Nổi quá cũng khổ: Ứng dụng học online Zoom lo ngại tốn tiền đầu tư hạ tầng khi ngày càng có nhiều người sử dụng trong mùa dịch Covid-19

DG | 21-03-2020 - 22:09 PM

(Tổ Quốc) - Với lượng người dùng tăng đột biến trong vài tuần qua, Zoom cho biết họ sẽ phải tốn thêm 1 khoản đầu tư không nhỏ cho hạ tầng để duy trì chất lượng dịch vụ của mình.

Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa hàng loạt trường học, các công ty, doanh nghiệp cũng dần chuyển sang phương thức làm việc từ xa để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên. Trong bối cảnh đó, Zoom nổi lên như một lựa chọn hoàn hảo, với rất nhiều tính năng hữu ích giúp quá trình học tập và làm việc online diễn ra dễ dàng hơn bao giờ hết (bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về nền tảng này tại đây).

Chính vì lý do này, trong vài tuần trở lại đây, Zoom đã đón nhận một lượng người dùng khổng lồ và đạt mức tăng trưởng thần kỳ. Tuy nhiên vào ngày thứ 6 vừa qua (20/3), báo cáo của công ty lại cảnh báo các nhà đầu tư rằng rất có thể tình trạng này sẽ là 1 con dao 2 lưỡi: Ngày càng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng Zoom đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đầu tư 1 khoản tiền lớn để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, đồng thời còn phải duy trì chất lượng, uy tín ban đầu mà họ đã tạo dựng được trong thời kỳ đại dịch.

Nổi quá cũng khổ: Ứng dụng học online Zoom lo ngại tốn tiền đầu tư hạ tầng khi ngày càng có nhiều người sử dụng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Xu hướng học và làm việc online đã giúp Zoom bay cao trong vài tuần vừa qua, nhưng như vậy chưa chắc đã tốt.

Cụ thể, báo cáo của Zoom có viết: “Chúng tôi cho rằng chi phí đầu tư của công ty, bao gồm cả tiền mặt và phần trăm doanh thu, chắc chắn sẽ tăng cao trong tương lai gần. Lý do là bởi chúng tôi dự định mở rộng trung tâm dữ liệu và máy chủ đám mây bên thứ ba để đảm bảo chất lượng cho người dùng trong thời gian Covid-19 đang bùng nổ”.

“Bên thứ ba” mà Zoom nhắc tới ở đây bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Amazon Web Services. Dịch vụ điện toán đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử này vốn đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường trong nhiều năm qua, và hiện cũng đang cung cấp nhiều cụm máy chủ cho cơ sở hạ tầng IT cho Zoom.

Báo cáo của Zoom cũng nhấn mạnh nếu không đầu tư nâng cấp hạ tầng, họ sẽ khó lòng có thể cạnh tranh với nhiều nền tảng video - chatting lớn như Microsoft Teams, Google Hangouts hay Cisco WebEx: “Chỉ cần một chút khó khăn như nghẽn mạng cũng sẽ khiến Zoom mất điểm trong mắt người dùng, và đương nhiên họ sẽ không còn tin dùng chúng tôi như những tuần vừa qua nữa.  Ngoài ra, sự xuống cấp về chất lượng cũng sẽ khiến những nhà cung cấp mạng, những đối tác công nghệ quay lưng với chúng tôi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của chúng tôi và khiến chúng tôi khó lòng tìm kiếm thêm đối tác trong tương lai”.

Nổi quá cũng khổ: Ứng dụng học online Zoom lo ngại tốn tiền đầu tư hạ tầng khi ngày càng có nhiều người sử dụng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nếu không đầu tư cho hạ tầng, Zoom lo ngại sẽ không thể đáp ứng nổi nhu cầu khổng lồ đến từ phía người dùng và bị các đối thủ khác dễ dàng qua mặt.

Tăng chi phí đầu tư bao giờ cũng là một quyết định tối quan trọng trong doanh nghiệp. Tuy nhiên với Zoom, vấn đề này còn trở nên phức tạp hơn nữa khi họ không thể tính toán được liệu có bao nhiêu người dùng free sẵn sàng bỏ tiền ra để mua những gói dịch vụ cao cấp của họ: “Đúng là lượng người dùng của Zoom đã tăng cao trên toàn thế giới, nhưng không có gì đảm bảo lượng người dùng trả phí cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, chúng tôi cũng không thể khẳng định họ sẽ tiếp tục lựa chọn ứng dụng của mình sau khi đại dịch kết thúc hoặc suy yếu”.

Chúng ta chỉ biết rằng số người dùng của Zoom đã tăng vọt trong thời gian gần đây, nhưng công ty này chưa bao giờ đưa ra con số cụ thể cả. Vào đầu tháng 3 vừa qua, ban lãnh đạo của họ cũng cho biết hiện tại vẫn còn quá sớm để khẳng định sức ảnh hưởng kinh tế của Zoom. CEO Eric Yuan chia sẻ hiện tại, ông chỉ tập trung vào việc cung cấp chất lượng sản phẩm tốt nhất cho khách hàng và giúp họ làm việc hiệu quả trong mùa dịch.

Tại Trung Quốc, nơi ghi nhận những ca Covid-19 đầu tiên trên thế giới, Zoom đã quyết định phát hành ứng dụng free hoàn toàn thay vì chỉ cho phép người dùng trải nghiệm miễn phí trong vòng 40 phút đầu tiên. Họ cũng áp dụng chính sách tương tự cho ngành giáo dục tại nhiều quốc gia. Bản thân CEO Eric cũng chia sẻ ông đã đích thân lập rất nhiều phòng học cho hàng loạt trường đại học, trung học trên thế giới.

Nổi quá cũng khổ: Ứng dụng học online Zoom lo ngại tốn tiền đầu tư hạ tầng khi ngày càng có nhiều người sử dụng trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh 3.

CEO của Zoom khẳng định sẽ đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu.

Trong báo cáo của mình, Zoom đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nâng cấp hạ tầng, bởi nếu không, người dùng có thể đánh giá thấp chất lượng dịch vụ của họ. Đối với doanh nghiệp, nếu danh tiếng bị ảnh hưởng tiêu cực thì sẽ rất khó để có thể vực dậy, đặc biệt là trong bối cảnh lĩnh vực làm việc online đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Trước đó, Zoom cũng đã phải đối mặt với nhiều sự cố khi không thể kiểm soát lượng người dùng tăng đột biến như việc chia sẻ tranh ảnh nhạy cảm trong các phòng học online. Ngoài ra, học sinh không muốn học trong dịp nghỉ dịch cũng đua nhau đánh giá 1 sao, viết những review cực kì tiêu cực về ứng dụng này với hy vọng Apple sẽ gỡ Zoom khỏi App Store.

Chính những sự cố trên đây sẽ khiến quá trình duy trì danh tiếng của Zoom gặp nhiều khó khăn hơn, và đương nhiên là đắt đỏ hơn. Đó cũng chính là cơ hội để hàng loạt đối thủ khác như Microsoft Teams, WebEx hay thậm chí là cả Slack lợi dụng và phát triển và “đá bay” Zoom ra khỏi thị trường béo bở này.

Báo cáo của Zoom nêu rõ: “Với sự phát triển như vũ bão của các công nghệ mới, mạng lưới mà chúng tôi sử dụng có thể không còn đủ hiệu quả để đáp ứng chất lượng dịch vụ và lượng khách hàng của chúng tôi. Việc bị gián đoạn thường xuyên trong quá trình sử dụng sẽ khiến những người dùng tiềm năng đánh giá thấp chất lượng của Zoom và khiến họ tìm đến những ứng dụng đối thủ khác. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến công ty chúng tôi”.

Theo BusinessInsider

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM