Kết quả nghiên cứu mới
Kích thước vòng bụng lớn không chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải cắt giảm lượng calo và tập thể dục nhiều hơn để giảm mỡ thừa mà còn là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch, theo một nghiên cứu mới từ Anh.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, Anh, đã phân tích dữ liệu của 430.000 người từ 40 đến 70 tuổi trong vòng 13 năm. Kết quả cho thấy kích thước vòng bụng lớn có liên quan đến nguy cơ mắc các biến cố tim mạch (chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc rối loạn nhịp tim) cao hơn.
Theo đó, vòng bụng cứ tăng thêm 1 inch (2,54cm) thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 11%.
Kết quả cũng cho thấy trong số những người tham gia nghiên cứu, những người có vòng bụng lớn có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch cao gấp 3,21 lần so với những người có vòng bụng nhỏ. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn có khả năng gặp các biến cố tim mạch cao hơn 2,65 lần so với những người có chỉ số BMI ở mức bình thường. Cụ thể, chỉ số BMI cứ tăng thêm 1 đơn vị so với chỉ số BMI thông thường thì nguy cơ mắc suy tim tăng 9%.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Ayodipupo Oguntade, khuyến cáo rằng mọi người nên đo chỉ số BMI của bản thân hàng năm để theo dõi tình trạng sức khoẻ và đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Tiến sĩ nói: “Lượng mỡ thừa trong cơ thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.
Tiến sĩ cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy rằng lượng mỡ dư thừa tích tụ xung quanh vùng bụng có thể gây viêm nhiễm, làm ảnh hưởng đến các mạch máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch”.
Thừa cân hoặc béo phì được xác định là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong khi đó, các bệnh lý tim mạch và hệ tuần hoàn lại là nguyên nhân gây ra 1/4 tổng số ca tử vong ở Anh và cướp đi sinh mạng nhiều người.
Nguyên tắc giúp giảm mỡ thừa, bảo vệ tim mạch
Để ngăn ngừa mỡ thừa tích tụ và bảo vệ tim mạch, mọi người nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất, cụ thể:
1. Ít chất béo “xấu”, nhiều chất béo “tốt”
Chất béo là một trong những chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế ăn các thực phẩm nhiều chất béo bão hoà như thực phẩm chiên rán, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ. Thường xuyên ăn các loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và các bệnh mạn tính khác.
Thay vào đó, hãy bổ sung các chất béo lành mạnh bao gồm chất béo không bão hoà. Một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên PubMed (nền tảng dữ liệu về các nghiên cứu y khoa) cho thấy việc bổ sung các thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như cá, các loại hạt, quả bơ,... trong chế độ ăn uống có thể giảm mức cholesterol "xấu" LDL trong cơ thể, từ đó giúp giảm nguy cơ béo phì và bảo vệ sức khoẻ tim mạch.
2. Ăn ít thực phẩm chế biến sẵn
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói,... có liên quan đến nguy cơ béo phì cao hơn. Nhiều thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo, muối và đường, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ tổng thể nếu tiêu thụ thường xuyên.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện thấy việc tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường, chẳng hạn như bánh ngọt, kẹo, các loại đồ uống thêm đường, là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và tiểu đường.
3. Ăn nhiều rau và trái cây
Một người trưởng thành được khuyến nghị nên ăn 5 - 9 khẩu phần (400 - 700 gram) trái cây và rau củ mỗi ngày để bổ sung chất xơ cho cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chất xơ trong các loại rau củ quả giúp thúc đẩy cảm giác no, từ đó giúp giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể, giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì.
4. Tăng cường hoạt động thể chất
Chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất luôn đi đôi với nhau trong việc giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.
Tập thể dục, ngay cả với cường độ vừa phải, cũng có thể giúp bạn duy trì cân nặng ở mức khoẻ mạnh hoặc giúp giảm cân nếu bạn đang trong tình trạng thừa cân, béo phì. Các hoạt động thể chất với cường độ nhẹ như đi bộ, khiêu vũ hoặc các hoạt động thể chất với cường độ mạnh như chạy bộ, bơi lội và đạp xe đều có thể giúp tiêu hao năng lượng, đốt cháy lượng mỡ thừa và tăng khối lượng cơ trong cơ thể.
Hiện nay, các hướng dẫn về hoạt động thể chất của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị rằng mỗi tuần, một người trưởng thành nên dành ra 150 - 300 phút hoạt động thể chất với cường độ vừa phải hoặc 75 - 150 phút hoạt động thể chất với cường độ cao.
Nguồn: Daily Mail, Healthline