Nữ chuyên gia 'màng sinh học' đi làm hàng không vũ trụ

Thu Hà | 08-03-2022 - 12:27 PM

(Tổ Quốc) - Năm 2016, trở về Việt Nam sau gần 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ, TS Giang Thanh Hà gia nhập Viettel. Quyết định này đã làm cả người thân lẫn bạn bè của chị "vừa khó hiểu vừa lo lắng".

Lúc đó Viettel được biết đến chủ yếu là tập đoàn viễn thông nên không ai hiểu chuyên ngành cơ kĩ thuật (giao thoa giữa cơ học và sinh học) của TS Hà sẽ được "dụng võ" như thế nào. "Luận án tôi bảo vệ hồi 5/2013 tại Viện Công nghệ California (Caltech) là về màng sinh học nên mọi người càng thắc mắc", TS Thanh Hà nhớ lại.

Nữ chuyên gia 'màng sinh học' đi làm hàng không vũ trụ - Ảnh 1.

Bạn bè, người thân cũng lo TS Hà vốn quen sống, làm việc ở một môi trường khá cởi mở, tự do ở nước ngoài, chuyên ngành lại đặc thù nên không biết liệu có thích nghi được với một doanh nghiệp quân đội vốn có tiếng là "kỷ luật thép" không… Trước khi về có người còn dọa cẩn thận dễ "sốc văn hoá ngược" với môi trường trong nước. "Nhưng nhiều bạn bè cũng động viên tôi cứ về đi, Việt Nam giờ khác xưa cũng nhiều rồi", TS Hà chia sẻ.

"Thực ra lĩnh vực cơ kĩ thuật có phổ ứng dụng rất lớn ở nhiều mảng khác nhau. Làm nghiên cứu cơ bản, rồi mô phỏng lâu năm nên tôi cũng muốn thử sức mình với những sản phẩm thực tế cầm nắm được. Khi thấy Viettel tuyển dụng nhân sự làm trong mảng hàng không vũ trụ, tôi đã nộp đơn ngay".

Năm 2016 là giai đoạn đầu Viettel đầu tư phát triển lĩnh vực hàng không vũ trụ (HKVT) và bắt đầu quá trình xây dựng Viện HKVT Viettel (VTX). Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, đòi hỏi trình độ cao ở tầm thế giới đồng thời rất khó tiếp cận công nghệ do độ bảo mật cao, hầu hết các quốc gia không chuyển giao.

Nữ chuyên gia 'màng sinh học' đi làm hàng không vũ trụ - Ảnh 2.

Những lo ngại ban đầu của TS Hà nhanh chóng qua đi. Thậm chí chị còn thích nghi khá nhanh với môi trường làm việc của VTX. Để triển khai những công việc mới, khó, Viettel lúc đó đã có những chính sách đặc biệt trong trọng dụng, thu hút nhân tài. Nhiều chuyên gia giỏi, hàng đầu trong lĩnh vực HKVT, trong đó có  nhiều người từng làm việc ở những tập đoàn hàng lớn nhất nhì thế giới về đầu quân cho VTX.

"Phần lớn đội ngũ VTX là các anh chị em có nhiều năm học tập, làm việc ở nước ngoài nên chúng tôi có sự hoà đồng rất nhanh. VTX cũng là môi trường làm việc chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, các quy trình, tiêu chuẩn quốc tế cũng là yếu tố giúp chúng tôi yên tâm công tác".

Điểm đặc biệt về cơ hội thăng tiến ở Viettel

Công việc chính của TS Hà tại VTX chủ yếu liên quan đến việc thiết kế kết cấu cho các sản phẩm đặc biệt là các vật thể, thiết bị bay. "Vật thể trong quá trình bay hoặc bảo quản, vận chuyển đều chịu những tác động của điều kiện môi trường như tải trọng, nhiệt độ… Chúng tôi phải làm sao tính toán, mô phỏng đưa ra các thiết kế đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật, đảm bảo tuổi thọ sản phẩm ít nhất từ 5-10 năm".

Giải thích của TS Hà nghe đơn giản nhưng thực tế đây đều là những bài toán đa vật lý hết sức phức tạp đòi hỏi nhiều phương pháp tính toán, mô phỏng. Đặc biệt đây lại là mảng việc hầu như không có sự chia sẻ về chuyên môn. "Trong nước hầu như không có chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, ở nước ngoài thì do yêu cầu công việc mình không trao đổi được nên để hoàn thành công việc đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ VTX", TS Hà chia sẻ.

Sau hơn 5 năm gắn bó với Viettel, điều mà TS Hà tâm đắc nhất là chuyện ai cũng có cơ hội để thử sức nhất là những việc mới, việc khó. "Nhiều anh chị em của VTX mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng khi chứng minh được năng lực là đều được tin tưởng giao trọng trách, không phân biệt nam nữ, học trong nước hay ngoài nước".

Nữ chuyên gia 'màng sinh học' đi làm hàng không vũ trụ - Ảnh 3.

Theo TS Hà, tại Viettel từ nhiều năm qua việc trao quyền cho phụ nữ, xây dựng niềm tin của chị em trong ngành khoa học công nghệ (KHCN) đã cho thấy những kết quả rất đáng khích lệ. Viettel hiện nay đội ngũ CBNV nữ đã góp mặt và có những đóng góp quan trọng tại tất cả lĩnh vực hoạt động kể cả lĩnh vực mới và khó như phát triển 5G, radar, hàng không vũ trụ… Đặc biệt Viettel nằm trong số ít các doanh nghiệp có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao, với tỷ lệ gần 36% các "tư lệnh ngành" là nữ.

Trên thực tế, giai đoạn đầu VTX gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt trong định hướng phát triển. Thời kỳ đó rất áp lực với hàng loạt nhiệm vụ gấp gáp. Có những lúc "nước sôi lửa bỏng", dù đang phải nuôi con nhỏ, TS Hà "về nhà ăn cơm xong lại ôm máy tính". Có khi nửa đêm lãnh đạo lại gọi điện hỏi kết quả. Việc liên tục phải thức đêm để chạy deadline trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Chuyển từ làm nghiên cứu sang làm sản phẩm thực tế cũng là thách thức mà TS Hà và các cộng sự phải vượt qua. Phát triển sản phẩm thực tế đòi hỏi deadline là ưu tiên hàng đầu, deadline đúng là "sống chết" chứ không phải là deadline "mềm" như nghiên cứu.

"Khi nghiên cứu cơ bản còn thấy khúc mắc phải đào sâu ra vấn đề. Còn làm sản phẩm là cả một dây chuyền nối nhau, chậm một khâu là ảnh tưởng toàn bộ quá trình. Chính vì vậy áp lực rất lớn", TS Hà tâm sự.

Theo đuổi đam mê: Áp lực cũng là động lực

Khi được hỏi về kinh nghiệm thành công TS Thanh Hà nói chị không có bí quyết gì ngoài chuyện "làm việc và làm việc". "Đam mê như một thứ kích thích, động viên mình vượt qua những khó khăn. Rất nhiều lần công việc tưởng chừng đi vào ngõ cụt nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến bỏ cuộc. Tính chất công việc ở đây thiên về kỹ thuật với nhiều thử thách. Đó là áp lực nhưng cũng là động lực. Mỗi khi chinh phục được thì mình thấy rất hạnh phúc".

Chia sẻ với các bạn gái trẻ muốn đi theo con đường làm khoa học, TS Hà nhấn mạnh "phụ nữ theo ngành KHCN phải xác định là sẽ vất vả hơn và phải hy sinh nhiều hơn các ngành khác". Điều quan trọng, theo TS Hà là để theo đuổi ngành KHCN phụ nữ "hãy cứ gạt những định kiến sang một bên, tĩnh tâm xem đam mê của mình là gì để theo đuổi".

"Ngoài chuyên môn các bạn nữ cũng nên học cách giữ cân bằng trước các áp lực. Sẽ không có một lời giải chung cho tất cả mà mỗi người người sẽ tìm ra cách của riêng mình", TS Thanh Hà chia sẻ

Bên cạnh đó, theo TS Hà các bạn gái trẻ đi theo con đường KHCN nên tìm một mentor (cố vấn) để học hỏi và và được hướng dẫn. "Khi ở Mỹ tôi may mắn có được hai người thầy hết lòng chỉ bảo, hướng dẫn. Thực tình nếu không có các thầy, tôi cũng khó có được những thành quả như hôm nay". Một điều quan trọng khác, theo TS Hà là cần "không ngừng học hỏi". KHCN đang phát triển nhanh chóng và làm việc trong lĩnh vực này thực sự rất thú vị. "Luôn học hỏi, cập nhật những tiến bộ công nghệ mới nhất trong ngành giúp các bạn tự tin và phát triển chuyên môn nghề nghiệp của mình".

Không có thần tượng nhưng TS Thanh Hà cho biết chị chịu ảnh hưởng lớn của 2 người thầy trong giai đoạn học tập, làm việc tại Mỹ. Trong đó có GS Kaushik Bhattacharya (Caltech) người trong suốt 7 năm đã hỗ trợ, động viên và hướng dẫn khóa luận cho TS Hà.

"Mỗi khi gặp vấn đề khó tôi lại nghĩ nếu là thầy mình thì ông sẽ xử lý như thế nào, tìm hướng đi ở đâu". Một "người thầy" khác đã truyền cảm hứng cho TS Hà rất nhiều là Richard Feynman (1918-1988), nhà vật lý người Mỹ gốc Do Thái từng nhận giải thưởng Nobel năm 1965. Ông không chỉ là một nhà khoa học thiên tài mà còn là một nhà sư phạm xuất sắc với khả năng giảng giải đơn giản hoá các vấn đề vật lý phức tạp để hầu hết mọi người có thể hiểu được. "Tư duy đơn giản hoá những vấn đề phức tạp của ông cũng là phương pháp tôi vẫn thường vận dụng để giải quyết các bài toán của mình".


CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM