Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ

Trần Đức - Ảnh: Phương Vy - Thiết kế: Tom | 08-03-2021 - 15:32 PM

(Tổ Quốc) - Không màng đến những ý kiến xung quanh, Mai Trinh quyết định chọn chiếc BMW 330i chỉ trong “3 nốt nhạc” để thỏa mãn niềm đam mê sau tay lái.

Khi lệnh đóng cửa các quán cà phê vừa được gỡ bỏ, không khí tại quán cà phê mà tôi ngồi vẫn còn ảm đạm vì dường như mọi người chưa thực sự quay lại nhịp sống như trước. Khi mọi thứ đang trầm lắng xuống thì một chiếc BMW 330i M Sport xanh rực rỡ đỗ ngay ngắn trước cửa khiến tôi không khỏi bất ngờ. Bước xuống xe là một cô gái trẻ mà tôi đã hẹn gặp từ trước, nhưng tôi không nghĩ rằng chiếc xe lại có màu sơn nổi bật đến thế.

“Không chỉ anh mà tôi cũng ngạc nhiên lúc nhận chiếc xe này,” Mai Trinh, cô gái sở hữu chiếc xe BMW, cười nói.

“Tại sao lại như vậy? Chẳng lẽ đây là một món quà bất ngờ ư?” - tôi hỏi lại.

“Không. Chiếc xe này do chính tôi chọn. Tôi cũng chủ ý chọn màu xanh,” Trinh trả lời.

Trinh nói tiếp: “Khi đó dòng BMW 330i này có một số tùy chọn màu sơn như đen, trắng và xanh. Tôi thích màu xanh hơn cả vì màu đó hợp mệnh. Tại đại lý ở Hà Nội khi đó không có xe trưng bày nên tôi cũng chưa hình dung được là màu xanh đó ra sao. Tôi được cho biết rằng THACO đợt đó nhập về 6 chiếc màu xanh thì tất cả đều nằm ở TP. HCM. Chiếc của tôi nằm trong 6 chiếc đó, được vận chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội. Ban đầu tôi nghĩ đó là màu xanh sẫm như trên một số dòng BMW cũ hay cả những dòng Mercedes khác. Tôi chủ đích chọn xanh sẫm để không quá nổi bật. Đến lúc nhận xe tôi mới thấy hết hồn vì màu xanh này quá nổi và thu hút sự chú ý. Màu này họ gọi là Portimao Blue - màu xanh đặc trưng dành cho dòng sedan của BMW.”

Và thế là câu chuyện với cô gái sinh năm 1997 đang sở hữu chiếc BMW 330i M Sport 2020 bắt đầu từ đó. Trinh đang sinh sống tại Hà Nội và làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Trinh có nói rằng khi đó đại lý không có xe trưng bày. Vậy tại sao Trinh vẫn quyết định lấy chiếc 330i dù không xem trước và không hề chạy thử?

Từ lúc nghĩ đến việc lấy chiếc 330i cho đến lúc đưa ra quyết định mua chiếc xe này nhanh lắm. Nó chỉ trong 3-4 ngày thôi, nhưng đó là những ngày đáng nhớ.

Do không có xe mẫu ở đại lý nên bố tôi đã phải đi tìm bằng được cho tôi một người đang sở hữu phiên bản 330i. Xe đời mới không có rồi, nên đành phải tìm đời cũ. Gọi là đời cũ chứ dòng xe cách đây 2-3 năm vẫn dùng chung động cơ với dòng mới bây giờ. Mà tìm dòng cũ cũng không hề đơn giản. Bố tôi đã phải nhờ tìm qua người quen, rồi trên các hội nhóm sử dụng BMW, mà đa số họ đi 320i chứ không phải 330i. Mãi đến 3 ngày sau, bố tôi mới nhờ mượn được chiếc 330i (đời F30) cho tôi chạy thử. Chạy xong mê quá, tôi quyết định đặt liền chiếc 330i mới tại đại lý.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 2.

Tại sao nhất định phải lại là 330i chứ không phải 320i? Có lẽ người ta thường thấy phụ nữ cầm lái những chiếc xe nhẹ nhàng thôi. Với Trinh chẳng hạn, động cơ trên 330i liệu có mạnh mẽ quá không?

Tôi là người mê cầm lái. Tôi thích những chiếc xe mạnh. Thật ra ban đầu tôi có đi xem chiếc 320i trước. Đến khi so sánh trang bị trên 320i và 330i thì tôi thấy hai phiên bản này khác nhau quá nhiều chứ không chỉ là mỗi động cơ. Bản 330i có ngoại hình thể thao hơn hẳn. Bộ body M Sport trông đã hơn, vô-lăng thể thao hơn, bộ vành nhiều nan 18 inch, rồi phanh M, giảm xóc thích ứng điều chỉnh được… quá đủ để khiến tôi nghiêng về phiên bản này.

Thậm chí, vào năm 2017, khi còn ở Mỹ, tôi đã xem và thích chiếc BMW M5 rồi. Đó không chỉ là chiếc xe đẹp mà còn rất mạnh nữa.

Sau khi Trinh mua chiếc 330i M Sport này, ắt hẳn sẽ có nhiều người hỏi chứ? Một cô gái cầm lái chiếc BMW, lại còn là bản thể thao nữa. Tôi thấy ở phân khúc xe này, nữ giới có xu hướng chọn Mercedes-Benz C-Class như C 300 AMG chẳng hạn, hay Audi A4, vì những chiếc xe này trông nữ tính hơn.

Có nhiều người ngạc nhiên và thắc mắc chứ. Có lần tôi đi rửa xe, có lẽ bởi chiếc xe màu nổi quá nên mấy anh cũng đi rửa xe cùng liền tới hỏi chuyện. Họ bắt đầu hỏi rằng đây có phải mâm độ không mà trông đẹp thế, rồi họ nói thêm rằng chiếc xe có phần hơi nam tính so với tôi. Họ cũng thắc mắc là tại sao tôi không mua Mercedes, thấy tôi hợp với những chiếc C 200 hay C 300 hơn.

Chẳng biết trả lời sao nữa, đơn giản là tôi thích thôi.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 3.

Thú thực là ban đầu tôi cũng có một chút nào đó nghĩ đến Mercedes rồi, nhưng không phải C 300 mà là E 300 AMG. Chiếc E 300 với 330i có giá chênh lệch không quá nhiều, mà E thì lại ở phân khúc cao hơn. Tôi có chạy thử chiếc E 300 loanh quanh trong phố thì cái mà tôi không thích nhất ở chiếc xe là vô-lăng nhẹ và hơi hời hợt so với 330i mà tôi đã chạy thử trước đó. Tôi thích cảm giác đầm chắc hơn. Do không có thời gian nhiều và đường thử rộng nên tôi chưa được trải nghiệm chiếc E 300 đủ để so sánh về cảm giác lái. Tuy vậy, chỉ mỗi cảm giác vô-lăng thôi cũng khiến tôi quyết định lấy 330i rồi.

Chiếc 330i này đã phải chiếc xe đầu tiên của Trinh chưa?

Đây là chiếc xe đầu tiên của tôi ở Việt Nam chứ không phải chiếc đầu tiên tôi sở hữu. Hồi năm 2017, tôi có sang Mỹ du học và sử dụng chiếc BMW X3. Tôi dùng chiếc xe đó trong 3 năm, sau đó về Việt Nam năm ngoái thì lấy chiếc 330i này.

Tôi thấy xu hướng chung là chuyển từ sedan sang SUV/CUV. Tại sao Trinh lại chọn ngược lại, đổi từ xe gầm cao xuống xe gầm thấp?

Tôi vốn thích xe gầm thấp nhưng bởi khi ở Mỹ, tôi đi học đều phải đi cao tốc, đường nhiều container và xe tải lớn nên nếu chạy sedan cảm giác không tự tin. Về đến Việt Nam, tôi mới chọn sedan đi cho thuận tiện. 330i với X3 về cơ bản không chênh lệch nhiều về kích thước nhưng khi ngồi trong chiếc sedan vẫn có cảm giác đi lại gọn gàng hơn. Chạy đường trường  hay vào cua thì chiếc 330i thích hơn hẳn, cảm giác xe ghì xuống đường nhờ trọng tâm xe thấp, chuyển làn đường cũng rất lanh lẹ, ôm cua chính xác hơn.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 4.

Vậy là Trinh đã sử dụng qua 2 chiếc BMW. Bạn bắt đầu biết đến và thích BMW từ bao giờ? Liệu có phải là từ khi cầm lái chiếc X3 ở bên Mỹ?

Không đâu. Tôi thích BMW từ rất lâu rồi và tôi nghĩ một phần lý do là bởi ảnh hưởng từ cha mẹ. Cả bố và mẹ tôi đều thích BMW. Các đây khoảng gần 20 năm, vào năm 2002 gì đó, bố tôi có mua một chiếc 3-Series. Tôi không nhớ rõ nó là phiên bản gì nữa. Tôi chỉ nhớ rằng mẫu xe rất ít người đi. Ở dòng phổ thông, Innova vào những năm sau đó thì gây sốt, còn ở phân khúc xe sang thì mọi người chuộng Mercedes-Benz hơn. Ít ai mua BMW lắm.

Sau chiếc 3-Series đó thì bố tôi có đổi qua các dòng khác như X5, trải nghiệm một chút X6 rồi đến X7. Mẹ tôi từng dùng chiếc 118i. Đến tôi thì tôi chọn chiếc 330i. Cả nhà đều là “fan Bim” cả.

Bố tôi từng nói với tôi rằng ông rất tin tưởng vào ngành công nghiệp cơ khí của Đức. Những chiếc xe Đức luôn an toàn với khung gầm và thân vỏ chắc chắn. Nó bảo vệ hành khách tốt nhất trong những tình huống va chạm xảy ra. Hơn nữa, bố tôi còn nói một cụm từ mà tôi nhớ như in là xe BMW “tôn trọng người lái”. Nó không chỉ mang đến sự yên tâm cho người ngồi bên trong mà còn mang đến cảm xúc cho người cầm vô-lăng. Cảm giác mình và chiếc xe như hòa vào làm một.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 5.

Có lẽ cảm giác lái là thứ ấn tượng nhất của xe BMW đối với Trinh. Vậy nói riêng về chiếc 330i này, Trinh đánh giá thế nào?

Thật sự phấn khích mỗi khi đạp ga. Vượt xe hoàn toàn dễ dàng mà nhiều khi không cần dùng đến lẫy chuyển số.

Tôi là người thích lái. Trong tuần đi làm từ nhà đến công ty quãng đường khoảng 15 km thì đều là đường đô thị nên không được thỏa mãn cảm xúc. Vậy nên cuối tuần thỉnh thoảng có thời gian rảnh, tôi lại lấy chiếc xe đi. Nhiều lúc còn chẳng biết mình đang đi đâu nữa, đơn giản chỉ là để thỏa mãn đam mê, để giải tỏa căng thẳng sau cả tuần bận rộn với công việc.

Nói về trang bị thì bản M Sport này đáp ứng gần như đủ. Có một điều khiến tôi không hài lòng là đây chưa phải bản “full option”, vẫn có những chỗ chờ để thêm tính năng. Ví dụ như sạc không dây chẳng hạn, nó nằm lù lù ở đó mà không sử dụng được vì thực chất đã bị cắt đi. So với bản M Sport bên Thái Lan thì bản Việt Nam còn thiếu nhiều thứ nữa.

Như với Porsche chẳng hạn, khách hàng có thể thỏa thích chọn “option” mà họ thích. Còn với BMW thì không. THACO đưa ra danh sách trang bị thế nào thì người dùng phải chấp nhận. Tôi nghĩ rằng, với những người đã bỏ ra đến khoảng 2,7 tỷ để lăn bánh chiếc 330i M Sport, tức là bằng giá các dòng xe ở phân khúc cao hơn, thì họ sẵn sàng chi thêm để có được thêm nhiều tính năng như bản bán tại các thị trường khác trong khu vực.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 6.

Thiếu như vậy thì Trinh có nghĩ đến độ lại chiếc xe để thỏa mãn nhu cầu cá nhân không? Tôi thấy “Bimmer” thường thích độ xe. Không biết Trinh có nằm trong số “Bimmer” đó?

Không, tôi chỉ thích xe nguyên bản thôi. Là người không có hiểu biết sâu về xe, mình không dám độ chiếc xe. Xe Đức có nhiều thiết bị điện tử. Phải là những người có tay nghề và hiểu biết rõ về dòng xe này mới nên độ hay sửa chữa.

Bố tôi từng cho tôi đọc nhiều bài báo về việc xe Đức hỏng một bộ phận nhỏ mà khi không biết xử lý nó dẫn đến hỏng thêm cả những chi tiết lớn nữa. Thêm nữa, điện đóm phức tạp, mình không thể tùy ý đụng chạm vào được. Nguy cơ chập cháy mất an toàn rất nguy hiểm.

Vậy còn về bảo dưỡng xe thì sao? Người Việt có tâm lý e dè khi chọn xe BMW vì cho rằng dòng xe này chưa thực sự phù hợp với khí hậu Việt Nam và có xu hướng dễ hỏng vặt. Trinh nghĩ sao về điều đó?

Chiếc xe này còn mới, cộng thêm hãng có những gói hỗ trợ bảo dưỡng ban đầu nên việc bảo dưỡng giai đoạn này không có gì phức tạp cả.

Ban đầu, nghĩ đến việc bảo dưỡng sửa chữa xe sau vài năm nữa, tôi cũng lo lắng chứ. Hồi bố tôi còn đi chiếc X5, đến năm thứ 5, năm thứ 6 trở đi là xe bắt đầu phải vào xưởng nhiều. Có đợt, cứ 2 tuần xe lại phải đưa vào xưởng một lần để kiểm tra rồi sửa chữa bộ phận hư hỏng. Sau đó, bố tôi đã bán chiếc xe đó đi để đổi sang chiếc mới sử dụng cho yên tâm.

Mặc dù vậy, đó là thời điểm 10 năm trước rồi. Giờ đây, tôi thấy rằng trình độ kỹ thuật viên ô tô ở Việt Nam ngày càng cao. Việt Nam mình còn sản xuất được cả ô tô cơ mà, thì việc sửa chữa đâu còn quá lo ngại nữa. Bởi vậy, tôi cũng không còn lo lắng nhiều về việc sửa chữa xe sau này.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 8.

Trinh nghĩ sao về việc sau này “lên đời” một chiếc Porsche? Có một số ý kiến cho rằng người đi BMW mà thích cầm lái có xu hướng “lên” Porsche.

Tôi đã từng thử trải nghiệm chiếc Porsche Macan. Phải nói là xe Porsche rất đẹp và hiện đại. Porsche thì lại cực kỳ chiều khách ở khoản chọn “option”. Nói về thích thì tôi thích nhất thiết kế và các trang bị trên xe. Còn đến lúc cầm lái, điều khiến tôi quyết định sẽ tiếp tục gắn bó với BMW chứ không đổi sang Porsche là vô-lăng của BMW đầm và nặng hơn Porsche. Có lẽ đã quen với kiểu đánh lái nặng rồi nên đi Porsche cảm giác không quen tay, mặc dù chiếc xe đó chạy thích thật.

Nếu lên đời, tôi muốn lên chiếc BMW M5. Đó là chiếc xe ao ước của tôi. Tôi còn nhớ hồi năm 2017 ở Mỹ, giá chiếc M5 đâu đó khoảng 45.000 USD. Giá chiếc xe này nếu về Việt Nam rất đắt đỏ, phải rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng.

Cảm ơn Trinh đã chia sẻ. Chúc bạn tiếp tục thành công trong công việc để sớm biến ước mơ thành hiện thực.

Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 12.
Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 13.
Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 14.
Nữ Bimmer 97 chạy BMW 330i M Sport: ‘Di truyền’ tình yêu BMW từ bố mẹ 20 năm trước, ai nói ‘Mercedes nữ tính’ cũng kệ - Ảnh 15.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM