Kinh doanh tạo tác động
Từ "tác động" có thể mang lại những ý nghĩa khác nhau với từng người. Riêng tại Unilever, tuyên ngôn tác động mà doanh nghiệp đang theo đuổi chính là "mang cuộc sống bền vững trở nên phổ biến".
"Lý tưởng của chúng tôi là mang phát triển bền vững đến từng nhà, từng ngõ ngách. Điều này nằm trong DNA của doanh nghiệp. Bởi phát triển bền vững không chỉ xuất hiện tại Unilever, mà cả một đất nước và xã hội phải phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Unilever đã có cơ hội đồng hành và phát triển cùng đất nước ở cả khía cạnh kinh tế và xã hội thông qua sứ mệnh cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khỏe và vẻ đẹp cho hàng triệu người dân Việt Nam với những sản phẩm từ các nhãn hàng, đồng thời tạo ra nhiều tác động tích cực hơn cho môi trường, cũng như cải thiện đời sống, sinh kế cho người dân.
Phát triển bền vững chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Chủ tịch Unilever Việt Nam đã chia sẻ một ví dụ minh chứng cho điều này. Khi nhãn hàng Sunlight của Unilever thực hiện chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế", giúp chị em phụ nữ – đặc biệt ở vùng nông thôn – trang bị kiến thức làm kinh doanh và hỗ trợ vốn quay vòng để cải thiện sinh kế, điều này đồng nghĩa doanh nghiệp vừa góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, vừa giúp nhãn hàng được yêu mến bởi người tiêu dùng – đây chính là nền tảng của tăng trưởng kinh doanh.
"Nhân sự tài năng ngày nay cũng tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp ở những doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường", bà Bích Vân cho biết. Và đây cũng chính là đội ngũ thúc đẩy kinh doanh phát triển.
Tác động của bối cảnh "địa phương"
Về cơ bản, các chiến lược và hoạt động của Unilever tại Việt Nam được định hướng bởi chương trình phát triển bền vững chung trên toàn cầu với những mục tiêu cụ thể.
Để triển khai thành công tại từng quốc gia và khu vực, bản thân công ty cần phải am hiểu bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế, cũng như năng lực thực thi và cơ sở hạ tầng của nước sở tại. Các yếu tố này buộc doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp trong cách tiếp cận, phát triển phương thức triển khai cũng như cách tối ưu hiệu quả để thích ứng với tình hình thực tế. Nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để tập đoàn có cái nhìn đa chiều hơn về những mục tiêu phát triển bền vững ban đầu, từ đó có sự phối hợp và hỗ trợ cụ thể cho từng thị trường.
Điển hình như tại Việt Nam, thuật ngữ "cắt giảm khí nhà kính" vẫn còn khá trừu tượng với nhiều người. Vì vậy để cụ thể hóa điều này, tạo ví dụ điển hình cho các doanh nghiệp trong nước, Unilever đã trải qua quá trình nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện từ những điều cơ bản nhất trong chính hoạt động vận hành của công ty.
Doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối biomass và năng lượng mặt trời thay cho dầu diesel và nhiên liệu hóa thạch trong nhà máy, xây dựng công trình xanh với chứng chỉ năng lượng tái tạo IREC để giảm phát thải gián tiếp từ việc tiêu thụ điện.
Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững và vấn đề nguồn lực vẫn là hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi thực hiện tầm nhìn bền vững.
Hiểu được điều này, bên cạnh việc thúc đẩy những chiến lược, sáng kiến và cam kết của mình, Unilever luôn truyền cảm hứng và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức có cùng tầm nhìn để cùng chung tay lan tỏa các thông điệp cũng như tạo ra nhiều tác động sâu và rộng hơn.
Cụ thể, hơn 75% dấu vết carbon trong chuỗi cung ứng của Unilever Việt Nam đến từ nguyên vật liệu đầu vào và các hoạt động bên ngoài hàng rào của doanh nghiệp. Thế nên, Unilever đã thúc đẩy mở rộng phạm vi của cam kết cắt giảm khí nhà kính ra toàn bộ chuỗi giá trị thông qua hoạt động nâng cao nhận thức và hợp tác cùng các đối tác, nhà cung cấp để cùng phát triển và thực hiện các giải pháp giúp đưa phát thải khí carbon trong toàn chuỗi giá trị về "0" đến năm 2039.