Mới đây, chúng tôi nhận được chia sẻ kinh nghiệm từ một bạn về việc khắc phục tình trạng nước sinh hoạt nhiều tạp chất cơ học với nội dung như sau:
Chào các bạn! Mình chuẩn bị mua máy rửa bát nên đã tìm hiểu các thông tin liên quan và nhận thấy: bình thường khi sử dụng đã phải bỏ loại muối riêng để làm mềm nước, huống chi nếu sử dụng nước có nhiều tạp chất thì có thể càng nhanh bị tắc nghẽn đường ống nước hoặc nghẹt vòi phun.
Tay phun (vòi phun) của máy rửa bát là một bộ phận rất dễ bị tắc nếu chất lượng nước kém
Máy rửa bát là tài sản có giá trị rất lớn, do vậy mình cảm thấy không yên tâm về nguồn nước sinh hoạt nhà mình và đã quyết định tìm kiếm giải pháp. Do sẽ phải sử dụng trong thời gian dài nên yêu cầu đặt ra với giải pháp (nếu có) là:
Dễ lắp đặt, thi công;
Dễ bảo trì, bảo dưỡng;
Giá thành lắp đặt hợp lý, giá bảo trì, bảo dưỡng rẻ.
Lên phương án
Sau nhiều trăn trở thì mình đã chốt lại ở phương án lắp lọc nước từ trước khi bắt đầu cấp vào máy rửa bát, hay còn gọi là lọc đầu nguồn hoặc lọc sơ cấp đầu nguồn.
Trên thị trường có nhiều loại lọc nước thô đầu nguồn, của nhiều thương hiệu khác nhau và giá thì cũng dao động từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng, với cấu tạo gồm từ 1 đến 3 cốc lọc mắc nối tiếp khiến mình hoa cả mắt và rất hoang mang, không biết đằng nào mà chọn.
Kết quả tìm kiếm bộ lọc thô đầu nguồn cho ra ma trận kết quả
Trăn trở nối tiếp trăn trở, cân nhắc rất nhiều và cuối cùng mình lựa chọn lắp một cốc lọc 10 inch, ren đầu vào và đầu ra đều là loại 21 vì những lý do sau đây:
1. Nước dùng cho máy rửa bát không cần độ tinh khiết như nước uống nên sử dụng 3 cốc lọc dường như sẽ lãng phí và tốn diện tích;
2. Càng nhiều cấp lọc thì áp lực nước đầu ra sẽ càng yếu, trong khi máy rửa bát yêu cầu áp lực nước ổn định: tối thiểu 0,05 Mpa (0,5 bar), tối đa 1 Mpa (1 bar), nguồn nước cấp tối thiểu 10 lít/phút.
3. Lõi lọc thay thế có bán rất nhiều, rất dễ mua và giá thì không cao.
Sơ đồ lắp đặt
Nước từ ống dẫn trong tường đi ra được chia thành hai nhánh chính: nhánh bên phải đi ra máy giặt, nhánh bên trái ra máy rửa bát và một vòi nước. Mình sẽ để cốc lọc ở sau cái T chia ra vòi nước do chỉ có nhu cầu phục vụ cho máy rửa bát và như vậy thì lưu lượng nước đi qua lõi lọc sẽ giảm bớt, từ đó sẽ lâu phải thay lõi hơn.
Sơ đồ đường nước và bộ lọc dự kiến sẽ lắp đặt
Phía trước đường nước vào cốc lọc mình sẽ lắp một khóa nước để sau này nếu có sửa chữa, thay lõi lọc thì chỉ cần vặn khóa này chứ không cần phải khóa nước cả nhà.
Lựa chọn vật tư và đồ nghề
Cốc lọc mình chọn loại trong suốt để dễ quan sát độ bẩn/sạch của lõi lọc. Cả bộ gồm một cốc lọc, 1 lõi lọc số 1 với khe hở 5 micron, 2 cút 2 đầu 21 (màu đen), 2 cút nối ống ren ngoài 21, 1 van khóa nước, 2 dây cấp nước 40 cm giá đâu đó khoảng 180K. Băng keo cao su non và keo dán ống thì mình có sẵn rồi.
Đường kính trung bình của một sợi tóc người khoảng 70 micron nên mình nghĩ rằng lõi lọc số 1 là đủ với nhu cầu lọc cặn cho máy rửa bát. Sau này nếu chưa đủ hiệu quả thì việc thay bằng lõi số 3 với kích thước mắt lọc chỉ 1 micron cũng rất dễ.
Giá một chiếc lõi lọc số 1 trên thị trường chỉ từ 10K và có thể sử dụng từ 3 đến 6 tháng (1-3 nghìn đồng mỗi tháng) mới phải thay – tùy thuộc vào chất lượng nước và lưu lượng nước phải lọc, nhưng như vậy là quá rẻ rồi, phải không các bạn?
Mua lõi lọc số 1, 2 hay 3 đều rất dễ và rẻ
Do lắp cốc lọc chen vào đường ống đã có sẵn nên mình phải cắt ống. Mình có kéo cắt ống nhựa PPR nên đem ra xài luôn cho ống PVC này, các bạn có thể dùng sợi dây kẽm, lưỡi cưa sắt,... để cắt cũng được nha.
Để vặn các kết nối ren giữa ống cấp nước, cút ren và cốc lọc thì cần đến mỏ lết (có người gọi mỏ lếch), kìm nước hoặc cờ lê.
Các bạn có thể mua ngàm giữ ống nhựa cỡ 20 hoặc đai sắt giữ ống 21. Mình chọn loại ngàm 20 vì chỉ phải khoan 1 lỗ vào tường, trong khi đai sắt thì sẽ phải khoan 2 lỗ.
Bắt đầu nào!
Bước 1: Lắp đặt hoàn chỉnh bộ cốc lọc trước.
Các bạn dùng băng keo cao su non quấn vài vòng xung quanh cút ren đôi và vặn chặt vào 2 đầu nước vào/ra của cốc lọc rồi nối với 2 ống cấp nước.
Điểm dở là khi mua mình không hỏi luôn chỗ bán để lấy 4 con ốc gắn bát giữ cốc lọc, đành phải dùng 4 con vít inox. Vít hơi dài, nếu vặn thẳng tay sẽ làm thủng nắp cốc lọc nên mình đệm 4 chiếc ecu vào.
Bước 2: Khóa nước. Do đường ống ngoài logia nhà mình không có khóa riêng nên phải khóa từ đường nước tổng vào nhà, khá bất tiện.
Bước 3: Mở vòi để xả nốt lượng nước dư trong ống. Đường ống phải khô thì lắp đặt mới an toàn và hiệu quả nhé các bạn.
Bước 3: Đánh dấu các lỗ sẽ khoan để cố định cốc lọc vào tường, xác định vị trí sẽ cắt và lắp khóa nước.
Bước 4: Cắt ống.
Bước 5: Khoan các lỗ đã đánh dấu và lỗ để gắn ngàm giữ ống, đóng nở nhựa và cố định bộ cốc lọc, ngàm giữ ống.
Bước 6: Gắn khóa nước, dây cấp nước vào lọc và dây cấp nước ra vòi bằng keo dán ống PVC. Do khoảng cách hẹp mà dây cấp nước lại dài nên mình phải để xoắn như trong hình.
Bước 7: Đợi cho keo khô rồi mở van cấp nước tổng. Nếu các bước trên thực hiện đúng và cẩn thận thì ở bước 7 này nước sẽ không bị rỉ ra từ các chỗ ghép nối nha các bạn!
Ban đầu mình quấn ít băng keo cao su non nên nước bị rỉ ra
Vậy là đã xong rồi! Các bạn có thể áp dụng phương pháp này để lọc nước cho bồn rửa bát, bồn rửa mặt hay thậm chí là cả nước tắm. Do chúng ta dùng kiểu nối ren giữa ống nước cấp vào, cấp ra nên việc sửa chữa và thay thế sẽ cực kỳ đơn giản. Nếu bạn nào có phương án tốt hơn thì hãy chia sẻ giúp mình và mọi người cùng biết nhé!
Chút chia sẻ ngoài lề
Tất cả những thiết bị sinh hoạt trong gia đình từ đơn giản (như vòi sen, vòi rửa bát) đến phức tạp hơn (như ấm đun nước siêu tốc, bình nóng lạnh, máy giặt,...) đều cần được cung cấp nguồn nước sạch và ổn định.
Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì nước có nhiều tạp chất như canxi, mangan, sắt,... cũng khiến cho các thiết bị gia dụng nhanh bị trục trặc. Nhẹ thì cáu bẩn, nghẹt lỗ phun (đối với vòi sen tắm, vòi rửa bát), nặng thì nhanh bị ăn mòn, hỏng thanh đốt (đối với máy giặt, bình nóng lạnh) hoặc thậm chí là gây cháy mô tơ do bị kẹt cứng vì các chất lắng cặn trong nước.
Chúc các bạn thành công!