Xuống đường nhặt dây thun chơi rồi lạc giữa nơi xa lạ
Chị Quan Thị Hồng Loan (SN 1972) đã từng có những tháng ngày tươi đẹp bên ông bà, cha mẹ, các em và những người họ hàng ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Thế nhưng có ai ngờ đâu, cuộc đời của chị đã ngoặt một bước dài khi lạc nhà vào tháng 2/1981.
Năm ấy, chị Loan mới là một cô bé 9 tuổi, theo cha từ Sóc Trăng lên quận 10, TP.HCM để dự đám tang của một người họ hàng. Vào ngày định mệnh, cha của chị Loan đi đưa tang, còn chị ra đường nhặt dây thun về chơi. Thế rồi những bước chân của đứa trẻ không kiểm soát được, chị Loan đi lạc, không tìm thấy đường về.
Xa vòng tay mẹ cha là bi kịch. Chị Loan được một chú công an đưa về nhà, cho ăn uống, tắm rửa rồi đưa trở lại đồn công an để làm thủ tục thông báo tìm người thân. Song vì cảm thấy lạ lẫm, chị đã bỏ trốn khỏi đồn, đi tận xuống khu vực chợ Hàng Xanh. Ở đây, chị Loan được một người bán bắp dạo nhận nuôi, đưa về nhà sinh sống. Ở được không lâu, cháu của người bán bắp dạo tự tử trước nhà khiến chị Loan sợ hãi. Chị lại bỏ đi, ra khu vực chợ Bà Chiểu, ngày ngày đi xin, nhặt nhạnh thức ăn thừa chống đói. Chị Loan còn được một người bán cơm khác nhận nuôi, nhưng được một thời gian, cô bé lại bỏ chạy khi ba nuôi qua đời.
Những năm tháng ấy, chị Loan bị ám ảnh bởi đám tang – bối cảnh gần nhất trước khi đi lạc, và cả những ngày sống trong đói khát.
Cùng năm 1981, chị Loan được một người tên là dì Út Chơn, bán sinh tố ở chợ Bà Chiểu đưa về quê ở Bến Cát, Bình Dương trông em. Những năm tháng sống cùng gia đình cha nuôi, chị Loan được đùm bọc, có cơm ăn chỗ ngủ dù cuộc sống vất vả, với chị như vậy là vui rồi.
Nhận nhầm cha mẹ
Năm 1994, chị Loan xuống Mỹ Tho bán quán cơm cho con của một người dì nuôi ở cổng trường Đại học Bến Tre. Sinh viên, cán bộ trong trường biết câu chuyện của chị Loan nên đã lân la hỏi thăm giúp chị. Họ tìm được gia đình ông Hai Nam ở Mỏ Cày, Bến Tre. Ông có 11 người con trông đều rất giống chị Loan. Thế nhưng gia đình ông Hai Nam không có người con nào đi lạc nên ông không nhận chị.
Vài năm sau, chị Loan lại tìm đến nhà ông Hai Nam lần nữa nhưng ông vẫn không nhận. Đến tận năm 2013, chị vẫn kiên trì xuống gặp thì ông mới nhận. Vì thiếu thốn tình cảm nên khi được nhận, chị Loan rất vui mừng. Sau này, chị đi đi về về giữa Bình Dương – Bến Tre để thăm gia đình. Chị cũng mang hết tiền tiết kiệm về để chủ động góp sửa nhà, rồi mua con bò về nuôi. Chị đưa mấy người em trong nhà lên Bến Cát giúp xin việc làm. Chị đón người em thứ 10 là chị Nghi về ở cùng, giới thiệu vào làm trong Thị ủy Bến Cát, nuôi em học bổ túc trường Luật.
Gần 10 năm sống chung, khi chị Nghi mới lấy chồng, ra ở riêng, thì chị Loan quyết định gửi thư nhờ "Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm gia đình ruột cho mình. Bởi ngần ấy năm, chị đã nhận ra và thực sự chấp nhận gia đình ông Hai Nam không phải ruột thịt của chị. Mỗi lần về bên ấy, chị không cảm thấy có sự gần gũi, gắn kết, một tiếng gọi ba, gọi má với chị thốt ra cũng rất khó.
Sau này ông Hai Nam cũng nói là mọi người xung quanh ai cũng nói chị giống các con của ông nên ông nhận đại để chị có gia đình. Chị cũng không trách ông bởi bản thân chị là người đi tìm, còn chủ động xuống nhà người ta mấy lần.
Cuộc đoàn tụ với ruột thịt sau 41 năm
Năm 1997, nhờ đức tính hiền lành, hòa nhã, chịu thương, chịu khó, nhiệt tình, chị Loan được mọi người xung quanh yêu quý, giới thiệu vào làm tạp vụ ở Thị ủy Bến Cát. Giờ đây, chị là cán bộ tạp vụ. Cách đây 8 năm, chị dành dụm mua được mảnh đất phía sau nơi làm việc. Rồi Liên đoàn lao động tỉnh và chị em bạn bè hỗ trợ chị để xây được ngôi nhà. Chị không kết hôn, chỉ làm bạn với một chú chó đã 6 năm. Chị Loan cũng từng yêu, nhưng vì bị gia đình bạn trai phản đối do chị không có lai lịch rõ ràng nên chị bỏ cuộc. Từ đó, chị không mở lòng với ai vì không muốn chịu thêm những tổn thương.
Còn sức thì còn làm, chị Loan dự định sau này già sẽ vào viện dưỡng lão. Nói về mong mỏi tìm lại người thân ruột thịt của mình, người phụ nữ ngoài 50 tuổi xúc động: "Ước nguyện của tôi là tìm lại cha mẹ và mấy đứa em, để tôi biết cội nguồn của mình, chứ tôi không phải đứa trẻ mồ côi. Trong thâm tâm tôi luôn hướng về gia đình, đó là điều tôi thiếu thốn nhất. Bao năm nay tôi rất day dứt, vì tôi ham chơi nên đi lạc, để dẫn đến việc ba mẹ mất tôi, còn tôi mất ba mẹ và hai đứa em bao nhiêu năm qua ".
Trong trí nhớ của chị Loan, mẹ thường hay dùng cây nọc để cấy lúa, ba vác lúa đặt lên ghe. Chị từng nhìn thấy đồng xu in hình bông lúa, gần nhà có một ngôi chùa màu vàng trang trí nhiều hoa văn ngoài cổng,… Những chi tiết dù rất nhỏ nhưng đã giúp cho đội tìm kiếm của "Như chưa hề có cuộc chia ly" khoanh vùng, cũng như xác định được thời điểm chị Loan đi lạc.
Quay trở lại hơn 40 năm về trước, sau khi chị Loan đi lạc, ông Quan Văn Học trở về quê nhà, ngồi thụp xuống khóc vì để mất con. Sau mấy tháng đi tìm con trên thành phố không được, ông trở về Sóc Trăng và không muốn nhắc đến con gái nữa. Ông uống rượu nhiều và cục cằn hơn. Bà Quít hay tin con đi lạc thì như người mất hồn, không còn chút bình tĩnh nào. Bà cũng nhiều lần lên TP.HCM tìm con, thấy đám trẻ con nào cũng lao tới xem có phải con mình hay không.
Chị Loan gặp lại mẹ và hai em sau 41 năm lạc nhà.
Năm 1986, vì không chịu nổi những trận đòn của chồng, bà Quít đã bỏ lên Cần Thơ làm mướn. Hai con gái là Hồng Trúc và Hồng Hòa, bà gửi nhờ mẹ chồng nuôi giúp. Không lâu sau ông Học cũng xuống Cà Mau mưu sinh. Ông gửi chị Trúc và chị Hòa lên Cần Thơ cho bà Quít nuôi.
Sau này, ông Học tái hôn nhưng không có thêm con. Bà Quít cũng đi bước nữa và có một người con trai. Bà dần lấy lại sự tỉnh táo và ít nhiều niềm vui trong cuộc sống mới.
Chị Hồng Hòa không kết hôn mà ở cạnh chăm sóc ba. Chị thương ba vì những nỗi niềm mà ông không thể chia sẻ cùng ai. Cuối đời, ông Học tu tại gia và ăn chay trường. Năm 2021, giữa mùa covid, ông Học qua đời.
Mới đây, tháng 9/2022, chị Loan đã được gặp lại mẹ và hai em gái. Người con gái thất lạc khóc nức nở khi biết những gì đã xảy ra với gia đình mình sau ngày chia cách.
Trong tiếng khóc nức nở của tình thân đoàn tụ, chị Hòa ghé tai nói với chị gái: "Bây giờ em không dám hứa là em sẽ bù đắp cho chị. Em sẽ thay thế ba để em yêu thương chị. Cho nên chị đừng buồn nữa, chị bỏ hết những nỗi sợ hãi trong quá khứ đi, sống vui vẻ nha chị. Giờ chúng ta đã về với mẹ rồi. Yêu thương vẫn mãi mãi là yêu thương".
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly