Phát hiện mối quan hệ giữa số răng và tuổi thọ: Người nhiều hay ít răng sẽ sống thọ hơn?

Đinh Anh | 27-11-2023 - 23:00 PM

(Tổ Quốc) - Nhìn vào số răng đang có sẽ dễ dàng đoán được tuổi thọ của bạn.

Số tuổi gia tăng, việc bạn bị rụng răng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, Healthnews cho rằng tình trạng mất răng nghiêm trọng ảnh hưởng đến 2% dân số trên toàn cầu và nằm trong danh sách các yếu tố có ảnh hưởng đến tuổi thọ. Các chuyên gia tin rằng có mối liên hệ nhân quả - giữa số năm bạn sống và số răng đang có. 

Mối liên hệ giữa sức khoẻ răng miệng và tuổi thọ 

Sức khoẻ răng miệng tốt ngăn ngừa nhiều bệnh tật, liên quan trực tiếp đến việc bạn có khoẻ mạnh và sống lâu hay không. Theo Healthnews, những người sống từ 100 tuổi trở lên thường bị rụng rất ít răng trong suốt cuộc đời của mình. Điều này cho thấy sức khoẻ răng miệng phản ánh sức khoẻ tổng thể của con người. Bằng chứng khoa học cũng nhấn mạnh rằng những người có hơn 20 chiếc răng khoẻ mạnh có tỷ lệ tử vong thấp hơn 2,5% so với người chỉ có 19 chiếc.

Một cuộc khảo sát khác của Thụy Sĩ dựa trên dữ liệu từ 10.000 người trung niên và cao tuổi trên khắp thế giới cho thấy, tuổi thọ trung bình của những người có hàm răng khỏe mạnh dài hơn 11,7 năm so với tuổi thọ của những người bị mất răng.

Phát hiện mối quan hệ giữa số răng và tuổi thọ: Người nhiều hay ít răng sẽ sống thọ hơn?   - Ảnh 1.

Nhiều người nghĩ rằng con người thiếu một hai chiếc cũng không sao. Thế nhưng trên thực tế, sau khi một chiếc răng bị rụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cơ thể, làm trầm trọng thêm một số tình trạng bệnh lý. 

Suy dinh dưỡng: Mất răng làm suy yếu chức năng nhai và khả năng phân huỷ các mảng thức ăn, ảnh hưởng đến tiêu hoá và dẫn đến sụt cân. Vì thế, người trưởng thành mà có ít hơn 20 chiếc răng dễ bị suy dinh dưỡng, mắc các vấn đề về tâm lý sớm.  

Thiếu tự tin: Rụng răng sớm đặc biệt là răng cửa có thể làm giảm mức độ tự tin và ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội của một người.

Mắc nhiều bệnh: Những người bị mất từ 5 chiếc răng trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy những người bị mất hết răng trước 65 tuổi có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 lần. Rụng răng đột ngột, nhanh chóng cũng là dấu hiệu của ung thư miệng. Các nghiên cứu xác nhận tình trạng mất răng nhiều hơn có liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. 

Theo Healthnews, việc bị rụng răng hiếm khi là nguyên nhân duy nhất khiến tuổi thọ của bạn bị rút ngắn. Tuy nhiên, việc giữ được hàm răng khoẻ mạnh cho thấy sức khoẻ tổng thể tốt - đảm bảo gia tăng tuổi thọ. Người trưởng thành có 32 chiếc răng, bao gồm cả 4 răng khôn. Mỗi chiếc răng khỏe mạnh mà bạn có ở tuổi 70 sẽ tăng tỷ lệ sống sau 5 năm thêm 4%. 

Phát hiện mối quan hệ giữa số răng và tuổi thọ: Người nhiều hay ít răng sẽ sống thọ hơn?   - Ảnh 2.

Vệ sinh răng miệng tốt để sống thọ 

Bạn có thể bị rụng răng do sâu răng, nhiễm trùng nướu nghiêm trọng hay viêm nha chu. Các bệnh gồm cao huyết áp, tiểu đường… cũng khiến bạn bị rụng răng sớm hơn. Bệnh viêm nha chu và bệnh tiểu đường có liên quan qua lại mật thiết với nhau. Bệnh tiểu đường không chỉ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu mà ngược lại, bệnh viêm nha chu có thể phá vỡ việc kiểm soát lượng đường trong máu và làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường.

Việc thường xuyên ăn thức ăn, đồ uống cứng và có tính axit trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ rụng răng. Thức ăn quá cứng sẽ làm tăng độ ma sát và mòn răng, thức ăn có tính axit cũng là nguyên nhân gây sâu răng. 

Ngoài ra, việc rụng răng cũng có thể đến từ những căng thẳng trong đời sống xã hội, tâm lý và thể chất. Căng thẳng gây viêm làm hỏng các mô mềm xung quanh răng và dẫn đến mất răng.

Vì thế, vệ sinh răng miệng tốt là một trong những chìa khoá để sống thọ. Nghiên cứu cho thấy những người thường xuyên đánh răng, đến nha sĩ giảm 46% nguy cơ tử vong so với những người không làm như vậy. Hiệp hội Nha khoa Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải chăm sóc răng miệng để hạn chế các bệnh răng miệng đồng thời kiểm soát các tình trạng liên quan. Các nha sĩ khuyên bạn nên khám sức khỏe định kỳ, khám nha sĩ sáu tháng một lần và vệ sinh răng miệng tốt. 

Theo Healthnews

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM