Mới đây, chương trình Du hành ký ức đã lên sóng với sự tham gia của NSND Việt Anh, một nghệ sĩ gạo cội, thuộc hàng cây đa, cây đề trong lĩnh vực sân khấu miền Nam.
Ông ghi dấu tên tuổi, tài năng vào cả nền nghệ thuật Việt Nam lẫn trái tim khán giả qua hàng trăm vai diễn khác nhau từ hài kịch, phim truyền hình, điện ảnh. Bên cạnh là một nghệ sĩ, NSND Việt Anh còn là người thầy đứng sau đào tạo nhiều thế hệ trẻ bước vào nghệ thuật.
Tại chương trình tuần này, NSND Việt Anh khiến khán giả ấn tượng bởi vẻ ngoài giản dị, điềm đạm nhưng nói chuyện hài hước, thâm thúy, sâu sắc.
Thật ra tôi cũng đang rất giàu
Là người từng làm việc nhiều năm với NSND Việt Anh, MC Quyền Linh bày tỏ:
"Tôi phải nói thật, lương anh Việt Anh nhiều hơn tôi nhiều. Nhưng anh sống vì tình cảm, tình nghĩa với gia đình, bà con, bạn bè và cả học trò nữa nên cũng chẳng giàu có gì. Tôi cũng thương anh Việt Anh lắm khi ở tuổi này vẫn cô đơn lẻ bóng".
Hiểu được tâm tư của đàn em, NSND Việt Anh trải lòng: "Thật ra tôi cũng đang rất giàu và đã có nhiều thành công nhất định trong nghệ thuật, trong cái nghề mà tôi yêu thích và gắn bó từ trẻ đến giờ.
Vật chất rồi cũng sẽ tan biến, vấn đề là con người ta có hài lòng với cuộc sống hiện tại không.
Tôi cũng không phải phung phí tiền bạc gì nhưng có nhiều lý do không tiện nói nên đến giờ vẫn như vậy. Không ai hài lòng với sự cô đơn cả nhưng tôi hài lòng với những gì đã có".
Những ngày Tết tôi diễn 11 suất mỗi ngày
Tiếp đó, NSND Việt Anh hồi tưởng lại chặng đường nghệ thuật ban đầu của anh:
"Sinh ra trên mảnh đất Sài Gòn, tôi sớm cảm nhận hơi thở văn hoá nghệ thuật miền Nam từ khi còn rất nhỏ.
Ngày đó, nhờ những tấm vé ba được cho mà tôi có thể đi xem cải lương từ năm 5, 6 tuổi đến năm mười mấy tuổi, sớm được tiếp xúc với sân khấu dù gia đình không có truyền thống nghệ thuật.
Học xong cấp 3, tôi tham gia thanh niên xung phong trong 4 năm rồi về học ở trường Văn hoá - Nghệ thuật TP.HCM 3 năm.
Đợt toàn thành phố giảm biên chế không chỗ nào nhận, tôi thất nghiệp. Lúc đó tôi đã mê kịch rồi nên thi vào đội kịch nghiệp dư ở Nhà Văn hóa Thanh niên.
Chăm chỉ hoạt động nghệ thuật, dần dần, tôi cũng có trong tay nhiều tác phẩm để đời, trong đó phải kể đến vai Chu Phác Viên trong vở kịch Lôi Vũ.
Nhiều người nói, cách diễn ấn tượng của tôi khác hoàn toàn với các đoàn khác khiến người xem phải lấy đó làm hình mẫu cho nhân vật.
Tiếp nối thành công của Lôi Vũ là vở Dạ Cổ Hoài Lang do NSƯT Công Ninh thực hiện bản dựng.
Diễn xuất khi ấy gồm những nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo. Sau gần 30 năm, tác phẩm vẫn luôn nằm trong trái tim khán giả yêu thích kịch nói.
Ngày ra đời, tác phẩm chỉ vỏn vẹn 4 vai, được Hội đồng Sân khấu với những cây đa cây đề góp kịch bản vào. Dạ Cổ Hoài Lang tới lúc công diễn lại có sức lan tỏa từ Việt Nam đến cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhiều người đặt vé bay về chỉ để xem vở kịch. Đó là thành công lớn tôi đạt được.
Vở kịch đó mỏng lắm, bốn đứa tôi tập vỏn vẹn trong 5 buổi. Lúc bắt đầu diễn, ai cũng lo nhưng cũng đã diễn được hơn 1500 suất.
Điều thú vị nhất trong vở đó là tôi được Trung ương mời ra Bắc diễn, toàn dân nghệ sĩ cây đa, cây đề đến coi kín rạp.
Chúng tôi áp lực lắm chứ. Lúc giải lao, mọi người vỗ tay rần rần, tôi mở hé hé màn ra coi thì thấy mọi người đi ra hết để hậu trường trống rỗng.
Thì ra, mọi người lúc đó mới túa ra đi mua hoa. Chúng tôi diễn xong, người xem tràn lên tặng hoa mà muốn sập sân khấu. Cả diễn viên lẫn người xem ôm nhau khóc như mưa".
Cuối chương trình, NSND Việt Anh tiết lộ thêm: "Ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp, tôi đắt show tới mức những ngày Tết diễn 11 suất mỗi ngày, từ 10 giờ sáng đến 12h đêm.
Những những năm trở lại đây, tôi không tham gia một tác phẩm nào nữa. Tôi cũng trăn trở vì chưa tìm được tác phẩm nào đủ rung động. Tôi cũng hiểu cho các tác giả bị gánh nặng cơm áo gạo tiền nên chưa đủ thăng hoa với nghệ thuật.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, để đến với nghệ thuật một cách trọn vẹn, tôi chỉ xin các bạn trẻ một điều là phải có tri thức để cùng khán giả tạo ra cái đẹp cho đời, cho người.
Các bạn phải đọc nhiều vào để hiểu và thấm nhuần xã hội, con người, triết học, mỹ học, văn học, phải biết đau nỗi đau đời, cảm thương xót xa với một hoàn cảnh nào đó mới biến thành nghệ thuật để biểu diễn, để mọi người nhìn thấy cái đẹp nằm ở đâu. Đó mới là nghệ sĩ".