P-8A Poseidon Mỹ mang tên lửa Harpoon thách thức Trung Quốc: Bình thường hay bất thường?

Anh Tú | 04-10-2020 - 07:09 AM

(Tổ Quốc) - P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ không xa lạ gì với Biển Đông khi mà đầu năm nay nó đã bay gần đảo Hải Nam, nơi đặt một trong những căn cứ quan trọng nhất của Hải quân Trung Quốc.

Máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ trang bị tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon được phát hiện thấy đã thực hiện một sứ mệnh từ Căn cứ Không quân Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản.

Một số thông tin cho biết máy bay có thể đã hoạt động ở phía Nam đảo Đài Loan và đây dường như là một tín hiệu mà Mỹ muốn gửi tới Quân đội Trung Quốc, lực lượng ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực.

Những bức ảnh về chiếc P-8A vũ trang, mang số hiệu 169337 và nhãn hiệu của Phi đội tuần thám Số 1 (VP-1), hoạt động từ Kadena đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 30/9/2020.

Hiện tại, AGM-84D là một trong hai lựa chọn vũ khí chính của P-8A, cùng với ngư lôi hạng nhẹ phóng từ trên không Mk 54 dành cho tác chiến chống ngầm. Poseidon trang bị Harpoon sẽ có khả năng thách thức các hoạt động di chuyển của hải quân đối phương, hoặc dưới dạng hỗ trợ các hoạt động tấn công hoặc để bảo vệ các lực lượng bạn bè.

P-8A Poseidon Mỹ mang tên lửa Harpoon thách thức Trung Quốc: Bất thường hay bình thường? - Ảnh 1.

Một chiếc F/A-18C của Thủy quân Lục chiến Mỹ trang bị tên lửa Harpoon tại căn cứ Iwakuni ở Japan ngày 28/4/2020. Ảnh: Drive

Chưa rõ chính xác địa điểm mà Poseidon mang tên lửa Harpoon đã bay qua. Ngày 30/9, SCS Probing Initiative - tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông, đăng tải một bài viết trên Twitter cho biết chiếc P-8A, sử dụng mã phát đáp AE67C2, đã bay qua Kênh Ba Sĩ ở phía Nam Đài Loan.

Tuy vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi P-8A mang tên lửa Harpoon bay đến khu vực này. Trải dài từ cực Nam của Đài Loan đến cực bắc của đảo Luzon ở Philippines, Kênh Ba Sĩ là eo biển chiến lược quan trọng liên kết Biển Philippines và Biển Đông, cho cả tàu quân sự và thương mại.

Khu vực này gần đây là tâm điểm hoạt động ngày càng tăng của các máy bay quân sự Mỹ, gồm cả máy bay tuần thám biển P-8A và P-3C Orion của Hải quân nước này. Các phương tiện thu thập thông tin tình báo của Không quân và Hải quân Mỹ cũng đã thực hiện các chuyến hành trình thường xuyên đến đó.

Những tháng gần đây, Kênh Ba Sĩ cũng là nơi diễn ra một số cuộc tập trận hải quân lớn của Trung Quốc với sự tham gia của cả tàu sân bay Sơn Đông.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của máy bay tuần thám biển Poseidon mang tên lửa Harpoon trong khu vực diễn ra sau khi Đài Loan cũng đã triển khai F-16A Viper trang bị tên lửa AGM-84 thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không vào tháng 8/2020.

P-8A Poseidon Mỹ mang tên lửa Harpoon thách thức Trung Quốc: Bất thường hay bình thường? - Ảnh 2.

Tên lửa AGM-84D Harpoon được đưa lên P-8A Poseidon tại Căn cứ KQ Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Drive

Đầu năm nay, những chiếc F/A-18C/D Hornet mang theo tên lửa Harpoon của Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện từ Căn cứ Không quân Thủy quân lục chiến (MCAS) Iwakuni trên đảo Honshu của Nhật Bản.

Vào thời điểm đó, hoạt động này cũng được coi là một màn phô diễn với các đối thủ tiềm tàng, chẳng hạn như Trung Quốc, về khả năng kiểm soát biển và chống tiếp cận của Quân đội Mỹ trong khu vực.

Tất nhiên, Poseidon Hải quân Mỹ cũng không xa lạ gì với Biển Đông khi mà đầu năm nay, một chiếc máy bay tuần thám dạng này đã bay gần đảo Hải Nam, nơi đặt một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của PLA.

Khi đó, P-8A đã mang theo hệ thống cảm biến trên không tiên tiến AN/APS-154 đầy bí mật. Các máy bay Poseidon tiêu chuẩn luôn có sẵn các khả năng tình báo, giám sát và trinh sát rất tốt.

Bất kể chiếc P-8A trang bị tên lửa Harpoon đã bay ở đâu trong cuộc xuất kích gần nhất này thì nó cũng đã cho thấy Quân đội Mỹ đang sở hữu một công cụ nữa phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ khu vực trước một đối thủ trên biển.

Mặc dù hiện tại AGM-84D là vũ khí chống hạm chính của Poseidon nhưng Mỹ đang có kế hoạch tăng cường kho vũ khí của nó trong tương lai, trong đó có việc bổ sung tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM).

Việc tích hợp LRASM, cũng như các biến thể Harpoon cải tiến và các loại vũ khí dự phòng khác đồng nghĩa với việc P-8 sẽ sẵn sàng đóng vai trò rộng lớn hơn trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở khu vực, chẳng hạn như sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công mục tiêu trên đất liền, cũng như trên biển.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM