Ôm nợ hàng chục tỷ, Leflair gửi gắm nhà cung cấp: Đang thương thảo với một số nhà đầu tư chiến lược, phải "kiên nhẫn và đoàn kết" mới thành công được!

PV | 07-03-2020 - 08:37 AM

(Tổ Quốc) - Nhóm nhà cung cấp đã gửi đơn tố cáo doanh nghiệp cùng 2 nhà sáng lập lên các cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam...

Tiếp tục truyền tải sự vụ Website bán hàng hiệu Leflair bị tố ôm nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt, mặc dù đại diện Leflair đã có buổi làm việc với nhà cung cấp tuy nhiên theo nhiều bên vẫn chưa thực sự thoả đáng. Hơn nữa, thông tin từ một số nhà cung cấp (ghi nhận tại diễn đàn nhà cung cấp của Leflair) cho thấy còn nhiều đơn vị nhỏ khác cũng có công nợ với Leflair.

Chỉ thông báo đến một số nhà cung cấp, công nợ 2 triệu USD chỉ là ước tính: Nhóm nhà cung cấp cho rằng chưa trả lời thoả đáng và không được tôn trọng

Vào tháng 2, mặc dù đã đối thoại với nhà cung cấp nhưng Leflair không đưa ra được giấy tờ kế toán, tài chính đầy đủ theo yêu cầu. COO của Leflair ước tính số công nợ mà sàn thương mại điện tử này chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD (khoảng hơn 46,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của nhóm 98 nhà cung cấp tổng số công nợ đã hơn 40 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng số công nợ của hơn 400 nhà cung cấp còn lại chỉ vào khoảng vài tỷ đồng?

Đầu tháng 2, Leflair tuyên bố dừng hợp tác với các nhà cung cấp nội địa. Không lâu sau đó, toàn bộ hoạt động kinh doanh bao gồm thị trường nước ngoài cũng chấm dứt. Trụ sở tại tòa nhà văn phòng Tp.HCM cũng đóng cửa suốt một tháng qua, mặc dù ngày càng nhiều đối tác đến đề nghị được đối chiếu công nợ.

Đến tối ngày 29/2, đại diện LeFlair gửi email cho các nhà cung cấp yêu cầu in xác nhận công nợ, ký tên, đóng dấu và gửi bản mềm cũng nhưng bản cứng để ký và đóng dấu xác nhận lại.

Tuy nhiên, do văn phòng công ty đã đóng cửa nhiều ngày nên hàng chục nhà cung cấp đến trụ sở để liên hệ thủ tục về công nợ thì không thể gặp được ai.

Thậm chí, chỉ một số nhà cung cấp lớn mới nhận được thông báo dừng hoạt động từ Leflair, những nhà cung cấp còn lại theo đó phải tự thân liên hệ Leflair để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện một nhà cung cấp cho hay, những lần đối thoại đầu tiên Leflair cho biết đang thương lượng với nhà đầu tư chiến lược.

Đến những phiên trao đổi sau, đại diện Leflair mới đưa ra 2 hướng giải quyết: Một là chờ đại diện tìm nhà đầu tư rồi sau đó sẽ trả lại cho mọi người hoặc Công ty sẽ làm các thủ tục để tuyên bố phá sản.

Mặc dù đã trao đổi hai bên, tuy nhiên phía Leflair theo ý kiến nhà cung cấp vẫn chưa cung cấp được những giấy tờ yêu cầu, người đại diện theo pháp luật, bộ phận tài chính kế toán cũng không xuất hiện.

Điều này khiến nhiều nhà cung cấp cảm thấy không được tôn trọng và "mơ hồ" về khả năng được hoàn tiền. Được biết thêm, không chỉ nhà cung cấp, nhiều khách hàng và nhân viên của Leflair cũng rơi vào tình cảnh khó khăn khi doanh nghiệp này ngừng hoạt động.

Theo đó, nhóm nhà cung cấp đã gửi đơn tố cáo doanh nghiệp cùng 2 nhà sáng lập lên các cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cục quản lý xuất nhập cảnh, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam...

Để gọi vốn thành công, cần khách hàng cũng như nhà cung cấp đánh giá quá trình làm ăn tốt và uy tín

Sang ngày 3/3, đại diện Leflair - ông Pierre (COO) tiếp tục gửi email cho các nhà cung cấp, nội dung email cho hay phía Leflair không có ý định rời khỏi Việt Nam và xác nhận rằng đang nỗ lực tìm kiếm kết quả tốt nhất cho nhà cung cấp. Email này được gửi đi trong bối cảnh Leflair đang thương lượng với một vài nhà đầu tư chiến lược và được yêu cầu cung cấp công nợ thực tế với nhà cung cấp.

Ôm nợ hàng chục tỷ, Leflair gửi gắm nhà cung cấp: Đang thương thảo với một số nhà đầu tư chiến lược, phải kiên nhẫn và đoàn kết mới thành công được! - Ảnh 2.

Trong thư, ông Pierre cho biết, Leflair đang thảo luận với một vài nhà đầu tư chiến lược, và để được rót vốn thành công thì đòi hỏi phải "kiên nhẫn và đoàn kết". Trước khi thoả thuận hợp tác chiến lược, nhà đầu tư yêu cầu xác nhận về các khoản nợ thực tế của Công ty trước khi đưa ra quyết định, do đó Leflair phải ký các bản đối chiếu nợ với từng đối tác.

Và, để có thể ghi điểm với nhà đầu tư, Leflair cần khách hàng cũng như nhà cung cấp đánh giá quá trình làm ăn tốt và uy tín. Do đó, sàn này yêu cầu các nhà cung cấp hạn chế làm việc với truyền thông để tránh tạo hình ảnh tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình thương lượng đầu tư.

Mặc dù vậy, điều đáng nói email ngày 3/3 của Leflair thông báo sẽ tổ chức một cuộc gặp chỉ với 50 nhà cung cấp (theo quan điểm Leflair là nhằm đạt được hiệu quả) gồm cả đại diện cho các nhóm nhà cung cấp tại văn phòng vào ngày 10/3 tới đây. Email cũng thông báo huỷ buổi hẹn ngày 4/3 trước đó, được biết email gửi đi vào chiều ngày 3/3.

Đáng chú ý, vị COO này cũng nhấn mạnh nhà cung cấp đừng đến văn phòng vì không có ai, thay vào đó nếu có bất kỳ ý kiến nào thì liên hệ với Leflair qua email. Hiện, nhóm các nhà cung cấp đang chờ đợi thông tin sẽ được Leflair phản hồi vào ngày 10/3 tới. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.