Hôm nay, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 được khai mạc tại Hà Nội. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin & Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, Chủ tịch Tập đoàn FPT, "ngày chuyển đổi số Việt Nam lấy chủ đề "Chuyển đổi số Quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội" với mong muốn đưa công nghệ thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội con người, đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Số: Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn.
Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động; Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân".
VINASA định hướng tổ chức Ngày Chuyển đổi số Việt Nam thành một hoạt động thường niên, tạo ra một không gian CHIA SẺ kiến thức và kinh nghiệm chuyển đổi số, KẾT NỐI giải pháp chuyển đổi số với các ngành, các lĩnh vực nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành Quốc gia Số với Chính phủ số hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Kinh tế số sáng tạo, năng suất cao; Xã hội số văn minh, bình đẳng.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Công ty nghiên cứu McKensey thì chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Nhân lực ngành CNTT khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.
Theo Cisco (2019), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình ở vị trí 70/141 quốc gia, với điểm mức là 12,06/25 điểm. Theo Temasek, Bain&Company (2019), Kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; và Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT – cho biết: "Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người". Đồng thời Ông Dũng kêu gọi "Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số". "Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu".
Ông Trương Gia Bình nhận định: "Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi vô cùng nhanh chóng mà trong đó chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn nhất đem lại sự đột phá mạnh mẽ.
Các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới đang được sản sinh ngày càng nhiều trên các nền tảng công nghệ tạo ra những BƯỚC NHẢY về kinh tế. Chính vì thế, tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đều mong muốn sở hữu công nghệ, tham gia vào cuộc đua Công nghệ số.
Mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp có sự quan tâm đầu tư và "kịch bản" riêng cho lộ trình chuyển đổi số của mình. Qua những chia sẻ tại Diễn đàn này, có thể thấy yếu tố tiên quyết mang lại thành công trong chuyển đổi số chính là Tầm nhìn và Quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp… Nâng cao nhận thức là câu chuyện chúng ta nói nhiều rồi, nhưng để thực hiện thì bắt đầu từ đâu? Từ TẦM NHÌN, để chúng ta vạch ra lộ trình xuyên suốt. Rồi làm như thế nào, làm được đến đâu… thì lại cần đến sự QUYẾT TÂM của cả một tổ chức, để nhân sự đồng lòng, để huy động các nguồn lực một cách cao độ".
Đại diện VINASA cũng kỳ vọng, qua Diễn đàn lần này, bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số những kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham khảo, lựa chọn cho hành trình của mình, qua đó tích cực kết nối hợp tác cung - cầu về chuyển đổi số.
Cũng trong Phiên khai mạc, nhiều thông tin chia sẻ rất hữu ích cũng được chia sẻ như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0 (Chương trình I-Korea 4.0); Chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Chính sách phát triển kinh tế số với 2 chương trình lập quỹ thúc đẩy tiến trình số hoá quốc gia và các dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ của Malaysia; Chương trình 5G của Newzeland để thúc đẩy kinh tế số. GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân trình bày nghiên cứu "Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số". Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngày mai (15/12), Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra với 6 hội nghị chuyên đề xoay quanh việc chuyển đổi số trong 6 ngành và lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế, Logistics, Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp và nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Bên cạnh các báo cáo và bài phát biểu chính, chương trình còn có triển lãm giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, hoạt động kết nối cung cầu, tư vấn về chuyển đổi số dành cho các bên quan tâm.