Từ trước đến nay, chi phí sinh hoạt ở quê luôn ít hơn vài phần so với mức sống ở thành phố. Bởi lẽ ngoài những món hàng được niêm yết giá thì giá cả chợ búa cũng rẻ hơn ít nhiều. Chưa kể đến việc sống ở quê còn giúp mọi người tự túc được một số khoản lương thực, thực phẩm.
Dẫu vậy trước tình hình bão giá đang "càn quét" khắp nơi như hiện tại, tiết kiệm vẫn là quốc sách. Ở vị trí tay hòm chìa khóa, phải sắp đặt các khoản chi tiêu trong nhà chị Phương Thanh (35 tuổi, Bắc Giang) cũng không ngoại lệ.
Dù đang sống ở quê song để tiết kiệm và đảm bảo sức khỏe cho chồng, chị vẫn chịu khó nấu cơm cho anh nhà mang đi làm hàng ngày. Những món ăn của chị Thanh đều là những thực phẩm dễ tìm kiếm ở các chợ quê như rau muống, cá, rau củ, tôm đất...
Cơm trưa chuẩn bị cho chồng được chị Phương Thanh chia sẻ trong nhóm Yêu bếp
Liên hệ với chủ nhân của loạt hộp cơm này, chị vợ trẻ cho biết mỗi hộp cơm đầy đặn như vậy chỉ dao động từ 30.000 - 40.000 đồng. Sở dĩ có được con số này là bởi gia đình Thanh đang sinh sống ở quê, chi phí không quá đắt đỏ như ở các thành phố lớn. Ngoài ra nhà Thanh còn được ông bà cung cấp thực phẩm sạch: "Ông bà nội có 1 mảnh vườn nhỏ, thường trồng rau và nuôi gà đẻ trứng cho cả gia đình".
Được biết tổng chi phí sinh hoạt, ăn uống cho gia đình 4 người nhà chị Thanh rơi vào khoảng 10 triệu đồng/ tháng, các khoản cũng tăng lên ít nhiều vì bão giá: "Thời buổi lạm phát như hiện nay, mọi phí sinh hoạt đều tăng, các khoản chi tiêu cho ăn uống sinh hoạt của gia đình mình nhìn chung đều tăng hơn so với trước".
Với nhiều anh chồng thì cơm vợ nấu vẫn là số 1!
Tuy nhiên chị vợ trẻ cũng cho biết khoản tiền xăng xe đi lại hàng ngày là tăng rõ rệt nhất, đặc biệt là khi chồng đi làm bằng ô tô. Hiện tại, mỗi tháng tiền xăng xe lên đến khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó chị Thanh lại chủ yếu di chuyển bằng xe đạp: "Cơ quan mình ở gần nhà. Nhà mình cũng có xe đạp thể thao nên đi làm, đi chợ, đưa đón con đi học hoặc đi đâu gần nhà mình đi xe đạp. Như vậy vừa giúp thể dục vừa giảm chi phí xăng xe".
Bên cạnh đó bản thân Phương Thanh cũng có cách tiết kiệm chi tiêu giữa mùa bão giá của riêng mình. Chị thường lên kế hoạch chi tiêu trong tháng cho cả gia đình và cân đối các khoản cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Kể rõ hơn về việc thuyết phục chồng mang cơm đi làm, Phương Thanh nói: "Mình bắt đầu nấu cơm cho chồng mang đi làm vào giữa năm 2020, tính đến nay cũng đã hơn 2 năm. Thời gian đó anh thường ăn cơm ngoài hàng, nhiều khi bận chỉ ăn qua loa cho xong bữa nên hơi gầy. Nhưng khi mình bảo nấu cơm cho mang đi thì anh lại không chịu vì không muốn vợ vất vả dậy sớm để nấu nướng.
Sau đó mình cứ tự dậy sớm để nấu, cho vào hộp sẵn và để vào xe ô tô nên tạo được thói quen mang cơm đi làm cho chồng. Từ khi làm được điều này, chồng mình đã tăng gần 3kg và đó chính là động lực để mình vào bếp hàng ngày".
Toàn những món đơn giản nhưng được người vợ đảm đang làm rất cẩn thận, ngon lành
Mỗi ngày, Thanh đều dậy sớm tập thể dục rồi chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà và bữa trưa cho chồng. Vì vậy để đỡ bị cập rập thời gian, Phương Thanh thường sơ chế thức ăn từ tối hôm trước, buổi sáng chỉ nấu thì sẽ nhanh hơn, chỉ mất khoảng 15 - 20 phút.
"Đối với các món cá, mình thường chiên qua trước rồi bảo quản trong hộp tup còn đối với các món thịt, mình ướp gia vị và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Sáng hôm sau chỉ việc nấu nên rất nhanh. Khi nấumình quan tâm nhiều đến việc cân bằng các món rau và món mặn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Ngoài ra chồng cũng khá dễ tính trong ăn uống nên mình thường làm những món đơn giản, dễ nấu và hợp khẩu vị" - Phương Thanh tiết lộ.
Một số hộp cơm khác của chị vợ đảm, hội yêu bếp thích nấu ăn mau mau tham khảo nè!
Nhìn thôi cũng thấy đói rồi mọi người nhỉ?
Ảnh: NVCC