Bánh mì ở đâu chẳng có, lại là món bình dân "không đáng" để kể công. Tuy nhiên, loại bánh bình dị ấy ở vùng đất đặc biệt này lại được người dân nhớ mãi bởi hương vị ngon của chúng. Người ta thường nói, chỉ người dân Quảng Ninh mới được thưởng thức hương vị đặc biệt của bánh mì mỏ. Thứ bánh mì ruộm vàng, vỏ mỏng, đặc ruột, dậy mùi thơm phức từ lâu ướp trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây một mùi vì cực kỳ đặc trưng, không lẫn vào đâu được của người thợ mỏ, cũng như người dân Quảng Ninh.
Quảng Ninh nổi tiếng là xứ Than trong cả nước. Và nhắc đến vùng đất này, người ta nghĩ ngay đến than chứ chẳng mấy ai biết bánh mì lại trở thành "đặc sản". Bánh mì là món ăn giữa ca làm việc cho công nhân, giúp mọi người hồi sức để tiếp tục công việc trong mỏ sâu. Và đương nhiên, loại bánh mì này không phải để bán.
Bánh mì mỏ được làm đầu tiên ở mỏ Mạo Khê, đến những năm 90 của thế kỷ trước, các mỏ bánh mì khác mới bắt đầu làm theo.
Được biết, mỗi người thợ mỏ khi bắt đầu những ca làm việc vất vả dưới lòng đất, nơi độ sâu hàng trăm mét dưới tầng lớp địa chất của Quảng Ninh, không chỉ được trang bị những kỹ năng cần thiết và sự can đảm để đối mặt với những thử thách khắc nghiệt của nghề, mà còn được chăm lo từng bữa ăn giữa ca với những phần ăn đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa gồm bánh mì nóng hổi và hộp sữa đầy dinh dưỡng.
Đối với họ, chiếc bánh mì không chỉ là thức ăn để xoa dịu cơn đói mà còn là nguồn động viên tinh thần, là hơi ấm của tình người, giữa bóng tối của mỏ than, là chỗ dựa tinh thần quý báu giúp họ vững vàng trở lại với công việc sau những phút nghỉ ngơi. Không chỉ thế, chiếc bánh mì ẩn chứa bên trong mình những câu chuyện và ký ức đáng nhớ về sự đồng cam cộng khổ và sự tiến bộ không ngừng của ngành khai thác mỏ.
Và đối với những đứa trẻ sinh ra ở đất than mang theo hương vị bánh mì mỏ mà lớn. Tuổi thơ họ, khi lớn lên với những miếng bánh mì thơm phức mà cha ông họ sau những ca làm việc vất vả đã mang về, nhường phần ngon nhất cho con cái, gửi gắm tình yêu thương và niềm tự hào của người lao động mỏ.
Cũng với các bước như nhào nặn bột mì, ủ cho đến khi bột nở phồng, từng đôi bàn tay khéo léo tạo hình cho những ổ bánh, rồi lại ủ cho bột lên men đúng cách, tiếp theo là khéo léo rạch những đường nhỏ trên mặt bánh để tạo hình, và cuối cùng là đưa bánh vào lò nướng đến khi chín tới - tất cả những công đoạn ấy, khi qua bàn tay của những người thợ làm bánh tài hoa ở vùng mỏ Quảng Ninh, đều biến hóa để tạo nên những chiếc bánh mì kỳ diệu với hương vị thơm lừng, đậm đà và khó quên. Cùng với bí quyết sử dụng nguyên liệu chính là sữa, bơ, trứng, đường và bột mì có tỷ lệ chuẩn xác, từng chiếc bánh mì ra lò đảm bảo sẽ làm hài lòng bất kỳ ai khi thưởng thức.
Trong các cộng đồng và hội nhóm yêu thích ẩm thực, có không ít lời ca ngợi, những tiếng thở dài nhớ nhung dành cho vị bánh mì mỏ đặc trưng của Quảng Ninh. Không thiếu những giả thiết về việc người thợ mỏ có thể đã sử dụng bột mì cấp trung bình từ châu Âu, phối hợp hoàn hảo với men số 1 của Pháp và bí mật nằm ở những kỹ năng nhào, ủ, lên men đặc biệt của họ. Dù những giả thiết ấy chưa bao giờ được thẩm định một cách công bố, thì một điều luôn được khẳng định chắc chắn đó là: mỗi người thợ làm bánh đều tin rằng, để tạo nên những chiếc bánh ngon, họ cần phải đặt cả tấm lòng và sự tận tâm vào trong từng chiếc bánh - và chỉ như thế, hương vị truyền thống mới có thể được giữ gìn, một "hương vị xưa" luôn sống mãi với thời gian.
Thời gian trôi qua, công nghệ phát triển, bánh mì mỏ truyền thống từng được nướng trên những chiếc bếp than giờ đây đã được nướng bằng bếp điện hiện đại. Sự thay đổi này không chỉ giảm bớt sức lao động mà còn tăng hiệu suất sản xuất lên đáng kể, giúp có thể tạo ra hàng nghìn chiếc bánh trong một thời gian ngắn mà không cần quá nhiều nhân công.
Ngày nay, bánh mì mỏ không chỉ là niềm tự hào của người dân Quảng Ninh mà còn trở thành một đặc sản nổi tiếng được nhiều người tìm kiếm, từ những cư dân địa phương cho đến du khách xa gần. Bất cứ ai muốn thưởng thức hương vị đặc trưng này đều có thể dễ dàng tìm mua ở các lò bánh mì nằm rải rác khắp khu vực Mạo Khê, Công ty than Hà Tu, Hà Lầm... ở Quảng Ninh.