FPT sau hơn 30 năm xây dựng thì nay đã trở thành một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất tại Việt Nam. Với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là CNTT và Viễn thông, FPT đã cung cấp dịch vụ tới 63/63 tỉnh thành tại Việt Nam và không ngừng mở rộng hoạt động trên thị trường toàn cầu với sự hiện diện tại 19 quốc gia. Sự thành công của FPT ngày hôm nay có công rất lớn của người đứng đầu tập đoàn, ông Trương Gia Bình.
Nhân vật này khiến nhiều người ngưỡng mộ vì ngoài năng lực kinh doanh, ông cũng có chuyên môn xuất chúng với nhiều bằng cấp danh giá.
Nhân vật xuất sắc từ nhỏ, hành trình học hành và nghiên cứu đáng nể
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại Nghệ An. Lên 2 tuổi, ông cùng gia đình chuyển vào Hà Nội sinh sống. Ông là cựu học sinh lớp chuyên Toán của ngôi trường Chu Văn An nổi tiếng. Sau đó, ông thi đỗ vào khoa Toán cơ, ĐH Tổng hợp Hà Nội và đã tốt nghiệp.
Nhờ sự vượt trội của mình mà ông giành được học bổng du học tại Nga. Năm 1979, ông nhận được tấm bằng Cử nhân Toán của ĐH Tổng họp Lomonosov. Tiếp tục, năm 1982, ông nhận được bằng Tiến sĩ Toán Lý cũng của ngôi trường này. 1 năm sau, ông bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Moscow.
Thời điểm năm 1982, ông Trương Gia Bình quyết định về nước và làm việc tại Viện Cơ học thuộc Viện khoa học Việt Nam. Ông có 2 năm sau đó làm nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện toán học Steclov, viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết, Nga.
Năm 1989, ông trở thành nghiên cứu viên tại Viện Max-Plant tại Gottinggen, CHLB Đức. Ông Trương Gia Bình được nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư năm 1991. Từ năm 1995, ông Bình giữ chức chủ nhiệm Khoa Quản trị kinh doanh-HSB, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ lĩnh tiên phong cùng với các nhà khoa học khác tạo nên tập đoàn FPT hùng mạnh
Năm 1988, 6 năm sau ngày về nước, ông Trương Gia Bình cùng các cộng sự của mình sáng lập nên nền móng cho FPT ngày nay, đó là công ty Công nghệ Thực phẩm với số tiền vay mượn từ GS. Vũ Đình Cự.
Nói về cú rẽ ngang từ một Tiến sĩ Toán học sang kinh doanh, ông cho rằng, cuộc sống của một nhà khoa học thời điểm đó rất khó khăn, chính bản thân cảm thấy rằng những nghiên cứu đó không giúp được gì cho đất nước mình. Vậy nên, khi thấy cơ hội ở ngay trước mắt, vị Tiến sĩ gốc Nghệ đã đưa ra quyết định trở thành một doanh nhân dựa trên các mối quan hệ của một nhà khoa học.
Khi ấy, với bối cảnh Việt Nam còn là một nước nông nghiệp nên ông đã định hướng công ty theo hướng phát triển mảng thực phẩm. Công việc kinh doanh thực phẩm, đồ ăn cho chăn nuôi tại Việt Nam của ông dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phát triển theo xu hướng tốt.
Nhưng đến năm 1995, tin học ngày càng được chú ý, do đó, ông quyết định chuyển hướng để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghệ. Năm 2002, công ty của ông chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Tại FPT, ông giữ những vị trí chủ chốt như:
Tháng 9/1988: Chủ tịch Công ty Công nghệ Thực Phẩm
1988 - 2002: Tổng Giám đốc Công ty
2002 - 2013: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FPT và là thành viên HĐQT tập đoàn FPT
Năm 2017: Tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022
Năm 2018: Thành viên HĐQT Công ty TNHH Giáo dục FPT
Năm 2006, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT chính thức lên sàn chứng khoán, chỉ mất nửa tháng, FPT đã tăng giá trị cổ phiếu của mình lên gấp 46 lần so với ban đầu. Giá trị của công ty trên thị trường tăng 28 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,75 tỷ USD vào thời điểm đó.
Cũng nhờ thế mà năm 2006 ông Trương Gia Bình đứng đầu danh sách top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với khối tài sản ước tính khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD.
Tháng 12/2019, ông Gia Bình đứng thứ 23 trong danh sách những người giàu nhất Sàn Chứng khoán Việt Nam. Nhìn lại sự nghiệp của ông Trương Gia Bình, sự thành công đến với đời ông một cách chậm rãi và chắc chắn như lẽ tất yếu của những tháng năm lao động kiên trì, theo đuổi ước mơ bằng cả trái tim.