Tiếp tục truyền tải nội dung tố cáo từ 51 nhà đầu tư uỷ thác bị thiệt hại gần 53 tỷ đồng khi ủy thác đầu tư chứng khoán phái sinh cho ông Phan Hoàng Nam - Giám đốc (đồng thời là người đại diện theo pháp luật) Công ty TNHH Nobel Global thời gian gần đây: Vào tháng 9/2018, thông qua lớp học tập về đầu tư chứng khoán, ông Nam liên tục mời gọi nhà đầu tư tham gia hội đầu tư chứng khoán phái sinh với tên gọi "Phái sinh hội".
Nhóm nhà đầu tư cho hay, lúc bấy giờ ông Nam trên danh nghĩa là Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global: ngành nghề chính là hoạt động tư vấn quản lý đầu tư, tư vấn du học - trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật đứng ra tổ chức khoá học về chứng khoán với mức học phí 22 triệu đồng/khoá.
Sau khi tham gia "Phái sinh hội", thành viên sẽ ủy thác tiền cho ông Nam đầu tư chứng khoán phái sinh. Trong đó, theo hợp đồng ủy thác, nhà đầu tư sẽ nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của ông Nam.
Mặc dù khi sự việc đáng tiếc xảy ra, "Phái sinh hội" được biết đến là nơi đưa nhóm nhà đầu tư đến nguy cơ mất trắng 53 tỷ đồng trên số uỷ thác gần 72 tỷ cho ông Nam đánh phái sinh. Nhưng, "Phái sinh hội" theo tài liệu nhà đầu tư cung cấp cũng có những kỷ cương, quy định hẳn hoi!
Muốn tham gia Phái sinh hội phải tham gia khoá học chuyên sâu, tương tác thường xuyên, có đồng đội…
Trong đó, muốn được tham gia hội nhà đầu tư phải có tiền để học khoá học, thậm chí đăng ký cả khoá học chuyên sâu; đồng thời có tiền để uỷ thác đầu tư cho nhóm do ông Nam quản lý.
Ngoài ra, thành viên hội phải giới thiệu đồng đội, tham gia các buổi offline, đóng góp tương tác trên các group… Nếu vi phạm mức phạt cao nhất có thể phải hạ bậc hợp đồng phái sinh, dưới bậc còn bị hạ 30% hợp đồng hiện tại.
Chi tiết về kỷ cương "Phái sinh hội":
Thứ nhất, nhà đầu tư muốn tham gia phải có các cựu thành viên của khoá học (do Nam tổ chức) trước bảo lãnh. Trong đó, đồng đội được chia làm K1,2,3 bảo lãnh cho người tham gia mới. Đáng chú ý, nhà đầu tư muốn tham gia đồng thời phải mở tài khoản do Nam Phan team quản lý;
Thứ hai, trong khoảng 1 – 1,5 năm, thành viên mới phải tham gia khóa học đầu tư;
Thứ ba, nhà đầu tư còn phải đăng ký tham gia khóa học chuyên sâu;
Thứ tư, quy định thành viên phải tương tác thường xuyên trên các group chat (tối thiểu mỗi ngày đều phải có mặt trên group một lần);
Thứ năm, nhà đầu tư phải vẽ đồ thị đưa lên group thường xuyên (tối thiếu 1 tháng/1 cơ hội đầu tư);
Thậm chí, thành viên phải tuân thủ tham gia offline đầy đủ (tùy trường hợp, có nhắn tin báo vắng mặt).
Tăng vốn góp cũng phải theo quy định, sai phạm có thể bị hạ đến 30% hợp đồng
Mặt khác, thành viên muốn tăng vốn góp vào "Phái sinh hội", tăng lượng hợp đồng ủy thác phái sinh cũng phải tuân theo quy định. Theo cơ chế, nếu thành viên tuân thủ tốt các quy định thì sẽ được nâng số lượng hợp đồng phái sinh tham gia vào kỳ đánh giá lại danh mục trong ngày 6 tháng 3, 6, 9, 12 cho đến khi có thông báo mới. Còn vi phạm quy định liên tiếp 3 lần thì hạ 1 bậc số lượng hợp đồng phái sinh được quyền góp vốn.
Được biết, cơ chế theo dõi kỷ cương và phạt của "Phái sinh hội" cũng rất nghiêm ngặt, bao gồm:
Tháng thứ 1, xét có vi phạm, sẽ nhắc nhở lần 1;
Tháng thứ 2, tái phạm sẽ nhắc nhở lần 2 và nêu tên trong các buổi sinh hoạt
Tháng thứ 3 nếu thành viên không cải thiện sẽ bị hạ 1 bậc số lượng hợp đồng phái sinh. Nếu ít hơn bậc thì hạ 30% hợp đồng hiện tại.
Từ slide giới thiệu Phái sinh hội.
Hội cũng thiết lập chính sách vốn OPM (Other People Money) với 5 điều khoản:
(i) Ưu tiên vốn nội bộ (là những thành viên tham gia khóa học và trong nhóm Phái sinh hội); với những người tham gia trễ đợt trước đó cũng sẽ được ưu tiên tham gia đợt tiếp theo;
(ii) Lợi nhuận vốn ngoại (vốn ngoại là người quen của thành viên trong nhóm nhưng chưa tham gia khóa học nhưng muốn góp vốn) là 2%/tháng;
(iii) Đồng đội được hưởng lãi chênh lệch (sau khi trừ phí quản lý);
(iv) Vốn OPM phải đủ 4.000 hợp đồng.
Không chỉ vậy, ông Nam còn làm thêm chương trình NPG Challenges với mục đích triển khai OPM và kết nạp thành viên tiềm năng. Mặc dù không nhất thiết tham gia, tuy nhiên NPG Challenges đưa ra những giá trị khá 'hấp dẫn' như:
(1) Làm rõ số tiền kiếm được bằng OPM hàng tháng/6 tháng/1 năm: 2% vốn ngoại, lợi nhuận còn lại của đồng đội sau khi trừ đi phí quản lý;
(2) Thành viên tiềm năng phải xuất hiện và trong vòng 1 năm phải học (chi phí HP 33 triệu đồng, cộng với 10 triệu thù lao của K1,2,3) để thành đồng đội. Lúc này khi có được thành viên tiềm năng, người tham gia NPG Challenges sẽ nhận được lợi nhuận 70% lãi gốc (chưa tính phí quản lý), 18% cho sales trực tiếp và 12% phí quản lý;
(3) Nếu chưa học được, phải có lý do và gia hạn thêm tối đa 6 tháng nữa, bằng không sẽ bị đào thải và hoàn trả vốn;
(4) Triển khai trong 1 tháng, ai nhanh sẽ được, sau đó tính tiếp khi lãi tốt;
(5) Rút vốn 2 tháng liên tục trên 20%, giảm 20% số hợp đồng hiện có, 2 tháng lần nữa giảm 50% hiện có.
Thực tế, ông Nam đã không tuân thủ đúng mục đích ban đầu: 18% chơi phái sinh (tuy nhiên không thông báo lỗ cho nhà đầu tư biết mà cố tình che giấu, lấy tiền người tham gia sau đắp lên để trả lãi duy trì cho người tham gia trước); hơn 80% còn lại tự ý tham gia thị trường Forex mà không thông qua ý kiến nhà đầu tư uỷ thác.
Khi tài khoản phái sinh thua lỗ quá 20%, ông Nam cũng không ngừng giao dịch và thông báo cho các nhà đầu tư để đưa ra quyết định, dẫn đến tài khoản giao dịch phái sinh thua lỗ gần như toàn bộ số tiền nộp vào.
Đến tháng 12/2019 ông Nam thông báo toàn bộ số tiền đầu tư không còn, và khi nhóm nhà đầu tư yêu cầu ông Nam cung cấp các tài liệu liên quan đến tài khoản giao dịch thì phát hiện các vấn đề nêu trên.
Phải sau rất nhiều lần thảo luận, giải trình, báo cáo, ông Nam mới thừa nhận hành vi sai trái vì đã chiếm đoạt số tiền và nói: "Phải mất 99 năm mới hoàn trả hết nợ (gốc lãi)", nhóm nhà đầu tư cho hay.