Ngày 27/11, Viện nghiên cứu Rupert Hoogewerf (tên tiếng Trung là Hồ Nhuận (Hurun) - một doanh nghiệp nghiên cứu, truyền thông và đầu tư, nổi tiếng với Hurun Rich List - bảng xếp hạng những cá nhân giàu có nhất Trung Quốc) công bố Danh sách nữ doanh nhân Hurun 2020. Trong đó, khối tài sản cá nhân của nữ tỷ phú Lưu Sướng đã tăng từ 30 tỷ tệ (tương đương 10 nghìn tỷ đồng) lên 270 tỷ tệ (tương đương 95 nghìn tỷ đồng), cộng thêm tài sản của mẹ, tổng tài sản của cô là 300 tỷ tệ (tương đương 106 nghìn tỷ đồng) và đứng thứ 20 trong danh sách.
10 năm không lộ diện trước truyền thông
Lưu Sướng sinh tháng 4/1980, là ái nữ của tỷ phú Lưu Vĩnh Hảo, chủ tịch tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc New Hope. Hiện cô đang nắm giữ 9,09% cổ phần của tập đoàn, thêm vào đó còn gián tiếp nắm giữ cổ phần của hai công ty niêm yết là New Hope Group và China Minsheng Bank (Ngân hàng Trung Quốc Minsheng).
Mặc dù Lưu Sướng không xuất thân từ gia đình làm nông, nhưng với kinh nghiệm kinh doanh phong phú của bố trong ngành nông nghiệp, cô thường xuyên được tiếp xúc với chăn nuôi, trồng trọt. Chính bản thân Lưu Sướng cũng từng nhận định bản thân "ăn ngô mà lớn".
Lưu Sướng không phải "trâm anh thế phiệt" chính tông, cô cũng có 1 tuổi thơ hết sức bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí còn làm những điều nông nổi khi còn trẻ.
Đến năm 1996, Lưu Sướng được bố gửi sang Mỹ du học. Cũng từ đây, ông Lưu đặt ra 1 quy tắc cho cô là "trong 10 năm không lộ diện trước báo giới". Sau khi lấy được bằng MBA (Thạc sĩ kinh doanh) vào năm 2002, cô trở về Trung Quốc. Tiếp đó, cô theo học ở Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia của Đại học Bắc Kinh, dưới sự dạy dỗ của nhà kinh tế học kiêm Phó Tổng giám đốc của Ngân hàng Thế giới Lâm Nghị Phu, theo học kinh tế vĩ mô và vi mô, rồi thi lấy bằng EMBA (Thạc sĩ Điều hành Cấp cao).
Khi Lưu Sướng về nước, New Hope Group và ông Lưu Vĩnh Hảo đã nức tiếng trong giới chính trị và kinh doanh Trung Quốc. Nhưng mãi đến năm 2011, mọi người mới biết đến cô "con gái rượu" của tỷ phú Lưu, bởi trước đó mọi thông tin của cô đều được giấu kín. Sự cẩn thận và chu toàn này cũng xuất phát từ tình yêu mà ông Lưu dành cho con gái, ông không muốn báo giới khai thác thông tin về đời tư của cô. Do đó, trong suốt 10 năm Lưu Sướng đều mang họ mẹ - bà Lý Nguy, và sống dưới cái tên Lý Thiên Mị.
Tôi luyện suốt 12 năm để tiếp quản cơ nghiệp
Được biết, để kế thừa cơ ngơi khổng lồ của bố, Lưu Sướng đã phải nỗ lực mài giũa kinh nghiệm trong suốt 12 năm không ngừng nghỉ. Kể từ khi về nước, cô bắt đầu với việc đảm nhiệm các chức vụ như giám đốc văn phòng, giám đốc và phó tổng giám đốc tại các chi nhánh chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, sữa ở tỉnh Tứ Xuyên của New Hope Group.
2 năm sau đó, do áp lực công việc quá lớn, cô đành xin nghỉ 1 thời gian để điều chỉnh lại tâm trạng. Năm 2004, Lưu Sướng đã mở một cửa hàng nhỏ bán đồ trang sức độc lạ trên đường Chunxi - khu phố mua sắm dành cho người đi bộ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tuy nhiên, cửa hàng của cô phải đóng cửa rất nhanh vì kinh doanh không tốt.
Sau 1 thời gian nghỉ ngơi, Lưu Sướng chuyển sang lĩnh vực bất động sản và đến Thượng Hải phụ trách kinh doanh một khu văn phòng cao cấp do New Hope Group xây dựng, được đặt trụ sở tại khu công nghệ cao Trương Giang (là một công viên công nghệ thuộc quận Phố Đông của Thượng Hải, Trung Quốc).
Vào năm 2006, Hurun lần đầu tiên công bố danh sách Những người phụ nữ giàu nhất, và Lưu Sướng được vinh danh ở vị trí thứ 9 khi mới 26 tuổi. Đồng thời, cô cũng trở thành người phụ nữ trẻ tuổi giàu có nhất Trung Quốc với giá trị tài sản 25 tỷ tệ (tương đương 9 nghìn tỷ đồng).
Năm 2011, tỷ phú Lưu Vĩnh Hảo, 60 tuổi, đã đưa Lưu Sướng đến Bắc Kinh để tham gia cuộc họp thường niên toàn quốc, lần này ông đã chủ động giới thiệu con gái với báo giới.
Nhắc đến vấn đề kế nhiệm, vào thời điểm đó Lưu Vĩnh Hảo từng nói rằng: "Về việc người thừa kế, thứ nhất, con gái tôi vẫn đang trong quá trình trưởng thành, sau này có quyền lựa chọn kế thừa hay không. Thứ hai, tập đoàn cho đến nay đã có quy mô đáng kể, nhưng chỉ dựa vào một người thôi là chưa đủ, cần phải chiêu mộ thêm những nhà quản lý xuất sắc. Thứ ba, chúng tôi muốn phân quyền một cách hợp lý và có một cơ cấu quản trị chuẩn hóa, chặt chẽ và minh bạch hơn. Con đường này nếu chỉ dựa vào một người thực hiện sẽ không thể thành công."
3 tháng sau, Lưu Sướng trở thành Bí thư Đoàn Thanh niên của New Hope Group, một số người nói đùa rằng cô là Bí thư Đoàn Thanh niên giàu nhất Trung Quốc. Vào tháng 11 cùng năm đó, Lưu Sướng lần đầu tiên tham gia vào Hội đồng quản trị của New Hope Group với tư cách là một giám đốc không độc lập mới được bổ sung (Giám đốc không điều hành, giám đốc độc lập hoặc giám đốc bên ngoài là thành viên hội đồng quản trị của công ty hoặc tổ chức, nhưng không phải là thành viên của nhóm quản lý điều hành).
Vào ngày 22/5/2013, ông Lưu Vĩnh Hảo từ chức chủ tịch New Hope Group và ái nữ của ông chính thức được thừa hưởng đế chế kinh doanh của bố.
Được biết, Lưu Sướng đã từng trăn trở rất nhiều để quyết định xem điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời cô, là tiếp quản công việc kinh doanh do chính bố mình sáng lập, hay làm điều gì đó mà cô cho là ý nghĩa và thú vị hơn?
Trong bài phỏng vấn với tờ Business News Daily, cô cho biết muốn sử dụng khả năng và những gì mình học được để giúp bố mẹ: "Tôi biết tôi không phải là người duy nhất có thể đảm nhận vị trí của bố, nhưng tôi sẽ trung thành tuyệt đối với cơ nghiệp cả đời của ông và dùng hết khả năng để bảo vệ nó."
Tài sản cá nhân tăng gấp 11 lần trong 7 năm
Trong năm đầu tiên Lưu Sướng nhậm chức, doanh thu của New Hope Group là 694 tỷ tệ (tương đương 246 nghìn tỷ đồng), giảm 5,25% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng là 18,99 tỷ tệ (tương đương hơn 6 nghìn tỷ đồng), tăng 11,20% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược sự sụt giảm lợi nhuận ròng của công ty.
Trong báo cáo thường niên của công ty, New Hope Group đã tổng kết do điều chỉnh cơ cấu, biện pháp thúc đẩy chuyển đổi và đổi mới phương thức kinh doanh một cách toàn diện của ban giám đốc mới đã giúp tăng hiệu suất, điều này chứng tỏ rằng Lưu Sướng hoàn toàn có thể đảm nhận trọng trách lớn.
Vào năm 2014, sau khi thực hiện nốt kế hoạch "chiến lược 3 năm" do bố mình đề xướng, Lưu Sướng đã nêu rõ chí hướng và tham vọng to lớn của mình là "trở thành một doanh nghiệp nông nghiệp và chăn nuôi đẳng cấp thế giới".
Tuy nhiên, những năm sau đó, thành tích của New Hope Group không khởi sắc như mong đợi. Trước tình hình đó, Lưu Sướng đã mạnh dạn đưa ra một kế hoạch "chiến lược 5 năm" vào giữa năm 2017.
Sau đó, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm xuống mức 17 tỷ tệ (tương đương 6 nghìn tỷ đồng) bằng năm 2012. New Hope Goup cho rằng sự sụt giảm hiệu quả hoạt động của công ty là do giá lợn giảm trong thời gian dài và sản lượng toàn ngành giảm do dịch tả lợn Châu Phi gây ra.
Bước sang năm 2019, giá cổ phiếu của New Hope Group bắt đầu tăng mạnh trở lại. Tháng 2 năm nay, giá trị thị trường của tập đoàn đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ tệ (tương đương 354 nghìn tỷ đồng). Sang đến đầu tháng 9, giá cổ phiếu của New Hope Group đã vượt 42 tệ (tương đương 149 nghìn đồng), giá trị thị trường có đợt vượt 1.800 tỷ tệ (tương đương 638 nghìn tỷ đồng), tăng hơn 6 lần kể từ khi Lưu Sướng kế nhiệm. Doanh thu của New Hope Group vào năm 2019 đã tăng lên 820 tỷ tệ (tương đương 291 nghìn tỷ đồng) và lợi nhuận ròng của công ty tăng lên 50 tỷ (tương đương 18 nghìn tỷ đồng), tăng 196% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho đến thời điểm hiện tại, Lưu Sướng vẫn đang cố gắng chứng minh thực lực bản thân để thoát khỏi cái mác "con gái tỷ phú Lưu Vĩnh Hảo". Cô cho biết: "Bởi vì tôi có một người bố giàu có, nên có thể trải nghiệm nhiều phương thức tiêu dùng hơn và nhờ đó trở thành người tiêu dùng thông thái. Đó là lợi thế phải tận dụng. Như bố tôi đã từng nói, 5 tệ (tương đương 18 nghìn đồng) cắt tóc cũng phải tiết kiệm, tôi không muốn dùng cơ ngơi cả đời của bố để chi tiêu cho những việc vô bổ. Thay vào đó, tôi phải nỗ lực hết mình để chứng minh bản thân không chỉ xứng đáng mà còn là người dẫn đầu."
Nguồn: Tổng hợp