Bán hàng tìm niềm vui
Đã thành thói quen, ngày nào, ông Ngô Quang Chí (76 tuổi, TP.HCM) cũng lên phố đi bộ Nguyễn Huệ, trải bạt ra bán cùng vài món đồ chơi. Hình ảnh ông cụ tóc bạc phơ, da nhăn nheo có lẽ đã trở thành một ký ức thân quen của những người dân sinh sống ở "thành phố hoa lệ".
Trước đây ông Chí quê ở Gia Lâm (Hà Nội), sau này di cư vào miền Nam, gặp bà Bùi Thị Xuân Dung (77 tuổi). Khi đó, bà Dung đang đi chơi cùng một nhóm bạn nữ. "Trúng tiếng sét ái tình" với cô thiếu nữ dễ thương, hiền lành, ông Chí lẽo đẽo theo bà từ bến Bạch Đằng (Q1, TP. HCM) về đến quận Phú Nhuận.
"Bà là dân Huế, ở Huế vào thành phố làm nội trợ, giúp việc cho người ta. Tôi thấy bà dễ thương, hiền. Tôi nói tôi thương bà.", ông Chí kể.
Kể từ sau lần đầu gặp gỡ, ông Chí "trồng cây si" trước cửa ngôi nhà bà Dung làm giúp việc suốt nửa tháng. Ông hẹn gặp bà đi chơi, lấy hết can đảm nói lời thương với cô thiếu nữ thôn quê. Sau đó, bà Dung dẫn ông về ra mắt gia đình ở Huế. Được gia đình hai bên chấp thuận, ông Chí tổ chức đám cưới đơn giản ở trong quân đội - nơi ông đang công tác.
Kết hôn xong, ông Chí và vợ mua nhà ở trong khu dân cư nhỏ. Hàng ngày ông chở bà Dung đi lấy cá biển về bán, nuôi thêm đàn heo. Cuộc sống vất vả hơn gấp bội khi ông bà nuôi thêm 5 miệng ăn nheo nhóc.
Chị Ngô Thị Xuân Hương, con gái của vợ chồng ông Chí kể, ký ức thơ ấu của chị là những bữa cơm độn sắn, khoai. "Tôi chứng kiến cuộc sống khó khăn của ba mẹ. Lúc mấy mẹ con đi vùng kinh tế mới, nhà không có cơm ăn, toàn phải độn bo bo với khoai mì ăn đỡ đói. Nhưng tôi cảm nhận mẹ rất thương ba. Mẹ chăm từ miếng ăn, giấc ngủ cho ba", chị Hương nói.
60 năm sống viên mãn, nuôi con khôn lớn
Năm 2020, bà Dung theo chồng đi bán hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thì bị trượt ngã. Bà nằm viện một thời gian dài, sức khỏe giảm sút, phải ghép xương nên không thể đi lại nhanh nhẹn như ngày trước.
Ngày bà điều trị ở viện, ông Chí ở nhà nhớ vợ khôn nguôi. Có lần, ông lén con cái chạy xe máy đến viện thăm bà rồi bị lạc, mãi mới tìm được đường về.
Ông Chí và bà Dung có 5 đứa con, gồm 3 trai, 2 gái. Nhưng hai người con sau này đã mất, một người bị ung thư gan, một người bị tai nạn lao động. Ba người còn lại đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng.
Ông Chí muốn đi bán hàng để khuây khỏa tuổi già (Ảnh: Thanh Tuyền)
Ở tuổi 80, ông Chí vẫn còn nhanh nhẹn, minh mẫn. Ở nhà buồn, ông không muốn phụ thuộc vào con nên nhất quyết đòi đi bán hàng. Từ ngày vợ bị bệnh, ông Chí ôm gánh đồ chơi đi bán một mình. Ông nói, đó là niềm vui tuổi già.
Có người đi qua, thấy ông lão tóc bạc trắng phơ, ngồi nép một góc bên đường nên cho thêm tiền, mua bánh trái, nước uống.
"Bữa nào bán khá, tôi đưa tiền phụ cơm cho con gái, bữa nào bán ế, tiền đó để đổ xăng, mua thuốc lá. Có bữa bán được 50 ngàn, có hôm bán nguyên đêm từ 5 giờ chiều tới 10 giờ đêm, không bán được cắc nào", ông Chí kể nhưng miệng vẫn cười.
Những khi ông đi bán, bà Dung vẫn ở nhà đợi ông về rồi mới đi ngủ. Bà thường đi ra đi vào, sốt ruột hỏi con gái: "Sao giờ này ba mày vẫn chưa về".
Còn đối với ông Chí, ông có cách thể hiện tình thương với vợ theo cách riêng. Ông đi bán hàng, sợ bà ở nhà buồn nên tranh thủ vẫn trò chuyện, thủ thỉ mỗi khi có thời gian. Ông cũng thường cằn nhằn, lo lắng cho bà mỗi khi sợ bà vấp té, đỡ không kịp. Kết hôn gần 50 năm, ông Chí khẳng định, bản thân ông luôn giữ đúng lời hứa thương bà Dung đến đầu bạc răng long.
Nguồn: Tình trăm năm