“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch

Trương Thu Hường - TK: Hương Xuân | 18-03-2020 - 08:59 AM

(Tổ Quốc) - “Trong bối cảnh Chính phủ đang rất nỗ lực và kiểm soát khá tốt dịch bệnh thì tâm lý lo lắng của người tiêu dùng, sự sụt giảm mạnh về doanh thu của ngành hàng F&B hiện nay là điều không đáng”, ông Hoàng Quốc Khánh nói.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Vận hành Tập đoàn Golden Gate chia sẻ cùng PV xoay quanh việc một ông lớn đứng đầu ngành F&B Việt Nam vào hôm 12/3 đã phải tạm dừng hoạt động đồng loạt 12 cửa hàng (5 cửa hàng GoGi House và 7/22 cửa hàng Kichi Kichi tại Hà Nội) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 1.

Ông từng tiết lộ, từ sau Tết Nguyên đán, doanh thu của Golden Gate đã sụt giảm mạnh. Trong giai đoạn mới, khi Việt Nam có ca bệnh số 17, mức độ ảnh hưởng về doanh thu đã thay đổi như thế nào?

Hoàng Quốc Khánh: Từ sau Tết, khi dịch Covid-19 lan tới Việt Nam, Golden Gate đã bị ảnh hưởng, giảm khoảng 20-30% doanh thu. 

Tuy nhiên, sau nhiều ngày Việt Nam không có ca mắc mới, do Chính phủ và người dân cả nước chung tay ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả, thị trường F&B (Food and Beverage Service) đã bắt đầu có dấu hiệu ấm dần lên. Không may, đúng vào lúc này, Bộ Y tế công bố ca bệnh số 17 và sau đó là nhiều ca nhiễm mới khiến doanh thu của chúng tôi tiếp tục lao dốc, sụt giảm nghiêm trọng, ước tính mức lớn nhất lên tới 50%.

Mặc dù vậy, một vài ngày gần đây, khi tình hình dịch bệnh tại nước ta đã và đang tiếp tục được kiểm soát, tâm lý người dân đã dần ổn định hơn và số lượng khách quay lại cũng tăng lên. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với những nhà hàng ở ngoài trung tâm thương mại (TTTM). 

So với cùng kỳ năm 2019, quý đầu năm 2020, doanh nghiệp đã giảm doanh thu như thế nào?

Hoàng Quốc Khánh: Khoảng 40%. Tháng 2 và tháng 3 là hai tháng có nhiều ngày lễ nhưng lại vướng vào dịch bệnh. Nếu như không có dịch Covid-19, chỉ riêng doanh thu của chúng tôi vào những ngày lễ đã rất lớn. 

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 2.

Dịp mùng 8/3 vừa qua, lần đầu tiên ngành hàng F&B chứng kiến làn sóng mang tên “hủy bàn” từ khách hàng. Trước đó, sau nhiều ngày Việt Nam không có ca bệnh mới, thị trường F&B đang tăng trưởng trở lại thì bất ngờ, ngay trước ngày 8/3, Hà Nội lại xuất hiện ca bệnh mới. Đáng tiếc, đó lại là làn sóng chung trên cả thị trường trong bối cảnh, hầu hết các doanh nghiệp đều đã có kế hoạch chi tiết, chuẩn bị mọi thứ từ nguyên liệu đến nhân viên phục vụ…

Trước đó, sau khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nhiều cửa hàng đã có lượng khách giảm 20-30%, đối với Golden Gate thì sao?

Hoàng Quốc Khánh: Chúng tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều. Khác với nhiều hệ thống chuyên về quán nhậu, bị ảnh hưởng tới 70% doanh thu, mức ảnh hưởng của Golden Gate nhẹ hơn do phục vụ phân khúc khách hàng cao hơn và có nhiều thương hiệu ứng với nhiều nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau. 

Nếu như, nhiều chuỗi nhà hàng, trong bối cảnh vừa bị ảnh hưởng bởi NĐ 100/2019/NĐ-CP, vừa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì gần như đã đóng toàn bộ, Golden Gate vẫn còn khá vững vàng.

Vậy Golden Gate dự đoán gì về mức tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2020?

Hoàng Quốc Khánh: Khá khó để đưa ra con số dự đoán. Vấn đề trước mắt vẫn là phải vượt qua giai đoạn dịch bệnh này. Nếu mọi thứ thuận lợi, người tiêu dùng bớt lo sợ hơn, tốt nhất là có thể chấm dứt tình trạng này vào cuối tháng 3 thì may mắn, mọi thứ vẫn ổn. Tuy nhiên, hiện giờ, chưa có bằng chứng nào cho thấy kịch bản đó sẽ xảy ra.

Nếu chẳng may tình hình xấu, dịch kéo dài thì càng không thể dự báo được mức tăng trưởng. Chúng tôi chỉ có thể chắc chắn rằng, mức tăng trưởng trong năm 2020 sẽ giảm xuống chứ không thể đạt con số kỳ vọng 25% như dự tính ban đầu.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 3.
“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 4.

Trong bối cảnh khó khăn kép như vậy, Golden Gate kỳ vọng gì vào thị trường F&B trong năm 2020?

Hoàng Quốc Khánh: Đứng ở góc độ trong ngành, chúng tôi kỳ vọng, thị trường Việt Nam sẽ lặp lại kịch bản của Trung Quốc. Tức là, ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không cách ly Vũ Hán nữa, người dân bắt đầu bung ra ngoài và đi mua sắm với tần suất gần như tăng gấp đôi so với bình thường.

Chúng tôi rất hy vọng, khi dịch được kiểm soát tốt thì kịch bản này sẽ xảy ra, giúp doanh thu có thể tăng mạnh để phần nào bù lại thiệt hại trong giai đoạn trước.

Đó là kịch bản tốt nhưng nếu dịch bệnh vẫn kéo dài từ 3 đến 6 tháng nữa thì ông dự đoán bức tranh ngành F&B Việt Nam và Golden Gate khi đó sẽ thế nào?

Hoàng Quốc Khánh: Trong 3-6 tháng nữa, Golden Gate vẫn sẽ ổn. Chúng tôi đã có nhiều giải pháp ứng phó. Chẳng hạn, từ hơn 1 tháng nay – ngay từ khi Việt Nam xuất hiện dịch Covid-19, Golden Gate đã tiên phong đẩy mạnh dịch vụ G-Delivery (giao hàng tới tận nhà) với tốc độ phát triển tăng 3 con số. Điều này cũng có thể phần nào bù đắp lại doanh thu.

Ngoài ra, công ty có nhiều hoạt động thiết thực hơn giúp khách hàng an toàn và an tâm. Vì vấn đề khiến chúng tôi lo lắng nhất hiện nay chính là tâm lý lo lắng của người tiêu dùng.

Trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt với tốc độ lây lan chậm và chưa có ca nào tử vong. Nhiều nhà hàng cũng đã làm rất tốt khâu phòng tránh dịch. Chẳng hạn như ở Golden Gate, toàn bộ cửa hàng đều trang bị nước tay cho khách hàng, nhân viên đeo khẩu trang trong suốt ca làm việc và cứ 15 phút phải rửa tay một lần. Đồng thời, tất cả công cụ, dụng cụ nhà hàng đều được tiệt trùng ở nhiệt độ cao, bàn ăn được sát khuẩn thường xuyên trước và sau khi sử dụng…

Sau khi WHO khuyến cáo mọi người nên duy trì khoảng cách khi tiếp xúc, cách xa chừng 2m thì Golden Gate cũng đã đảm bảo điều này. Bàn ghế ở cửa hàng được giãn cách hơn. Đối với những bàn cố định không thể giãn cách thì chúng tôi đã kê thêm bàn ở giữa để đảm bảo, mọi người luôn ngồi xa nhau.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 5.

Theo nhận định của cá nhân tôi lúc này, việc đến nhà hàng sử dụng dịch vụ thực sự không rủi ro như nhiều người nghĩ. Hiện tại, lượng khách đang đi lên chứ không phải đi ngang hoặc giảm xuống giống như cách đây khoảng 1 tuần. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng.

Đó là đối với Golden Gate còn trên thị trường F&B, những hệ thống chuỗi lớn có tiềm lực tài chính mạnh sẽ có thể trụ lại lâu hơn những doanh nghiệp nhỏ. Tất nhiên, doanh nghiệp lớn cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Nhưng mọi thứ vẫn có thể giải quyết nếu họ khéo léo trong việc chi tiêu đồng tiền và trong quan hệ với các đối tác. 

Chẳng hạn, doanh nghiệp F&B có thể đàm phán với tòa nhà để giãn thời gian thanh toán, nói chuyện với các nhà cung cấp… Trong giai đoạn khó khăn, nhìn chung, các đối tác cũng sẵn sàng bắt tay nhau, đoàn kết để thị trường không lao xuống đáy. 

Chỉ trong thời gian ngắn, Golden Gate đã sụt giảm tới 50% doanh thu thì nếu kịch bản xấu là dịch bệnh sẽ kéo dài, doanh nghiệp sẽ ra sao?

Hoàng Quốc Khánh: Tôi cho rằng, mức thiệt hại hiện giờ đã chạm đáy và sẽ không tăng thêm. Với Golden Gate thì doanh thu đang đi lên. Tuy nhiên, thiệt hại của ngành F&B nhìn chung còn bị ảnh hưởng bởi nhiều thứ khác. Ví dụ, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng nữa, thu nhập của người dân sẽ bị ảnh hưởng và có thể lúc dịch thoái trào, dù họ có bung ra mua sắm thì mức độ cũng không đạt được như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Trường hợp xấu là người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, không xảy ra kịch bản bùng nổ nhu cầu mua sắm thì khi đó, sẽ kéo cả nền kinh tế đi xuống, khả năng hồi phục của doanh nghiệp trong ngắn hạn sẽ khó khăn hơn. Đó là vấn đề dài hạn mà chúng tôi lo lắng nhiều hơn là những gì đang diễn ra trong hiện tại.

Phát triển mạnh kênh giao hàng như vậy, vì sao Golden Gate không thể bù lại doanh thu sụt giảm?

Hoàng Quốc Khánh: Rất khó để bù đắp được doanh thu trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề vì đợt dịch này. 

Nhìn chung trên thị trường F&B, ngoại từ những cửa hàng chỉ phục vụ online thì hầu hết, kênh giao hàng chỉ chiếm khoảng 30% so với doanh thu từ khách hàng trực tiếp. 

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 6.

Ứng phó với dịch Covid-19, giải pháp trong ngắn và dài hạn của doanh nghiệp là gì?

Hoàng Quốc Khánh: Thời gian qua, Golden Gate luôn cố gắng đem lại sản phẩm và chất lượng phục vụ tốt nhất, xứng đáng với chi phí khách hàng bỏ ra. Vì thế, tuy có ưu đãi nhưng chúng tôi không chạy nhiều chương trình giảm giá sâu… 

Một doanh nghiệp luôn cần có chi phí để vận hành. Nếu doanh nghiệp chạy quá nhiều ưu đãi, khuyến mãi thì làm sao có đủ tài chính để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn được? Về phía khách hàng, hẳn họ cũng không mong đợi mua được sản phẩm khuyến mãi nhưng lại có chất lượng thấp!

Như tôi đã nói trước đó, các giải pháp ngắn hạn mà Golden Gate đang áp dụng là bảo vệ sức khỏe nhân viên, người tiêu dùng, cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng an tâm.

Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh Dịch vụ giao hàng G-Delivery-Giao hàng tận nhà; Thương hiệu Icook -  cung cấp các dòng sản phẩm được cấp đông, đóng gói với mạng lưới phân phối toàn miền Bắc.

Trong dài hạn, nếu dịch bệnh kéo dài và kịch bản xấu là chi tiêu của người tiêu dùng giảm thì có thể, chúng tôi sẽ phải nghĩ đến những concept mới để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. Không loại trừ khả năng sẽ phải cho ra những thương hiệu mới.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 7.

Có nghĩa là Golden Gate chấp nhận việc đóng cửa hàng thay vì chạy các chương trình ưu đãi, giảm giá sâu để tăng lượng khách hàng, bù đắp doanh thu?

Hoàng Quốc Khánh: Việc đóng cửa hàng cũng rất đau đớn vì mỗi cửa hàng đều như một đứa con của doanh nghiệp. Nhưng đối với các chuỗi lớn có nhiều cửa hàng thì việc có những cửa hàng phải đóng lại sau một thời gian hoạt động cũng là điều hết sức bình thường.

Yếu tố dẫn đến điều này có khá nhiều. Chẳng hạn như chủ cho thuê mặt bằng không cho thuê nữa. Trường hợp này cũng đã từng xảy ra và là rủi ro bất khả kháng. Nguyên nhân chủ quan là cửa hàng đó kinh doanh không tốt sau khi đã thử nhiều cách. Việc đóng những cửa hàng như vậy cũng là cách để doanh nghiệp tái sinh tốt hơn.

Cũng có nhiều trường hợp, vì concept cửa hàng không phù hợp với vị trí nên sau khi nhận ra hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, Golden Gate sẽ lập tức có sự chuyển hướng. Ví dụ, trước khi đường Võ Chí Công mở ra thì Lạc Long Quân là tuyến giao thông chính. Cowboy Jack nằm ở đó hoạt động rất tốt. Nhưng ngay khi đường Võ Chí Công khai thông thì mọi việc thay đổi. Golden Gate đã nhanh chóng chuyển địa điểm đó sang thương hiệu Kichi Kichi.

Một doanh nghiệp mà cửa hàng nào mở ra cũng kinh doanh thuận lợi là điều rất khó xảy ra. Mặc dù, hiện tại chúng tôi đang phải tạm thời dừng hoạt động một số nhà hàng nhưng chúng tôi đều nhìn nhận, đây chỉ là vấn đề ngắn hạn. Vì thế, chúng tôi luôn có giải pháp hỗ trợ người lao động và sẵn sàng để trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Nhưng đâu là lý do chính khiến chỉ trong khoảng thời gian ngắn khi dịch bùng trở lại ở Việt Nam, những thương hiệu được coi là mạnh nhất của Golden Gate là GoGi House và Kichi Kichi lại phải cùng lúc đóng nhiều cửa hàng?

Hoàng Quốc Khánh: Việc tạm dừng hoạt động các nhà hàng có hai yếu tố. Thứ nhất là thị trường tụt dốc đột ngột trong liên tiếp 2-3 tuần và trước đó đã có ảnh hưởng xấu. 

Thứ hai, hệ thống nào cũng có những nhà hàng ở vị trí tốt và không tốt. Những nhà hàng có vị trí tốt của Golden Gate đáng tiếc lại đang bị bao quanh bởi khu vực có người nhiễm bệnh Covid-19. Vì vậy, trong bối cảnh bị tác động bởi nhiều yếu tố, công ty đã quyết định tạm thời đóng cửa trong một thời gian, chờ đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn sẽ mở trở lại. Rất may mắn là đến hiện tại, cả nước chúng ta đang làm rất tốt điều này. 

Chúng tôi quan điểm, kinh doanh phải có lãi trên từng điểm. Các cửa hàng phải có lãi hoặc hòa vốn thì mới tiếp tục duy trì. Thế nên, khi dịch Covid-19 xảy ra thì kịch bản không được như trước và việc đóng cửa tạm thời các nhà hàng cũng là điều bình thường.

Tiềm lực tài chính của Golden Gate tạm thời có thể nói là đủ để các cửa hàng duy trì lâu hơn nhưng vấn đề là sẽ duy trì trong bao lâu? Nếu chúng ta biết chính xác phải bù lỗ trong 1-2 tháng nữa để cửa hàng tiếp tục hoạt động thì doanh nghiệp vẫn có thể tính toán và cân đối được. Nhưng bây giờ, không ai biết chính xác dịch bệnh sẽ kéo dài đến khi nào, tâm lý lo sợ về dịch bệnh của người dân sẽ duy trì trong bao lâu, thì việc tiếp tục mở những cửa hàng không có lãi sẽ là rủi ro khá lớn.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 8.

Việc cùng lúc đóng nhiều cửa hàng đang gây ảnh hưởng như thế nào đến công ty?

Hoàng Quốc Khánh: Ảnh hưởng không lớn vì các đối tác và nhà đầu tư đều hiểu được đây là khó khăn chung của cả thị trường F&B.

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 9.

Ông vừa nói, những doanh nghiệp lớn vẫn có khả năng trụ vững qua đợt dịch Covid-19. Vậy đây có thể xem như “một liều thuốc thử” đối với ngành F&B?

Hoàng Quốc Khánh: Chúng tôi cũng thường nói với nhau như vậy. Trong đợt dịch này, mọi người sẽ nhìn thấy rất rõ sức mạnh của thương hiệu cũng như lòng tin của khách hàng vào thương hiệu đó. 

Những thương hiệu trong giai đoạn này vẫn có khách thì chứng tỏ, thương hiệu đó đã nhận được sự tin tưởng rất lớn từ khách hàng. Họ không chỉ tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn tin vào việc doanh nghiệp đó có những cách thiết thực để bảo đảm an toàn cho họ.

Nếu kịch bản đúng như ông nói là sức chi tiêu, mua sắm sẽ bùng lên sau khi dịch Covid-19 thoái trào thì “liều thuốc thử Covid-19” có phải là cơ hội để Golden Gate tiếp tục thắng thế trên thị trường F&B?

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 10.

Hoàng Quốc Khánh: Dịch bệnh vừa là một mối nguy lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp F&B chứ không chỉ riêng Golden Gate. Trong cuộc chơi này, ai nhanh hơn, khéo hơn thì sẽ bứt phá. Covid-19 giống như một lần “tẩy bài” để sắp đặt lại thị trường. Chẳng hạn như trước đây, các vị trí mặt bằng đẹp đã có người lấp đầy. Nhưng sau đợt này, khi hàng loạt cửa hàng phải đóng lại thì những người “may mắn” có thể chiếm được những vị trí đẹp hơn, chi phí tốt hơn.

70% thị trường F&B vẫn đang nằm ở mảng street food nên có thể đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động theo chuỗi. Bởi vì, trong đợt dịch này, các quán ăn nhỏ lẻ đã đóng lại rất nhiều.

Hiện tại, Golden Gate đang có rất nhiều hoạt động chuẩn bị cho đợt bùng trở lại sau dịch. Chúng tôi vẫn đang nhìn nhận, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống vận hành bên trong, đào tạo nhân sự, nghiên cứu thị trường… 

“Ông vua” ngành F&B Việt Nam đóng 12 cửa hàng vì Covid-19 nhưng kỳ vọng bùng nổ nhu cầu hậu dịch - Ảnh 11.

Trong giai đoạn này, ông mong đợi sự hỗ trợ gì từ Chính phủ?

Hoàng Quốc Khánh: Có nhiều điểm mà hầu hết các doanh nghiệp đều đang mong chờ. Đầu tiên là việc giãn thuế. 

Ngoài ra, rất mong Chính phủ có những gói vay hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp họ cân đối được dòng tiền. Hai phần đó rất quan trọng: vấn đề dòng tiền đi vào để doanh nghiệp hoạt động và dòng tiền đi ra (khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp).

Ngoài ra, chính sách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ về việc cách ly, giảm việc đi lại từ vùng dịch, kiểm soát dịch tốt thì hiện tại, Việt Nam vẫn làm tốt, nên có lẽ không cần phải nói là mong chờ.

Trong ngắn hạn, liệu Golden Gate có đóng thêm cửa hàng không?

Hoàng Quốc Khánh: Điều này không thể nói trước nhưng cũng không hạn chế khả năng có thể xảy ra. Đó là vấn đề kinh doanh, được đặt trong câu hỏi lớn là doanh nghiệp làm sao để sống sót giữa dịch bệnh, ít nhất là trong 1 năm chứ không chỉ là 6 tháng!

Nếu trong trường hợp Golden Gate phải đóng hết cửa hàng?

Hoàng Quốc Khánh: Nếu kịch bản đó thực sự xảy ra thì e là thị trường lúc đó đã rất tồi tệ.

Chúng tôi cũng nghĩ đến điều đó và nhận thấy, kịch bản đó sẽ chỉ xảy ra khi có rủi ro nghiêm trọng về dịch bệnh. Chẳng hạn, lệnh cấm tất cả quán bar, vũ trường đang được áp dụng tại TP.HCM.

Nhưng trong lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, khoảng cách tiếp xúc giữa mọi người có thể được kiểm soát tốt hơn ở quán bar, vũ trường nên có thể, Chính phủ sẽ không ban hành lệnh này. Về rủi ro dịch bệnh, Chính phủ đang kiểm soát tốt nên khả năng phải cách ly cả thành phố như Vũ Hán cũng có thể sẽ không xảy ra.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM