Từ cuộc chiến đẫm máu được Hollywood khai thác rộng rãi
Cuộc nội chiến ở quốc gia Sierra Leone từ tháng 3/1991 tới tháng 1/2002 đã được các nhà làm phim Hollywood khai thác rộng rãi.
Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ tới bộ phim Blood Diamond (Kim cương máu) năm 2006 với tài tử Leonardo DiCaprio đóng vai tay buôn kim cương Danny Archer và ngư dân Solomon Vandy (Djimon Hounsou), người tìm được một viên kim cương khổng lồ.
Nhóm phiến quân được miêu tả trong bộ phim, Mặt trận Liên minh Cách mạng (RUF) đã thua trong cuộc nội chiến kéo dài 11 năm và sau đó phát triển thành một chính đảng ở Sierra Leone, tồn tại đến năm 2007.
Hai lính trẻ em thuộc lực lượng phiến quân trong nội chiến Sierra Leone (Ảnh: Eric Beauchemin).
Tuy nhiên chủ đề bài viết không tập trung vào RUF mà chính là lực lượng đã đánh quỵ họ vào mùa hè năm 1995, khi các tay súng phiến quân chỉ còn cách thủ đô Freetown 20 dặm (khoảng 32 km).
Theo cuốn sách "When the State Fails: Studies on Intervention in the Sierra Leone Civil War" của tác giả Tunde Zack-Williams, vào thời điểm đó chính phủ Sierra Leone đã trả số tiền 1,3 triệu USD cho một nhóm lính đánh thuê Nam Phi có tên Executive Outcomes (EO) tham chiến.
Nhiệm vụ được Freetown giao phó cho EO bao gồm 3 mục tiêu là tái kiểm soát các mỏ kim cương và khoáng sản, xác định vị trí và hủy diệt các căn cứ của RUF đồng thời tuyên truyền, khuyến khích người dân hỗ trợ quân chính phủ.
Các tay súng EO bên cạnh thi thể của một người đàn ông (Ảnh: Pinterest).
Được thành lập vào năm 1989, nhóm lính đánh thuê EO đã trở nên nổi tiếng khi không chỉ có 3.500 tay súng mà còn sở hữu trực thăng Mi-8 Hip, Mi-24 Hind, xe chiến đấu bộ binh BMP-2 và xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, tức là tương đương một lữ đoàn đặc nhiệm hiện đại.
Nhóm lính đánh thuê này đã tiến hành một hoạt động can thiệp quân sự thành công ở Sierra Leone, chỉ trong 7 tháng và với sự hỗ trợ từ các lực lượng trung thành với chính phủ, EO đã tái chiếm lại các mỏ kim cương chiến lược và Kangari Hills, "thành trì" chính của RUF.
Dưới ưu thế quân sự của EO và quân chính phủ Sierra Leone, RUF đã phải thừa nhận thất bại và ký Hiệp định hòa bình ở Abidjan ở Côte d'Ivoire vào ngày 30/11/1996.
Quãng thời gian sau đó là một giai đoạn "hòa bình" ngắn ngủi trong 11 năm xung đột trước khi Sierra Leone tìm cách trục xuất EO dưới áp lực của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 1/1997
Một nhóm nhân viên EO trong một trực thăng được cho là Mi-8 vào những năm 1990.
"Ông tổ" của nhóm lính đánh thuê khét tiếng tuyên bố tái xuất sau 20 năm?
Tiến hành "công việc" ở khắp các điểm nóng cuối thế kỷ 20 ở Châu Phi và Đông Nam Á nhưng sau 10 năm hoạt động, EO đã phải giải thể vào ngày 1/1/1999 do một đạo luật của chính phủ Nam Phi mà về cơ bản khiến nhóm lính đánh thuê hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Tuy nhiên mới đây, theo một bài viết được đăng tải trên tờ The Sun của Anh, Eeben Barlow người sáng lập của EO đã tuyên bố nhóm lính đánh thuê sẽ "một lần nữa cung cấp các giải pháp thành công của Châu Phi - dành cho người Châu Phi - cho các vấn đề của Châu Phi".
Nhưng câu hỏi được đặt ra lúc này là cựu Trung tá Quân đội Nam Phi, "doanh nhân" Eeben Barlow nay đã 67 tuổi (sinh năm 1953) liệu còn đủ khả năng đưa EO trở lại thời kỳ đỉnh cao của nhóm lính đánh thuê này vào 20 năm trước hay không.
Có lẽ không chỉ thời gian mà còn là các "nhà tài trợ" mới trả lời được câu hỏi này.
Cựu Trung tá Quân đội Nam Phi Eeben Barlow (Ảnh: The Sun).