Sự thay đổi để thích nghi với năm 2021 dường như đã tạo ra một năm 2022 “gặp thời” của các xu hướng mua sắm online. Không chỉ xuất hiện và bùng nổ, chúng còn được dự đoán là sẽ làm mưa làm gió và được “nâng cấp” một cách tiện ích, thú vị hơn trong thời gian tới.
Shoppertainment - “chiến binh” mới tiềm năng
Shoppertainment có thể là một từ khóa lạ, nhưng bạn đã sớm quen với xu hướng này xuyên suốt năm 2022 và sớm hơn trước đó. Shoppertainment là từ ghép giữa shopping và entertainment - hình thức mua sắm tích hợp giải trí. Mua sắm online không chỉ đơn thuần là vì bạn cần một mặt hàng nào đó, mà còn là bạn cảm thấy mình vui vẻ khi được tương tác với nền tảng mua sắm trực tuyến và tiếp nhận những thông tin có ích trước quyết định chốt đơn.
Khi trải qua thời điểm đại dịch, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ ưu tiên lựa chọn mua sắm online hơn hình thức mua hàng tận nơi truyền thống. Sau một loạt ưu đãi như giảm giá, miễn phí vận chuyển, các sàn thương mại điện tử giữ chân những tín đồ shopping bằng loạt chương trình tích hợp giải trí thú vị như lễ hội âm nhạc, gamification trên app. Lazada - một trong những nền tảng mua sắm online lớn nhất Việt Nam, đã tổ chức thành công loạt sự kiện giải trí chất lượng cao chẳng thua kém bất cứ kênh giải trí nào. Lazada Supershow, Lazada Megashow, LazGame,... được tổ chức trong khuôn khổ các đợt lễ hội mua sắm, thu hút người dùng bởi sự tiện ích khi vừa có thể chơi game, nghe nhạc và chốt đơn cùng lúc.
Một dẫn chứng khác cho sự thành công của xu hướng mua sắm giải trí là Hoạt động của LazLive - kênh LiveStream độc quyền nhà Lazada. Trong năm 2022, chương trình livestream Hội Xuân Online xuyên suốt mùa Lễ hội mua sắm đã thu hút lượt xem tăng hơn 4 lần so với ngày thường, người dùng sẵn sàng mua trên livestream nhiều hơn 2,5 lần…
Muốn gì, tìm nấy ngay trên sàn TMĐT
Năm 2021 tạo điều kiện để mua sắm online bùng lên mạnh mẽ, dẫn đến năm 2022 là thời điểm mọi người đã quen và thấy tiện lợi hơn với việc mua hàng qua mạng. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ này, hành vi trực tiếp tìm kiếm sản phẩm mình cần trên app/web của các sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người trẻ. Số lượng đơn vị cung cấp khổng lồ đem tới nhiều mặt hàng đa dạng, khiến khung tìm kiếm của các app/web mua sắm chẳng khác nào túi thần kỳ vạn năng. Chỉ có thứ bạn không nghĩ ra, không có gì không có người bán.
Bên cạnh đó, phần tìm bằng hình ảnh sản phẩm tương tự giúp việc “đi chợ” trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chẳng cần phải gõ tên qua Google để lấy link, app/web của các sàn thương mại điện tử là nơi người mua lựa chọn để tìm kiếm trực tiếp và bỏ giỏ hàng ngay những thứ mình cần mua.
Người người, nhà nhà làm tiếp thị liên kết
Không hề nói quá khi cho rằng trong năm 2022, hình thức tiếp thị liên kết - affiliate phủ sóng khắp mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok. Đây là hình thức tiếp thị thông qua các đường link trực tiếp tới sản phẩm đó trên nền tảng mua sắm online, người dùng chỉ cần click vào liên kết là sẽ được dẫn trực tiếp tới nơi mua sản phẩm đó.
Minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của xu hướng mua sắm qua tiếp thị liên kết là khi ngày càng nhiều người tham gia làm affiliate, đặc biệt là Gen Z. Những bài post bỏ ngỏ lời giới thiệu “mua sản phẩm tại link:...” kèm theo một vài bức ảnh minh họa sản phẩm, dù xuất hiện trên một page, group hay tài khoản thuộc lĩnh vực nào cũng thu hút một vài người click muốn tìm hiểu và mua hàng.
Giống như khi đi shopping, bạn khó có thể tập trung duy nhất vào thứ mình muốn mua, mà thường bị hấp dẫn trước một vài món đồ mà mình tình cờ nhìn thấy khi ấy. Mua sắm qua link affiliate cũng vậy. Bên cạnh việc trực tiếp search tên thứ mình cần, những mặt hàng tiếp cận người mua thông qua tiếp thị liên kết trên một nền tảng khác sẽ thôi thúc nảy ra ý muốn chốt đơn.
Xem livestream, mua trải nghiệm
Không mới nhưng vẫn luôn đầy sức hút - đó là những gì để miêu tả xu hướng mua hàng khi xem livestream trên mạng xã hội hay các ứng dụng mua sắm của hội chị em. Với nhiều người, điểm trừ khi mua sắm online là không được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, tất cả chỉ mang tính chất minh họa. Vừa hay, các livestream bán hàng có thể giải quyết phần nào sự lăn tăn này.
Nếu bạn là một tín đồ mua sắm, chắc hẳn bạn đã dừng chân tại các livestream không dưới một lần. Người bán hàng không nhất thiết phải là một KOC hay KOL cũng có thể thu hút hàng nghìn lượt xem. Kéo giãn quần áo để kiểm tra độ co giãn, ăn thử bánh kẹo để đảm bảo hương vị,... những hành động thực tế khiến việc mua hàng qua livestream dễ dàng khiến người tiêu dùng Millennials xiêu lòng. Bên cạnh đó, chốt đơn qua livestream rất đơn giản và thường nhận được giá sale khủng cũng là điểm khiến xu hướng này có thể làm mưa làm gió trong năm 2023 sắp tới.