Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ tăng cường vận chuyển khí đốt xuyên hai bờ Đại Tây Dương, với hy vọng sẽ làm suy yếu sức mạnh áp đảo của Nga trên thị trường năng lượng.
Theo The Guardian, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định quan hệ đối tác của Washington với EU sẽ giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, và giảm nhu cầu của châu lục này về khí đốt.
Theo kế hoạch, Mỹ và các quốc gia khác sẽ tăng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) được vận chuyển bằng đường biển sang châu Âu thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay. Ông Biden cũng cam kết sẽ tăng khối lượng khí đốt xuất khẩu hơn nữa trong tương lai.
Về phía EU, khối này cam kết sẽ cố gắng duy trì các mục tiêu về khí hậu bằng cách cung cấp năng lượng sạch cho cơ sở hạ tầng khí đốt và giảm rò rỉ khí metan có nguy cơ khiến vấn đề nóng lên toàn cầu thêm trầm trọng.
Phát biểu tại Brussels, Tổng thống Biden khẳng định thỏa thuận này "không chỉ là điều đúng đắn về mặt đạo đức", mà còn "giúp chúng ta có vị trí chiến lược vững chắc hơn".
The Guardian cho biết thỏa thuận này có thể sẽ đòi hỏi các nước châu Âu phải xây dựng các bến cảng mới để nhập khẩu khí đốt, do cơ sở hạ tầng hiện tại không thể đáp ứng khối lượng nhập khẩu gia tăng đáng kể. Trong khi đó, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lại không có cảng nhập khẩu LNG.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu của chúng tôi là giảm phụ thuộc và dần tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga".
Các mặt hàng năng lượng được cho là nguồn thu nhập chính và là đòn bẩy chính trị cho Moskva. Gần 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU là từ Nga, và nguồn năng lượng này được sử dụng để sản xuất điện, sưởi ấm và ngành công nghiệp năng lượng nói chung.
Sau Brussels, điểm đến tiếp theo trong chuyến công du của Tổng thống Biden là Rzeszów, Ba Lan, nơi có quân Mỹ đồn trú và cách biên giới Ukraine khoảng một giờ lái xe./.