Ông Lợi "berie" là cách gọi thân thương của người dân tại tổ 18 và 19 Chơn Tâm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) dành cho ông Đặng Văn Lợi. Cái tên đặc biệt này xuất phát từ công việc tình nguyện gác tàu không lương mà ông lão 66 tuổi này làm mỗi ngày và ròng rã hơn 2 thập kỷ qua.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam; năm 7 tuổi, ông Lợi lần lượt mồ côi cha mẹ do bạo bệnh. Năm 1979, ông Lợi nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Một năm sau, ông trở về và mang theo nhiều di chứng từ hóa chất độc hại của cuộc chiến. Chẳng còn ai thân thích ở quê, ông khăn gói ra Đà Nẵng nương tựa chị gái. Hằng ngày, ông phụ chị buôn bán nhỏ lẻ trước nhà.
Ông Lợi quyết định sống độc thân mà theo cách giải thích của ông "do nhà nghèo quá nên không muốn cưới vợ, sợ vợ con sẽ khổ theo". Rồi người chị gái cưu mang ông cũng sớm qua đời, từ đó ông lủi thủi một mình, nhặt ve chai chạy ăn từng bữa.
Nơi ông Lợi sống là con hẻm nhỏ thông giữa quốc lộ 1A, đường Tôn Đức Thắng với đường sắt Bắc - Nam cắt ngang. Do nằm đối diện trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, dẫn sâu vào khu vực đông dân cư và sinh viên ở trọ, nên hằng ngày nơi đây có hàng trăm lượt người qua lại. Một phần vì sự bất cẩn và do đường ray hình vòng cung nên khi có tàu lửa chạy qua nhiều người đã bị khuất tầm nhìn…
Theo người dân địa phương, trước đây, tại "ngã tư tử thần" này từng xảy ra hơn 15 vụ tai nạn nghiêm trọng. Năm 2002, Đà Nẵng đã cho xây dựng rào chắn kiên cố không cho phương tiện lưu thông qua điểm đen này, nhưng theo thói quen và tiện đường mua sắm đồ đạc nên nhiều người vẫn "mặc kệ", dù biết tử thần luôn chực chờ.
Hằng ngày có hàng trăm lượt người dân và sinh viên băng qua đoạn đường ray này.
"Vì ngại đường xa nên họ cứ liều mình đi bộ hoặc dắt xe đạp băng qua đoạn đường sắt này, sợ lại xảy ra thêm những cái chết thương tâm nên tôi phải đứng đây gác, ngăn cản mọi người qua lại khi có tàu đến…", ông Lợi chia sẻ. Và cứ thế, suốt 20 năm nay, nhờ sự "bao đồng" của ông Lợi, nhiều người đã may mắn thoát khỏi "lưỡi hái tử thần".
Một ngày của ông Lợi thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, dù nắng hay mưa, trong bộ áo quần bạc màu rộng thùng thình, ông rong ruổi dọc đường ray nhặt rác. Nhưng như được lập trình sẵn, cứ đến giờ tàu chạy là ông lại vội quay về "chốt gác" để làm "barie sống". Rồi những ngày mưa gió, có hôm người ướt sũng, run cầm cập vì lạnh, nhiều người khuyên nên nghỉ nơi nhưng ông Lợi quả quyết: "Chừng nào còn tàu qua đây tui còn canh. Chứ mình vì lạnh, sợ ốm không gác, nhỡ mấy đứa sinh viên nó qua đường ray mà không chú ý bị tai nạn thì ân hận lắm".
Hơn 2 thập kỷ thầm lặng làm "chuông báo động sống", ông Lợi cũng không nhớ rõ mình đã cứu thoát được bao nhiêu người. Chỉ có hàng xóm sống gần xóm đường sắt này là nhớ như in những "chiến tích" của ông.
Cô Nguyễn Thị Huệ, một người hàng xóm của ông Lợi kể: "Có lần tôi chứng kiến nhóm 4 sinh viên trên đường đến trường, vừa đi vừa cười nói nên không chú ý tàu đang tới. Nhanh như chớp, ông Lợi vừa hô lớn, vừa từ bên này đường sắt phóng qua đẩy ngược nhóm bạn trẻ lại, nhờ vậy họ mới thoát nạn trong gang tấc".
Rồi có lần, một phụ nữ mua ve chai đang hì hục dắt xe đạp băng qua đường ray thì tàu lao đến, kéo còi inh ỏi. Bỏ dở tô mì tôm đang ăn, ông Lợi lâp tức lao ra hỗ trợ. Khi người phụ nữ và xe đạp vừa lùi lại được thì cũng là lúc đoàn tàu xình xịch lăn bánh qua, khiến ai nấy đều hú vía…
Những hành động nghĩa hiệp của ông lão U70 này không chỉ khiến bà con khu phố mà cả những người qua đường đều cảm kích. Quý mến và hiểu hoàn cảnh khốn khó của ông, thỉnh thoảng nhiều sinh viên lại mang ve chai đến cho, còn hàng xóm láng giềng vẫn thường thăm hỏi sức khỏe, có khi mời ông chai nước ngọt, tặng thùng mì, cân gạo, ông Lợi lấy đó làm vui.
Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ tự quản khu dân cư Chơm Tâm 2D (phường Hòa Khánh Nam) cho biết: "Lúc trước, người dân ở đây đi băng đường ray vô tội vạ nên thường xảy ra tai nạn lắm. Cũng nhờ có ông Lợi tự nguyện đứng gác mà số vụ tai nạn giảm hẳn. Khi có tàu sắp đến là ổng đứng giơ tay, hô hào, cảnh báo người đi đường chú ý quan sát. Bất kể nắng mưa, ngày nào ông ấy cũng đứng gác tàu đến tận khuya, thương lắm!".
Với sự cống hiến thầm lặng, nỗ lực đóng góp cho an toàn giao thông của mình, ông Lợi đã được trao danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" năm 2012. Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu tặng giấy khen vì có thành tích trong việc tình nguyện gác tàu, nhắc nhở người dân tham gia giao thông tại điểm giao nhau với đường sắt 10 năm không để xảy ra tai nạn.