"Xa nhà là tự do, được phép tự mình quyết định mọi thứ", đây có lẽ là quan điểm của nhiều bạn trẻ khi nghĩ về cuộc sống đại học ở thành phố khác. Song, thực tế là cuộc sống những tháng đầu hay thậm chí những năm đầu xa nhà không hề dễ dàng, đặc biệt trong câu chuyện quản lý tài chính. Nhiều bạn trẻ đã gặp kha khá rắc rối khi không kiểm soát được chi tiêu của mình lúc còn là sinh viên năm nhất.
Khủng hoảng từ những tháng đầu tiên sống tự lập
Quế Anh (27 tuổi) khi nghĩ về cuộc sống thời đại học chia sẻ rằng mọi thứ dường như thay đổi hoàn toàn khi cô bắt đầu sống tự lập xa nhà. Lúc ban đầu, cô bạn cảm thấy vô cùng phấn khích khi chính thức được bước vào giai đoạn tự do. Tuy nhiên, khủng hoảng đã đến với Quế Anh từ những ngày đầu tiên.
"Tháng thứ nhất, thiếu tính toán khi sắm sửa cho nơi ở mới, mình đã bị hụt tiền nghiêm trọng và phải ăn mì gói đến nửa tháng cuối. Tháng thứ 2 cũng là cảnh tương tự, khi mình phải chi tiêu nhiều để mua tài liệu và dụng cụ học tập, cùng một số thứ linh tinh khác. Mọi thứ trở thành một vòng lặp vô tận về sự bội chi và thiếu hụt vào cuối tháng".
Mì gói cũng trở thành người bạn của Quỳnh Trân (20 tuổi) vào thời điểm mới sống tự lập. Vào năm nhất, có đợt các bạn cùng trọ rủ Quỳnh Trân đi đến một hội chợ mua sắm khá đắt so với ngân sách lúc đó. "Lần đầu được đi nên cũng lóa mắt, nhìn gì tụi mình cũng muốn mua. Đến lúc về đến nhà trọ cả đám mới ngớ ra: còn hơn nửa tháng mà tiền hết sạch rồi. Gần 20 ngày đó tụi mình ăn mì gói, uống nước lọc cho qua ngày, đợi tháng sau lãnh "lương" tiếp từ gia đình".
Bên cạnh đó, Quế Anh cũng cho rằng sai lầm đầu tiên mà nhiều sinh viên năm nhất thường mắc phải đó là không quản lý, không ghi chép chi tiêu rõ ràng cho nên là chưa hết tháng đã hết tiền là điều thường xuyên xảy ra. Nó dẫn đến việc cuối tháng sẽ thường phải chật vật, hoặc đi vay của bạn bè.
Sống xa nhà: Chi tiêu phải tính toán kỹ càng
Quỳnh Trân chia sẻ rằng khi còn ở với bố mẹ đi siêu thị không bao giờ nhìn giá. Đến giờ, ở một mình mua hũ bơ, hộp sữa cũng cân đo đong đếm với số tiền có trong ví. Nhưng cũng nhờ khoảng thời gian tự lập này, Quỳnh Trân chia sẻ rằng bản thân đã học được rất nhiều điều: "Tiền bạc khó kiếm, chi tiêu hợp lý. Đầu tư chính đáng. Thay vì tiết kiệm thì mình thường đầu tư số tiền mình có vào học tập, công việc để từ đó giúp mình kiếm nhiều hơn số tiền mình có. Nói chung là nên chi tiêu có kế hoạch".
Bên cạnh đó, Thủy Tiên (19 tuổi), chia sẻ rằng khi ở với bố mẹ sẽ không phải lo về tiền trọ cũng như tiền ăn uống hàng tháng nên tiền cá nhân có được sẽ tùy ý sử dụng mà không cần suy nghĩ. "Nhưng khi phải tự lo cuộc sống cá nhân thì tiền mình có sẽ phải lo vào những khoản ăn uống, đi lại và sẽ hạn chế chi tiêu các khoản khác".
Còn đối với Quế Anh điểm khác biệt lớn nhất chính là sự quyết định khi chi ra các khoản lớn. Tức là khi ở với bố mẹ, để quyết định mua một món đồ có giá trị lớn như một cái điện thoại chẳng hạn thì chắc chắn là sẽ phải thuyết phục ba mẹ mua cho. "Còn khi ra ở riêng thì mỗi tháng ba mẹ sẽ cho một khoản tiền và nếu mình muốn mua một cái gì đó có giá trị lớn thì mình sẽ không xin ba mẹ nữa tự tìm cách tích góp".
Bài học tài chính: Tự do là tự lo
Theo trải nghiệm cá nhân, Quế Anh nhận ra là thời gian đi làm thêm khi còn học đại học và tiết kiệm quá mức, đôi khi khiến bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng và có xu hướng tiêu tiền mất kiểm soát. "Vì vậy mà mình phải lên một lối sống điều độ ngay từ năm nhất, tạo dựng một kế hoạch chi tiêu hợp lý không quá gắt gỏng cũng không quá thoải mái với bản thân".
Thuỷ Tiên cũng từng hoang mang trong những tháng đầu tiên khi vừa mới "tự do" bởi vì không nghĩ rằng nó là tự lo. "Rất may sau vài tháng đầu mình cũng đã lập lại kế hoạch chi tiêu, ghi lại những khoản mình chi, thu. Ngoài ra, mỗi tháng mình sẽ để 1 khoản tiền đi làm được vào tiết kiệm".
Cô bạn rút ra được bài học là nên có 1 tài khoản tiết kiệm nhỏ, nên lập sổ chi tiêu những thứ cần chi thật chính đáng. Ví dụ trước khi mua thứ gì đó vì nó được quảng cáo nhiều hay nhiều người dùng thì tự hỏi nếu không có nó bản thân có sao không. "Tiêu đúng mục đích và có lợi đồng tiền sẽ trở thành tiền có giá trị. Hạn chế vay tiền bạn bè về những khoản ăn chơi không cần thiết vì nó có thể tạo thói quen vay tiền. Và điều quan trọng là vay tiền nếu như có khả năng trả".
Ảnh: NVCC