, tiểu khó.
Mặc dù đây là căn bệnh không gây ảnh hưởng lập tức đến tính mạng nhưng sẽ bào mòn sức khỏe của người bệnh. Việc đi tiểu nhiều lần khiến người bệnh mất ngủ, tiểu rặn nhiều có thể gây trĩ, yếu thành bụng ở người lớn tuổi, thậm chí là suy thận.