Gia tộc cải lương của NSƯT Tú Sương hội ngộ trên truyền hình
Tối qua (7/3), tập 14 chương trình Vang bóng một thời đã lên sóng trên kênh THVL1 với sự xuất hiện của những nghệ sĩ tài hoa trong gia tộc cải lương nổi tiếng của hai cố nghệ sĩ Thanh Tòng và Minh Tơ, gồm: NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, nghệ sĩ Ngọc Nga.
Được biết, họ là thế hệ thứ 5 trong một gia tộc cải lương giàu truyền thống, với những gương mặt gạo cội như nghệ sĩ Thanh Tòng, Bạch Long, Thành Lộc, Quế Trân, Kim Tử Long…
Thế hệ thứ 5 trong gia tộc cải lương của cố nghệ sĩ Thanh Tòng và Minh Tơ
Trong đó, NSƯT Tú Sương từng được mệnh danh là viên ngọc bích của sân khấu vì tài năng và những cống hiến không biết mệt mỏi cho nghệ thuật.
Nghệ sĩ Lê Thanh Thảo khá nổi tiếng trong giới cải lương, từng đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang với vở diễn Duyên kiếp.
Nghệ sĩ Ngọc Nga cũng từng có thời gian đứng trên sân khấu và thành công vang dội, nhưng sau này lui về hậu trường để chăm chút tạo hình, phục trang cho các nghệ sĩ khác.
Tại đây, NSƯT Tú Sương xúc động chia sẻ: "Từ thời ông cố, ông sơ và ông bà ngoại chúng tôi, ai cũng rất nghiêm khắc.
Với chúng tôi, nếu đã coi sân khấu là thánh đường thì dù hát vai quân sĩ hay tì nữ thì cũng phải hết mình với nó ngay khi đứng trong cánh gà. Nếu diễn không ra hoặc khinh thường vai diễn của mình thì không thể được mọi người tôn trọng.
Có những lúc tôi bệnh hoạn hay bên ngoài cuộc sống rất khó khăn, nhưng một khi đã lên sân khấu thì dù vai lớn hay vai nhỏ tôi cũng phải sống chết với nó, diễn bằng tâm huyết của mình.
Để được hát trên sân khấu, chúng tôi luôn biết ơn tất cả khán giả và cả những người ở hậu đài đã âm thầm hỗ trợ cho nghệ sĩ chúng tôi".
NSND Hồng Vân nghẹn ngào kể lại khoảnh khắc cuối cùng xem cố nghệ sĩ Thanh Nga diễn trước khi bị ám sát
Đáng chú ý hơn cả là những chia sẻ của NSND Hồng Vân về thời kỳ khó khăn của mình, phải nhịn ăn sáng cả tháng mới có tiền mua vé xem cải lương. Cô cũng nói về khoảnh khắc cuối cùng chứng kiến cố nghệ sĩ Thanh Nga trên sân khấu, trước khi bà bị ám sát và qua đời.
"Hồi xưa, tôi mê cải lương lắm nên mới thi vào trường Sân khấu Điện ảnh. Nhưng năm tôi thi, trường không tuyển khóa cải lương, cũng không tuyển khóa diễn viên, nên tôi buộc phải thi vào lớp đạo diễn.
Tuy thi vào lớp đạo diễn, nhưng ước mơ trong lòng tôi vẫn là trở thành nghệ sĩ cải lương.
Thời kỳ tôi đi học, cải lương đang hưng thịnh, phát triển rực rỡ. Tôi mê chú Hương Huyền lắm vì chú đẹp trai, diễn kép hay vô cùng, lại hào hoa phong nhã.
Tôi mê cải lương nhưng không có tiền đi xem. Tôi phải nhịn ăn sáng cả tháng trời mới có tiền mua vé.
Có một điều là khi suất diễn cuối cùng của cô Thanh Nga trong vở Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Cao Đồng Hưng diễn ra, tôi đã đủ tiền mua vé đi xem.
Lúc đó, tôi phải xếp hàng dài dằng dặc để đợi mua vé, chứ không phải như bây giờ ngồi nhà cũng mua được vé.
Càng may mắn hơn nữa khi tôi vừa mua xong thì hết vé, tấm vé của tôi là tấm vé cuối cùng. Đêm đó cũng là đêm tôi phải vĩnh biệt thần tượng Thanh Nga của mình.
Cải lương là bộ môn mà tôi nặng lòng và có nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng rất may năm đó trường Sân khấu không tuyển khóa cải lương chứ nếu tuyển thì bây giờ tôi chỉ là tỳ nữ thôi, không sao hát nổi kép chính".
Được biết, cố nghệ sĩ Thanh Nga là một ngôi sao cải lương nổi tiếng nhất trong thập niên 70. Cô bị ám sát ngay sau khi diễn vở Thái hậu Dương Văn Nga vào năm 1978, tại rạp Cao Đồng Hưng.
Cái chết của Thanh Nga đã gây chấn động dư luận và khiến biết bao khán giả khóc thương. Đến bây giờ, Thanh Nga vẫn là tượng đài cải lương được nhiều thế hệ ngưỡng mộ.