Việc KIDO Group tuyên bố quay lại mảng bánh kẹo ở lần Đại hội cổ đông gần đây đã khiến khá nhiều người ngạc nhiên. Bởi cách đây vài năm, chính họ đã chủ động bán mảng kinh doanh cốt lõi của mình cho đối tác ngoại để thu về tổng cộng 9.846.000 tỷ đồng và tuyên bố tham gia vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.
Tuy nhiên, với bản thân người trong cuộc là KIDO Group, thì chuyện họ quay trở lại thật sự không đáng ngạc nhiên như thế.
Để thu hút vốn ngoại, KIDO Group đang có kế hoạch sáp nhập tất cả các công ty con như dầu Tường An, KIDO Foods hay Vocarimex vào công ty mẹ, đồng thời mở rộng ngành hàng để tăng giá trị của doanh nghiệp. Thêm nữa, 2 mảng dầu ăn và đồ lạnh – cụ thể là kem đang phát triển tốt và đi đúng hướng, nên KIDO có khả năng mở thêm một ngành hàng nữa và với "thiên thời, địa lợi và nhân hòa", mảng bánh kẹo đã được chọn.
"Đầu tiên, nhiều cổ đông cũng như các nhà đầu tư đã khuyến khích chúng tôi quay trở lại thị trường đã làm nên uy tín doanh nghiệp. Việc bắt đầu một ngành mới sẽ mất nhiều thời gian để tìm hiểu nhằm có thể khai thác, tối ưu hóa các hoạt động của ngành, trong khi đó KIDO đã có kinh nghiệm và am hiểu sâu về ngành bánh nên sẽ rút ngắn được thời gian rất nhiều.
Thứ hai, đây là thời điểm phù hợp để công ty quay lại, sau khi hết hợp đồng 5 năm với đối tác. Việc mua bán và sáp nhập là theo cơ chế của thị trường, việc mua đi bán lại giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là hiện nay diễn ra khá phổ biến và đây hoàn toàn là hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Tùy từng thời điểm, giai đoạn khác nhau thì doanh nghiệp sẽ có những chiến lược và mục tiêu phù hợp. Điển hình như KIDO từng mua nhà máy kem Wall’s (một thương hiệu nước ngoài).
Thứ ba, tôi là người luôn say mê ngành thực phẩm. Cuối cùng, tình cảm của các đối tác, khách hàng đã từng hợp tác với chúng tôi vẫn còn nguyên vẹn", ông Trần Lệ Nguyên – CEO KIDO Group chia sẻ cụ thể với chúng tôi.
KIDO Group mở màn cho hành trình mới mà cũ bằng sản phẩm bánh trung thu
Tuy nhiên, tâm thế và chiến lược của KIDO Group trong lần thứ hai tham chiến ở thị trường bánh kẹo hoàn toàn khác lần 1. Hiện tại, thị trường bánh kẹo còn chật chội hơn cách đây vài năm kèm với tỷ suất lợi nhuận trung bình vẫn không quá hai con số. Với quy mô 51.000 tỉ đồng, tương đương 2,2 tỉ USD, thị trường bánh kẹo được dự báo với tăng trưởng mỗi năm từ 8-10% giai đoạn 2015-2020, theo Business Monitor International.
Ông Trần Lệ Nguyên – CEO KIDO Group
Giải pháp của KIDO Group là chỉ tập trung vào khoảng 20 mặt hàng có thị trường lớn, phân khúc ít cạnh tranh, theo xu hướng và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trung bình thị trường. Đó là nguyên do họ chọn sản phẩm bánh trung thu để chào sân thị trường bánh kẹo.
"Có thể nói, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp có công lớn trong việc xây dựng và phát triển thị trường bánh trung thu. Có thời, bánh trung thu của chúng tôi chiếm tới 70% thị phần. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thị trường đã phần nào lắng xuống bởi không có ai thực sự tâm huyết với nó. Thế nên, chúng tôi muốn quay trở lại, khuấy động thị trường một lần nữa bằng bánh trung thu Kingdom.
Tuy nhiên, do Covid-19, nên nhiều khả năng nhu cầu sẽ giảm đi, chúng tôi chỉ làm khoảng 4 triệu bánh, tương đương 1 triệu hộp. Phân khúc mà chúng tôi nhắm tới vẫn là trung bình như cũ, vì đây là phân khúc chiếm 70% nhu cầu thị trường. Theo tôi, có 3 yếu tố tạo nên một sản phẩm bánh trung thu có bán chạy hay không: thương hiệu, mức giá và chất lượng bao bì.
Với mảng bánh trung thu, tỷ suất lợi nhuận sẽ tầm 20% đến 30%, sau khi trừ các khoản chi phí khác như phân phối, marketing… ", ông Trần Lệ Nguyên khẳng định.
Do Covid-19, KIDO chọn phương án gia công với đối tác trong năm nay trong đó, toàn bộ công thức, kỹ thuật làm bánh do KIDO trực tiếp chỉ đạo và theo dõi; thế nên họ không phải tốn chi phí khấu hao sản xuất sản phẩm.
Về nhân sự: mảng bánh kẹo sẽ dùng chung đội ngũ sales-marketing của KIDO Group. Về hệ thống phân phối: nhiều đối tác đã từng hợp tác cho biết họ sẵn sàng quay trở lại hợp tác, ủng hộ cùng thương hiệu mới Kingdom; sản phẩm còn bán trên Tiki, Grab mart và Lazada. Hơn nữa, hàng năm, KIDO Group vẫn phân phối bánh trung thu kênh B2B giúp cho đối tác ngoại. Với doanh nghiệp này, thì khoảng 40% bánh trung thu của họ là bán lẻ, còn 60% bán sỉ cho các hiệp hội, doanh nghiệp – tổ chức.
Với sự chuẩn bị kỹ càng như thế, rất có thể KIDO Group sẽ có một mùa trung thu "làm chơi ăn thật"!
Tiếp theo bánh trung thu sẽ là bánh tươi
Thị trường bánh tươi ở Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tham gia. Ảnh minh họa.
Như đã nói, trước đây, mảng bánh kẹo là tất cả với KIDO thì nay nó chỉ là 1 trong 4 ngành hàng chính – bên cạnh đồ lạnh, nước giải khát và dầu ăn; nên theo ông Trần Lệ Nguyên, tập đoàn này sẽ không vội vàng tấn công thị trường mà đi từng bước chắc chắn. Hơn nữa, với Covid-19, không chỉ KIDO mà tất cả các doanh nghiệp đều rất thận trọng trong từng hoạt động kinh doanh.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một nhà máy làm bánh kẹo ở Quận 12, với vốn đầu tư khoảng 100 đến 200 tỷ đồng, sử dụng công nghệ châu Âu và Nhật. Dù hiện tại, do Covid-19 nên máy móc vẫn chưa về kịp Việt Nam, nhưng tôi tin rằng nó sẽ kịp cập bến giúp Kingdom sản xuất phục vụ thị trường Tết.
Sau bánh trung thu, Kingdom có thể ra mắt bánh tươi – loại có thể bảo quản trong khoảng 5 đến 7 ngày hoặc những loại bánh độc đáo như bánh ngọt làm từ bột khoai tây. Thị trường ngách này rất ít cạnh tranh do rủi ro cao hơn so với những thị trường khác, ví dụ bánh khô.
Tóm lại, như định hướng chung của tập đoàn, bất cứ sản phẩm nào ra sau này trong mảng bánh kẹo cũng sẽ độc đáo – khác biệt so với thị trường nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Tất nhiên, chúng sẽ không giống những sản phẩm mà chúng tôi từng sản xuất cách đây vài năm", CEO KIDO Group tiết lộ.